Việc Tổng thống Mỹ Obama định hủy chuyến công du thăm 4 nước châu Á, không tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh APEC lần thứ 21 và Đông Á dẫn đến những nghi ngờ sâu sắc về chiến lược “xoay trục”, nhằm tái khẳng định sức mạnh quân sự và kinh tế Mỹ, cũng như cân bằng với sức mạnh ngày càng tăng của Trung Quốc tại khu vực đang phát triển năng động này. Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) và Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tại cuộc gặp ở Washington tháng 6/2013. Ảnh: SCMP. |
Nghi ngờ và thất vọngCho dù ngoại trưởng John Kerry ngày 5/10 khẳng định các cam kết giữa Mỹ và châu Á vẫn vững mạnh hơn bao giờ hết sau khi Tổng thống Barack Obama hủy chuyến thăm khu vực này do chính phủ Mỹ phải đóng cửa, thì những nghi ngờ, thất vọng trong giới lãnh đạo khu vực cũng như chuyên gia chính trị về những cam kết của Washington tại đây vẫn không giảm.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long ngày 6/10 phát biểu: "Rõ ràng là chúng ta đều mong muốn chính phủ Mỹ có cống hiến cho hội nghị. Chúng ta cũng mong muốn tổng thống Mỹ đến đây và hoàn thành trách nhiệm quốc tế của ông ấy, thay vì một lần nữa vướng bận với các vấn đề quốc nội".
Một số thành viên tham dự APEC - 21, như đồng chủ tịch Hội đồng Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương, ông Jusuf Wanandi, bày tỏ: “Thực là đáng tiếc, bởi vì dĩ nhiên là có cảm giác thất vọng, mà còn có ảnh hưởng phần nào đến uy tín của giới lãnh đạo Hoa Kỳ trong tương lai nữa. Bởi vì ông đã không có mặt ở Vladivostok dự hội nghị APEC 2012, và nay lại không có mặt ở đây. Do đó theo tôi, họ phải cứu xét một vấn đề quan trọng, một cách nghiêm túc hơn trong tương lai”.
Các chuyên gia chính trị khu vực cũng thể hiện sự quan ngại. AFP dẫn lời nhà phân tích Simon Tay, chủ tịch Viện Vấn đề quốc tế Singapore, nhận định việc ông Obama hủy chuyến thăm có thể khiến chiến lược “xoay trục châu Á” của Mỹ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
“Nếu phải ngừng các dịch vụ nhà nước, đối mặt với nguy cơ bị hạ tín nhiệm, các chính trị gia Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo sự cam kết của Mỹ đối với châu Á”, chuyên gia Tay cảnh báo.
Chuyên gia Đông Nam Á Ernie Bower thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở Washington thì cho rằng việc một tổng thống hủy chuyến thăm quan trọng như vậy sẽ để lại những ấn tượng chính trị xấu tại châu Á. Các quốc gia đồng minh khu vực cũng sẽ nghi ngờ năng lực thực hiện chiến dịch xoay trục châu Á của Mỹ.
Trung Quốc lấn át?Trong khi các nhà ngoại giao Mỹ và châu Á đang cố gắng làm giảm ảnh hưởng về việc ông Obama hủy chuyến hành trình trên, thì thái độ bất thường, lưỡng lự của Mỹ khiến người ta cho rằng Trung Quốc trong một vài trường hợp đã lấn át chiến lược xoay trục của Mỹ.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia tại Học viện Quốc phòng Australia, nhận định rằng: “Với những nước không phải là đồng minh thân cận của Mỹ, việc hủy chuyến thăm Châu Á sẽ củng cố thêm chính sách của các nước này hướng về Trung Quốc”.
Ngay khi các quan chức Mỹ ngập ngừng tuyên bố về việc hủy chuyến thăm châu Á của ông Obama thì Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đã ở Indonesia ký một loạt các hợp đồng trị giá lên đến 30 tỷ USD đồng thời nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện với Malaysia, bao gồm cả tăng cường quan hệ quân sự trong chuyến thăm của ông Tập.
Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tham dự APEC 21 và Hội nghị cấp cao Đông Á tại Brunei, nơi mà ông Obama không còn khả năng sử dụng nhân tố thương mại hay ngoại giao để ủng hộ các nước trong khu vực vốn đang quan ngại về sự gia tăng các hoạt động ngày càng quyết đoán của hải quân Trung Quốc.
Từ năm 2011, Trung Quốc đã củng cố vị thế như là một đối tác thương mại lớn nhất đối với hầu hết các nước ASEAN và đầu tư trực tiếp của Bắc Kinh vào khu vực này đang tăng lên chóng mặt. Cùng với việc tăng cường thương mại, Trung Quốc cũng mở rộng tầm ảnh hưởng về chính trị, ngoại giao và quân sự của mình cho dù một phần bị hạn chế bởi những tranh chấp trên biển với Nhật Bản, Philippines và một vài quốc gia khác.
Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN từ năm 2009. Các công ty Trung Quốc đã đầu tư 4,42 tỷ USD vào khu vực này năm 2012, tăng 52% so với năm 2011 (theo truyền thông nhà nước Trung Quốc trích dẫn số liệu của Hội đồng Mậu dịch Trung Quốc – ASEAN).
Ngoại giao quân sự của Trung Quốc cũng tăng lên nhanh chóng theo những gì nước này gọi là “trỗi dậy hòa bình”. Mới đây, tàu quân y của hải quân Trung Quốc Peace Ark đã chữa trị cho hàng trăm bệnh nhân tại các nước như Myanmar, Campuchia và Indonesia trong chuyến hành trình kéo dài một tháng tới các quốc gia này.
“Chúng ta đang thấy một dấu hiệu đáng quan ngại về việc duy trì những cam kết của Mỹ, từ lời nói đến hành động còn một khoảng cách rất xa”, ông Carl Baker, người đứng đầu Diễn đàn Thái Bình Dương tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế tại Hawaii, nhận xét.
Công Thuận (Theo Reuters)