Mỹ và Iran đang tiến gần đến nguy cơ đối đầu ở Trung Đông

Theo kênh CNN (Mỹ) ngày 29/1, cuộc xung đột Israel - Hamas đã lan sang khu vực Trung Đông rộng lớn hơn, với nguy cơ xảy ra đối đầu trực tiếp giữa các cường quốc khu vực và thế giới ngày càng dễ xảy ra.

Chú thích ảnh
Lính Mỹ tham gia cuộc tập trận quân sự thường niên gần Maan, phía nam thủ đô Amman của Jordan năm 2017. Ảnh: AFP

Cuối tuần qua, ba quân nhân Mỹ đã thiệt mạng và hơn 30 người bị thương trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào một tiền đồn nhỏ của Mỹ ở Jordan, theo các quan chức Mỹ. Đây là lần đầu tiên binh sĩ Mỹ thiệt mạng do hỏa lực của một nhóm vũ trang ở Trung Đông kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Israel-Hamas. Tổng thống Mỹ Joe Biden đổ lỗi cho các nhóm được Iran hậu thuẫn, tuyên bố sẽ đáp trả. Một nhóm vũ trang ở Iraq cho biết họ đã tấn công các vị trí của Mỹ dọc biên giới Jordan-Syria, trong khi Iran phủ nhận mọi liên quan trực tiếp đến các cuộc tấn công.

Trên khắp khu vực, cuộc giao tranh phần lớn chỉ giới hạn ở các cuộc tấn công ăn miếng trả miếng giữa một bên là các lực lượng được Iran hậu thuẫn và bên kia là Mỹ, Israel và các đồng minh của họ. Nhưng sự can thiệp ngày càng tăng của Mỹ trong những tuần gần đây, cũng như cái chết của binh sĩ Mỹ, đã làm gia tăng lo ngại rằng cuộc xung đột ủy nhiệm giữa các bên có thể trở thành đối đầu trực tiếp.

Ở một số nơi, bao gồm Iraq và Syria, sự hiện diện của lực lượng Mỹ đan xen với sự hiện diện của Iran và các đồng minh của họ. Khi căng thẳng trên toàn khu vực gia tăng, đây là những nơi Iran hoặc các đồng minh của họ hiện diện, cũng là nơi lực lượng Mỹ đóng quân và nơi các bên đã tiến hành hoạt động quân sự kể từ khi bắt đầu cuộc chiến Israel-Hamas:

Iraq

Tehran có ảnh hưởng đáng kể đối với một số lực lượng dân quân người Shiite có quan hệ chặt chẽ với Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), như Kataib Hezbollah, Harakat al-Nujaba và Kata'ib Sayyid al-Shuhada.

Kể từ khi cuộc chiến Israel-Hamas bắt đầu, một nhóm mới nổi lên tự xưng là Lực lượng kháng chiến Hồi giáo ở Iraq (IRI). Đó là nhóm nhận trách nhiệm về vụ tấn công Tháp 22 ở Jordan. Theo Viện Chính sách Cận Đông Washington (WINEP - một tổ chức tư vấn), IRI là một thuật ngữ chung dùng để mô tả hoạt động của tất cả các lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn ở Iraq. 

Các chuyên gia nói rằng một số nhóm, như Kataib Hezbollah, chịu trách nhiệm trước chính quyền ở Tehran hơn là chính phủ ở Baghdad. Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia Mỹ cho rằng họ có tới 10.000 thành viên. Iraq cũng là quê hương của Tổ chức Badr do IRGC thành lập cũng như Asaib Ahl Al-Haq.

Các nhóm vũ trang đã thực hiện hàng chục cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Mỹ ở Iraq kể từ khi cuộc chiến ở Gaza nổ ra và Mỹ đã trả đũa bằng các cuộc không kích. Cuối tuần qua, quân nhân Mỹ đã bị thương trong một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo vào căn cứ không quân Al-Asad ở Iraq. Đây dường như là lần thứ hai tên lửa đạn đạo được sử dụng để nhắm vào lực lượng Mỹ và liên quân ở nước này kể từ ngày 7/10.

