Để chặn những bước tiến của Nga ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tiến hành hai biện pháp cứng rắn mới: trừng phạt các công ty Trung Quốc với cáo buộc cung cấp công nghệ quan trọng cho Moskva và dỡ bỏ một số hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí tầm ngắn của Mỹ để tấn công bên trong lãnh thổ Nga, theo tờ Washington Post mới đây.
Đầu tháng 5 vừa qua, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp lệnh trừng phạt lên hơn chục công ty ở Trung Quốc và Hong Kong với cáo buộc ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết các lệnh trừng phạt của họ nhắm vào "những thực thể Trung Quốc chịu trách nhiệm phát triển và cung cấp thiết bị công nghệ, sản xuất và hàng không vũ trụ lưỡng dụng cho các thực thể có trụ sở tại Nga".
Theo Reuters, 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong nằm trong danh sách trừng phạt trên. Đây là một trong những hành động có phạm vi ảnh hưởng rộng nhất chống lại các công ty Trung Quốc cho đến nay khi Mỹ đưa ra các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Động thái này diễn ra sau nhiều cảnh báo liên tục từ các quan chức hàng đầu của Mỹ. Họ nói rằng đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc phải ngăn chặn việc cung cấp các mặt hàng công dụng kép (dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự) cho Nga, mà có thể được dùng cho chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Các lệnh trừng phạt được đưa ra nhằm ngăn chặn hành vi né lệnh trừng phạt và hỗ trợ cho cơ sở công nghiệp - quân sự cũng như các chương trình vũ khí sinh học, hóa học của Nga. Bộ Tài chính Mỹ cũng nhắm mục tiêu vào những bên tham gia cung cấp vật liệu cho Nga để sử dụng trong chất nổ.
Về quyết định của Tổng thống Biden cho phép Ukraine sử dụng vũ khí Mỹ (có hạn chế) để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga: Các quan chức Mỹ lo ngại rằng Nga đang tập trung quân và thiết bị ngay bên kia biên giới trong lãnh thổ Nga để tấn công Kharkov và các thành phố khác ở miền Đông Ukraine. Vì vậy, pháo binh và tên lửa tầm ngắn của Mỹ có thể tấn công các mục tiêu này mà không đe dọa tấn công sâu vào Nga. Trước đó, Mỹ đã hạn chế sử dụng chúng ở bên trong Ukraine, vì vậy chúng không thể tấn công các trung tâm hậu cần và hoạt động điều phối quân lớn của Nga ngay bên kia biên giới.
Theo Washington Post, Ukraine cho rằng sự thay đổi này sẽ làm chệch hướng cuộc tấn công của Nga ở khu vực Kharkov và thậm chí có thể lật ngược tình thế cuộc chiến. Trong khi đó, phía Nga cho rằng đây là một sự leo thang lớn và đe dọa sẽ tấn công trực tiếp các mục tiêu của phương Tây ở Ukraine.
Nguồn tin trên lưu ý quyết định mới này của Mỹ đánh dấu một bước ngoặt khác của vòng xoáy ăn miếng trả miếng đã liên tục làm tăng nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn mà không đưa ra giải pháp nào để kết thúc cuộc chiến ở Ukraine.
Vòng xoáy trên - các cuộc tấn công không ngừng của Nga và sự hỗ trợ quân sự ngày càng tăng của phương Tây dành cho Ukraine - đã leo thang trong gần 2 năm rưỡi qua. Nếu không có quá trình thương lượng, nó có thể tiếp tục trong nhiều năm tới. Và một thời điểm nào đó, bên này hay bên kia cuối cùng có thể vượt qua ranh giới đỏ thực sự, điều này có thể dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp mà chính quyền Biden đang cố gắng tránh.
Cùng với đó, Ukraine sẽ tiếp tục chịu thiệt hại và cái giá phải trả với phương Tây từ cuộc xung đột này sẽ tiếp tục gia tăng. Do đó, cần phải có một cách tốt hơn để quản lý cuộc khủng này, tờ Washington Post kết luận.