Từ tua-bin gió đến xe điện, các nguyên tố đất hiếm - gọi tắt là đất hiếm - đều cần thiết cho các công nghệ then chốt để chuyển đổi sang một cuộc cách mạng năng lượng bền vững. Ngoài ra, đất hiếm cung cấp năng lượng cho công nghệ quân sự hiện đại, chẳng hạn như hệ thống radar và đạn dược dẫn đường chính xác. Hơn nữa, khi những tiến bộ công nghệ tiếp tục phát triển trong các lĩnh vực này, các công ty sẽ cần nhiều đất hiếm hơn để các công nghệ trong tương lai hoạt động.
Các nguyên tố đất hiếm đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu. Các quốc gia kiểm soát khả năng tinh chế nguyên tố đất hiếm sẽ có thể định hình môi trường, kinh tế và quân sự trong tương lai của quốc gia họ và các đồng minh. Năm 1992, khi đến thăm Viện nghiên cứu đất hiếm Trung Quốc ở Bao Đầu, Đặng Tiểu Bình đã có câu nói nổi tiếng rằng “nếu Trung Đông có dầu mỏ, thì Trung Quốc có đất hiếm".
Từ đó, Chính phủ Trung Quốc đã đầu tư nguồn tài chính và chính trị lớn để kiểm soát thị trường nguyên tố đất hiếm toàn cầu. Những hành động này đã mang lại lợi ích khổng lồ cho nền kinh tế Trung Quốc, hiện đang kiểm soát 85% thị trường xử lý đất hiếm thế giới. Với nhiều thập kỷ hỗ trợ về tài chính và thể chế, các doanh nghiệp Trung Quốc đã phát triển công nghệ và kỹ thuật tinh chế đất hiếm với mức giá thấp hơn nhiều so với Mỹ và các nước khác.
Điều đáng báo động là Trung Quốc sẵn sàng tận dụng thế độc quyền đất hiếm để thực hiện các mục tiêu chính sách đối ngoại của mình. Sau khi chính phủ Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá Trung Quốc do tranh chấp trên biển, Trung Quốc đã đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu nguồn cung đất hiếm của nước này cho Nhật Bản.
Nhật Bản, quốc gia đã nhập khẩu 30% nguyên tố đất hiếm từ Trung Quốc, cuối cùng buộc phải nhượng bộ để có nguồn cung mặt hàng này. Trong cuộc cạnh tranh thương mại đang diễn ra, Trung Quốc đã đe dọa hạn chế xuất khẩu đất hiếm sang Mỹ.
Để chống lại mối đe dọa trên, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm tăng cường sản xuất đất hiếm trong nước cho công nghệ quân sự. Chính quyền Biden hiên nay cũng lưu ý trong Đánh giá mối đe dọa thường niên năm 2023 rằng sự thống trị của Trung Quốc trong thị trường đất hiếm quan trọng “có thể gây rủi ro đáng kể cho các ngành sản xuất và tiêu dùng của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây nếu Chính phủ Trung Quốc có thể tận dụng sự thống trị của mình cho mục đích chính trị hoặc kinh tế".
Do đó, chính quyền Biden đã nghiên cứu một số chính sách nhằm giảm bớt sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường đất hiếm. Đáng chú ý, Bộ Quốc phòng Mỹ đã đầu tư 10 triệu USD cho MP Materials Inc, một trong những mỏ đất hiếm của Mỹ. Ngoài ra, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp để đảm bảo dự trữ đủ đất hiếm cho các mục đích an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, những chính sách này không đủ để giải quyết sự thống trị hiện tại của Trung Quốc. Cụ thể, các khoản đầu tư hiện tại của Mỹ vào khai thác và tinh chế đất hiếm sẽ mất quá nhiều thời gian để biến mục tiêu của Washington thành hiện thực. Một nghiên cứu cho thấy các mỏ đất hiếm được phát hiện từ năm 2010 đến 2019 phải mất hơn 16 năm từ khi phát hiện ban đầu đến khi sản xuất.
Quá trình này mất nhiều thời gian vì thông thường phải mất hàng chục năm để tiến hành các nghiên cứu khả thi về các địa điểm khai thác tiềm năng, sau đó là bốn năm xây dựng nhà máy. Sự thiếu hụt khẩn cấp các nguyên tố đất hiếm có nghĩa là Mỹ không thể dựa vào việc mở các mỏ mới và ngay lập tức giải quyết được các thách thức hiện tại.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền Biden có lẽ cần tiếp tục đầu tư vào các doanh nghiệp để giảm sự phụ thuộc vào các nguyên tố đất hiếm một cách hiệu quả. Sau sự cố trên biển với Trung Quốc năm 2010, Chính phủ Nhật Bản bắt đầu đầu tư vào tái chế đất hiếm và sản xuất pin xe điện không cần đất hiếm để hoạt động.
Tóm lại, đất hiếm rất quan trọng vì không có chúng thì không thể sản xuất những sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống con người, và càng không thể thiếu trong chế tạo vũ khí, khí tài quân sự. Đất hiếm được gọi là "vitamin của nền công nghiệp hiện đại" vì là thành phần không thể thiếu trong sản xuất các loại thiết bị và linh kiện trong công nghệ thông tin, y khoa, giao thông, hóa lọc dầu, luyện kim, quân sự và nhiều lĩnh vực khác.
Tuy nhiên, Mỹ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng đất hiếm, lĩnh vực mà Trung Quốc đang thống trị trên thế giới. Mỹ đã và đang khôi phục sản xuất khoáng sản đất hiếm trong nước, nhưng vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc trong hầu hết quá trình xử lý hậu kỳ và thiếu chuỗi cung ứng độc lập. Việc xây dựng một chuỗi cung ứng mới có thể mất tới một thập kỷ và hầu hết các dự án được đề xuất đều thất bại.