Theo nhận định của Giáo sư Syed Munir Khasru, Chủ tịch của Viện Chính sách, Vận động và Quản trị (IPAG), một tổ chức tư vấn quốc tế, trên tờ Thời báo Hoa Nam buổi Sáng (scmp.com) ngày 13/1, sự ra đời của RCEP và gia tăng thương mại Trung Quốc - ASEAN lên gần gấp đôi giá trị trao đổi Mỹ - ASEAN cho thấy cách tiếp cận của Bắc Kinh đang hiệu quả. Trung Quốc đã thành công trong việc làm sâu sắc hơn quan hệ với Singapore vào tháng trước, khi ký 14 thỏa thuận mới tại cuộc họp hợp tác song phương thường niên diễn ra ngày 29/12/2021.
Bắc Kinh đã hoạt động tích cực ở Đông Nam Á từ những năm 1990, trở thành đối tác đối thoại của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 1996. Tháng 11/2020, 10 thành viên ASEAN đã ký tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) do Trung Quốc đứng đầu, hiệp định thương mại tự do lớn nhất có sự tham gia của một số cường quốc, nhưng thiếu vắng sự tham dự của Mỹ.
Chắc chắn, Mỹ vẫn là một cường quốc địa chính trị trung tâm, với các đồng minh ở Trung Đông, châu Á, châu Âu và Thái Bình Dương. Sự vắng mặt của các cường quốc quân sự lớn ở Đông Nam Á cũng đã giúp Mỹ có được chỗ đứng về địa chính trị trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng đã không ngừng thúc đẩy sản xuất, thương mại và đầu tư ở cả Đông Nam Á và trên toàn cầu, phát triển thành một cường quốc địa kinh tế bằng cách tăng cường quan hệ thông qua quan hệ đối tác kinh tế và thương mại.
Giáo sư Khasru cho rằng, chiến lược “Xoay trục sang châu Á” dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama, thay vì tập trung vào kinh tế, đã dựa nhiều vào cách tiếp cận quân sự mạnh mẽ hơn nhằm kiềm chế Trung Quốc. Sau đó là chính sách “Nước Mỹ trên hết” của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến Washington rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), gây tổn hại đến quan hệ kinh tế và chính trị của nước này với Đông Nam Á.
Tổng thống Mỹ hiện nay Joe Biden đang phải đối mặt với những thách thức trong việc định hình hướng đi đúng. Mặc dù các cam kết cấp cao đã được khởi xướng, nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa để lấy lại niềm tin của khu vực vào tính nhất quán và độ tin cậy với các chính sách của Washington. Lập trường cứng rắn nhằm vào một số nước ở Đông Nam Á cũng đã gián tiếp mang lại lợi ích cho Trung Quốc.
Liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, Trung Quốc vẫn là mối lo ngại an ninh đối với nhiều quốc gia thành viên ASEAN, nhưng với nguồn vốn đầu tư trực tiếp và hỗ trợ phát triển khổng lồ từ Trung Quốc, họ khó có thể cưỡng lại Bắc Kinh. Với nhận thức rằng an ninh kinh tế được tạo ra thông qua thương mại sẽ tồn tại lâu hơn so với khi thực hiện thông qua ưu thế quân sự, Trung Quốc đã khéo léo kiểm soát mối quan hệ với ASEAN bằng cách tăng cường quan hệ kinh tế với nhiều đồng minh truyền thống của Mỹ.
Australia, một đồng minh gần gũi trong lịch sử của Mỹ với các quan hệ đối tác an ninh như AUKUS, cũng đã phê chuẩn RCEP. Mặc dù Australia đã cấm các công ty viễn thông Trung Quốc cung cấp công nghệ 5G và hàng hóa xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc đang gặp phải những trở ngại liên quan đến nhập cảnh, đầu tư của Trung Quốc vẫn tăng lên trong những năm qua và trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với 261 tỷ USD kim ngạch hai chiều hàng năm.
Trung Quốc đã có những bước tiến dài để trở thành một cường quốc trên thị trường quốc tế. Các hiệp định thương mại tự do như RCEP đã giúp họ xâm nhập vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trong khi Mỹ can dự thông qua lĩnh vực ngoại giao, thì Trung Quốc đang chơi con bài của mình với các thương vụ đầu tư cơ sở hạ tầng.
ASEAN đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc vào năm 2020, vượt qua Liên minh châu Âu (EU). ASEAN thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, từ nông nghiệp và sản xuất đến các nền kinh tế kỹ thuật số và xanh. Đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc hiện đã vượt 310 tỷ USD. Tổng kim ngạch thương mại năm 2020 tăng lên hơn 5 tỷ USD trong khi đối với thương mại Mỹ - ASEAN, con số này khoảng 362 tỷ USD.
Ngay cả khi nói đến “Bộ tứ” (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ), Trung Quốc cũng có mối quan hệ thương mại mạnh mẽ với tất cả các thành viên, trừ Mỹ. Xuất khẩu của Nhật Bản sang Trung Quốc đạt 141,4 tỷ USD năm 2020, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của nước này, vượt qua Mỹ.
Trung Quốc cũng đã nhanh chóng vượt qua Mỹ vào năm 2020 để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ấn Độ, cung cấp cho nước này máy móc hạng nặng, thiết bị viễn thông và thiết bị gia dụng - mặc dù Mỹ đã tìm cách giành lại vị trí hàng đầu vào năm ngoái trong bối cảnh tăng trưởng thương mại song phương Trung - Ấn chậm lại.
Trong khi đó, quan hệ thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng căng thẳng. Washington tiếp tục áp đặt thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, do đó làm mất đi vị thế của Trung Quốc với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ.
Không thể coi chiến lược ngoại giao của Bắc Kinh tách rời khỏi chính sách kinh tế của nước này. Trung Quốc đã thu hút các quốc gia ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua các thỏa thuận đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, đặc biệt là trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường, viện trợ phát triển và đầu tư nước ngoài.
Các khối kinh tế như RCEP sẽ mang lại nhiều đối tác hơn cho Trung Quốc, tạo ra sự cạnh tranh gay gắt với Mỹ. Trung Quốc đã không tham gia vào chính sách ngoại giao mềm/cứng truyền thống mà thay vào đó đã áp dụng chiến lược thúc đẩy quan hệ địa kinh tế, đồng thời tuân theo chính sách không can thiệp nội bộ.
Giáo sư Khasru lưu ý, với sự chia rẽ nội bộ tiếp tục diễn ra ở Mỹ, điều thường ảnh hưởng đến chính sách thương mại và đối ngoại, Mỹ sẽ cần nhiều hơn sự can dự ngoại giao và những cam kết để nước này có thể cạnh tranh với Trung Quốc.