Quyết định rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Afghanistan đặt dấu chấm hết cho một cuộc chiến dài nhất của Mỹ ở nước ngoài – gần hai thập kỉ, với khoản chiến phí khoảng 2.000 tỉ USD. Nhưng nó sẽ tạo thêm lực đẩy cho bước chuyển dịch về ưu tiên an ninh của Washington, chuyển từ cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố sang đối mặt với một Trung Quốc đang trỗi dậy ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Quyết định khó khăn, nhưng hợp lý và hợp thời điểm
Mỹ và đồng minh đưa quân vào Aghanistan năm 2001, với mục tiêu lật đổ chính quyền Taliban, tiêu diệt các phần tử khủng bố al-Qaeda sử dụng Afghanistan như là một thiên đường trú ẩn để thực hiện các vụ tấn công khủng bố hôm 11/9/2001 trên đất Mỹ.
Đó dường như là một mục tiêu chính đáng và Mỹ đã đạt được điều đó chỉ sau vài tuần phát động cuộc chiến. Nhưng gần 20 năm sau đó, thật khó để cắt nghĩa tại sao Mỹ vẫn duy trì đồn trú quân sự ở quốc gia Tây Nam Á này.
Sứ mệnh của Mỹ và đồng minh sau đó chuyển từ chống chủ nghĩa khủng bố sang kiến tạo hòa bình, tái thiết một quốc gia đa sắc tộc nhiều mâu thuẫn và nghèo đói. Ở thời đỉnh điểm năm 2011, liên minh do Mỹ đứng đầu duy trì tới 130.000 quân đồn trú ở Afghanistan, riêng số lính Mỹ đã vượt 100.000 người.
Bất chấp những nỗ lực của Mỹ và đồng minh, Taliban hiện vẫn kiểm soát nhiều khu vực rộng lớn ở vùng nông thôn. Còn nền dân chủ tại Afghanistan mà Mỹ muốn tạo dựng may ra mới chỉ hiện diện một phần đâu đó ở thủ đô Kabul và một số thành phố lớn. Trong khi cái giá mà Mỹ phải trả là quá lớn.
Hơn 2.000 binh sĩ, nhân viên nhà thầu Mỹ đã thiệt mạng trong cuộc chiến kéo dài gần 20 năm qua, cùng với đó là cái chết của hơn 100.000 dân thường Afghanistan. Chi phí Mỹ phải bỏ ra cho cuộc can dự quân dự quân sự dài nhất trong lịch sử này cũng lên tới 2.000 tỉ USD. Mỹ và đồng minh đã mất quá nhiều thời gian mới kịp nhận ra rằng đó là cuộc chiến mà họ gần như không thể giành chiến thắng, cũng không thể tạo dựng một đất nước theo đúng cách mà phương Tây mong muốn.
Lý giải cho quyết định rút quân của mình, Tổng thống Joe Biden nói rằng Mỹ đưa quân tới Afghanistan là do vụ tấn công khủng bố kinh hoàng nhằm vào Mỹ 20 năm trước đây. Nhưng lý do đó không thể giải thích được tại sao Mỹ vẫn phải hiện diện quân sự ở Afghanistan ở thời điểm năm 2021.
Rút quân giúp Mỹ và đồng minh tái triển khai, luân chuyển nguồn lực để xử lý những thách thức an ninh đối ngoại khác, như sự trỗi dậy theo hướng ngày một hiếu chiến của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Đó là ý tưởng mà Barack Obama đã từng nói đến, nhưng không thể thực hiện được. Đã đến lúc Mỹ phải chấp nhận cần cân bằng các nguy cơ trong một thế giới đã và đang thay đổi, để từ đó đi tới một cách tiếp cận mới.
Dồn sức cho mặt trận Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương?
Yếu tố Trung Quốc dường như có một phần chi phối quyết định rút quân của Mỹ. Giải thích cho việc hoàn tất đưa 2.500 lính Mỹ về nước trước ngày 11/9/2021, ông Biden nói rằng Mỹ cần phải tăng cường liên minh và hợp tác với những đối tác cùng chí hướng để bảo đảm nguyên tắc của quy chuẩn quốc tế giúp trung hòa đe dọa tấn công mạng, gây dựng các công nghệ mới nổi giúp định hình tương lai được đặc trưng bởi “các giá trị dân chủ”. Đáng chú ý, ông nhấn mạnh “nước Mỹ phải chứng tỏ được khả năng cạnh tranh để chấp nhận một cuộc đối đầu căng thẳng trước một Trung Quốc đang ngày càng quyết đoán”.
Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố đã kìm hãm khả năng của Mỹ trong đối phó với một Trung Quốc trỗi dậy. Những nỗ lực trong quá khứ nhằm chấm dứt cái gọi là “cuộc chiến tranh bất tận” đều thất bại.
Chính quyền Obama rút quân khỏi Iraq vào năm 2011, nhưng buộc phải điều quân trở lại trong năm 2014 để diệt trừ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Người kế nhiệm Donald Trump cũng không thể thực hiện được kế hoạch rút quân toàn diện khỏi Syria và Afghanistan.
Trong khi đó, Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (USIPC) hồi tháng 3 vừa qua đã đề nghị tăng thêm 27,3 tỉ USD trong gói chi tiêu giai đoạn 2022-2027, nhằm tăng cường tiềm lực cho lực lượng Mỹ đóng tại khu vực này. Rút quân khỏi Afghanistan có thể giúp giải phóng thêm nguồn lực để dồn cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Đối phó với Trung Quốc cần lưu ý tới hai thách thức khác biệt so với cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Chống khủng bố, Mỹ không cần quan tâm nhiều đến kiểm soát các đại dương. Nhưng để chặn bước tiến hàng hải của Trung Quốc, Mỹ cần thêm tên lửa chống hạm cùng nhiều hệ thống vũ khí, phương tiện quân sự hiện đại khác.
Kế đến, thời gian cần thiết để xử lý một khủng hoảng liên quan đến khủng bố cũng ngắn hơn. Mỹ có thể nhanh chóng chuẩn bị lực lượng để mở các chiến dịch chống nổi dậy, diệt trừ khủng bố. Nhưng trước Trung Quốc thì khác, do nước này sở hữu tiềm lực tấn công quân sự hàng đầu thế giới. Hiện tại, Mỹ phải mất ít nhất ba tuần để di chuyển các đơn vị từ bờ biển phía Tây nước Mỹ đến khu vực tây Thái Bình Dương - một điểm bất lợi lớn với Mỹ nếu xảy ra đụng độ với Trung Quốc.
Để tăng khả năng răn đe Trung Quốc, USIPC lên kế hoạch thiết lập một mạng lưới tên lửa bệ mặt đất trải dọc khắp “chuỗi đảo thứ nhất” kéo dài từ tỉnh Okinawa tới Philippines. Khi đó, tên lửa chống hạm và tên lửa phòng không của Mỹ sẽ có điều kiện tấn công thẳng vào lực lượng của Trung Quốc trong thời gian chờ đợi tăng cường lực lượng từ Mỹ ở giai đầu của xung đột.
Quyết định rút quân của chính quyền Joe Biden khỏi Afghanistan có thể là một cú đánh mạnh vào uy tín, danh tiếng của Mỹ. Nhưng trong trường hợp này, chấp nhận một thất bại để hoạch định chiến lược cho tương lai có lẽ là lựa chọn phù hợp.