Tạp chí "Stars & Strips" (Mỹ) ngày 19/7 cho biết trên bầu trời Libi, hiện nay Hải quân Mỹ đang triển khai một phi đội máy bay chiến đấu EA-18 Growler có tốc độ bay nhanh hơn tiếng động để gây nhiễu các trạm rađa trên mặt đất của quân đội Libi, nhằm tạo thuận lợi cho các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom của NATO tự do tiến công xe tăng, bắn phá các trạm thông tin liên lạc và đánh bom các mục tiêu chiến lược khác.
Máy bay “EA Growler” của không quân Mỹ là loại máy bay “tấn công điện tử” mới nhất được quân đội Mỹ thử nghiệm trên chiến trường. Do các nước đối phương tiếp tục phát triển khả năng của các loại rađa cũng như các hệ thống phòng không và các phần tử khủng bố trên thế giới đang sử dụng các phương tiện điện tử hiện đại để kích nổ các loại thuốc nổ, Lầu Năm Góc sẽ chi nhiều tỷ USD để sản xuất các phương tiện điện tử hiện đại nhằm đáp trả.
Mặc dù Lầu Năm Góc đang xem xét cắt giảm hàng loạt chi phí trong ngân sách quốc phòng, nhưng Oasinhtơn vẫn yêu cầu Bộ Quốc phòng tăng chi phí phát triển một số lĩnh vực như công nghệ tấn công điện tử, các loại máy bay không người lái vũ trang và an ninh mạng. Do đó, Lầu Năm Góc đang tìm cách tăng thêm ngân sách cho các chương trình nghiên cứu công nghệ, kể cả công nghệ chiến tranh điện tử, lên 12,2 tỷ USD trong năm tài chính 2012 so với ngân sách nghiên cứu công nghệ 11,8 tỷ USD năm 2011. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chi 1,1 tỷ USD để sản xuất thêm 12 máy bay tấn công điện tử Growler và các nhà thầu quốc phòng đang cạnh tranh để phát triển thế hệ tiếp theo của các thiết bị gây nhiễu nhằm nâng cao khả năng của quân đội Mỹ trong việc làm gián đoạn và phá hủy các phương tiện điện tử của đối phương.
Mỗi chiếc máy bay tấn công điện tử Growler do hãng Boeing sản xuất có giá khoảng 74 triệu USD, do hai phi công điều khiển, tốc độ bay hơn 1.700 km/giờ. Thay vì chở bom để ném xuống các mục tiêu của đối phương trên chiến trường, máy bay Growler sẽ chở các loại rađa, cần ăngten và nhiều loại thiết bị công nghệ cao khác. Mỗi thiết bị điện tử được gắn vào hai cánh máy bay và thực hiện các chức năng khác nhau, kể cả xác định vị trí của các trận địa rađa của đối phương, ngăn chặn và gây nhiễu các tín hiệu của các máy thông tin liên lạc và theo dõi thay đổi chiến thuật của các rađa đối phương. Máy bay tấn công điện tử Growler là một trong những bí quyết điện tử của Mỹ.
Hiện nay, 4 tập đoàn không gian vũ trụ khổng lồ gồm: Northrop, BAE Systems, Raytheon và Boeing đang đấu thầu một hợp đồng trị giá 2 tỷ USD của Lầu Năm Góc nhằm nghiên cứu và sản xuất các thiết bị gây nhiễu mới để trang bị trên các máy bay tấn công điện tử Growler, máy bay chiến đấu tiến công hỗn hợp F-35 và khả năng cả các máy bay không người lái vũ trang vào năm 2018.
Loren Thompson, nhà phân tích chính sách quốc phòng của Viện Lexington ở Arlington, bang Virginia, nhận định các máy bay tấn công điện tử Growler có thể tiến hành các cuộc tiến công mạng bằng cách thả các loại virút xuống các hệ thống máy tính của đối phương từ độ cao hàng nghìn mét.
Bên cạnh đó, Lầu Năm Góc còn giao cho nhà máy sản xuất thiết bị điện tử của tập đoàn Raytheon, ở khu vực El Segundo thuộc bang California, nghiên cứu và sản xuất loại tên lửa kiểu mới dài 2,7 mét, được trang bị một đầu đạn mà khi bắn đi có thể phát ra các sóng điện từ gây nhiễu và làm tê liệt các thiết bị điện tử cũng như các hệ thống rađa phòng không của đối phương. Lầu Năm Góc đã đầu tư hơn 500 triệu USD để phát triển công nghệ tên lửa này nhằm trang bị cho lực lượng không quân trong tương lai. Trọng lượng của loại tên lửa mới chưa đến 130 kg, do đó các máy bay chiến đấu F-16, F/A-18, máy bay ném bom B-52 và thậm chí cả các máy bay vận tải có thể chở vài chục tên lửa để tấn công đối phương. Mặc dù nhỏ nhẹ, nhưng nhờ điện tử công nghệ cao, loại tên lửa mới có sức mạnh bằng một phi đội máy bay đánh bom xuống các màn hình rađa của đối phương.
Những người ủng hộ chương trình phát triển công nghệ gây nhiễu điện tử của Lầu Năm Góc cho rằng, các khoản chi tiêu đó của Bộ Quốc phòng là đáng giá bởi vì công nghệ gây nhiễu điện tử sẽ giúp máy bay của Mỹ và NATO không bị hỏa lực phòng không của đối phương bắn rơi. Loren Thompson nói: “Lầu Năm Góc cần tăng ngân sách để duy trì và phát triển sức mạnh của chiến tranh điện tử. Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã và đang phát triển các hệ thống điện tử và nhiều biện pháp hiện đại nhằm đối phó các cuộc tấn công điện tử”. Ông khẳng định cần tăng ngân sách phát triển công nghệ chiến tranh điện tử mới có khả năng phá hủy các hệ thống phòng không cũng như khả năng phát hiện mục tiêu từ xa của các loại rađa của đối phương.
Hữu Trung (P/v TTXVN tại New York)