Cho đến năm 2008, ở đỉnh điểm của cuộc chiến tranh Iraq, Mỹ đã có tới 160.000 quân ở nước này. Ngày nay, khoảng 2.500 quân được triển khai tại một số căn cứ, bao gồm Erbil AB, Al-Asad AB và căn cứ JOC-I (Union III) ở Baghdad.

Lo ngại Iraq sẽ trở thành nơi gây bùng phát cuộc chiến tranh khu vực, Thủ tướng nước này tuyên bố rằng Baghdad đang tìm cách để Mỹ rút sự hiện diện. Mỹ đã nhấn mạnh rằng quân đội của họ có mặt ở nước này theo lời mời của chính phủ.

Chú thích ảnh
Các tay súng người Iraq thuộc nhóm Shiite Asaib Ahl al-Haq. Ảnh: AFP

Syria

Iran có sự hiện diện trực tiếp ở Syria, nơi Lực lượng Quds, một đơn vị tinh nhuệ của IRGC phụ trách các hoạt động ở nước ngoài, được triển khai sau cuộc nổi dậy năm 2011 để ủng hộ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Nhân viên của nhóm này đóng vai trò cố vấn quân sự và chiến đấu trên tiền tuyến để ủng hộ Tổng thống Assad.

Syria cũng là nơi đồn trú của các Lữ đoàn Zainabiyoun và Fatemiyoun, lực lượng dân quân người Shiite có liên kết với IRGC, những người được cho là tuyển mộ các chiến binh Afghanistan và Pakistan.

Mỹ cũng có 800 quân ở Syria nhằm thực hiện sứ mệnh đánh bại IS (Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng). Hầu hết các lực lượng Mỹ đều đóng quân ở nơi mà các quan chức quân sự gọi là “Khu vực an ninh phía Đông Syria”, nơi Mỹ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) chống chế độ của Tổng thống Assad. Ngoài ra còn có sự hiện diện của quân đội Mỹ ở phía Đông Nam Syria, nơi Mỹ hỗ trợ Quân đoàn Tự do Syria, lực lượng cũng phản đối chế độ Syria. 

Quân đội Mỹ ở Syria ngày càng bị các nhóm trên tấn công trong những tuần gần đây và Mỹ đã đáp trả bằng các cuộc không kích.

Jordan

Đây là nơi có 3 lính Mỹ thiệt mạng tại Tháp 22, căn cứ của Mỹ ở phía Đông Bắc Jordan gần biên giới với Syria. Lực lượng Mỹ tại đó như một phần của nhiệm vụ cố vấn và hỗ trợ cho Jordan. Các quan chức Mỹ cho biết chiếc máy bay không người lái tấn công Tháp 22 dường như được bắn từ Syria.

Lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq cho biết trong một tuyên bố trên Telegram rằng họ đã tấn công 4 căn cứ dọc biên giới Jordan, trong đó có 3 căn cứ ở Syria.

Jordan có khoảng 3.000 lính Mỹ đồn trú. Là đồng minh lâu năm của Mỹ và là nước nhận viện trợ quân sự lớn của Mỹ, các căn cứ không quân của Jordan như Căn cứ không quân Muwaffaq Salti ở Azraq, là trung tâm của các nhiệm vụ tình báo, giám sát, thu thập mục tiêu và trinh sát của Mỹ ở Syria và Iraq, nơi Washington đang chiến đấu với IS.

Liban

Liban là nơi có lực lượng bán quân sự hùng mạnh nhất ở Trung Đông: Hezbollah, được Iran hậu thuẫn, một trong những lực lượng ủy nhiệm hiệu quả nhất trong khu vực của Tehran. Nhóm này có căn cứ chính ở biên giới Israel-Liban và đã đấu súng với Israel kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu. Phong trào này có liên hệ với Hamas ở Gaza.

Mặc dù chưa rõ quy mô chính xác kho vũ khí của Hezbollah, nhưng các chuyên gia ước tính nhóm này có từ 150.000 đến 200.000 tên lửa, cũng như pháo và súng cối. Theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia ở Tel Aviv, hàng trăm tên lửa như vậy “có độ chính xác cao và có sức tàn phá lớn”.

Thủ lĩnh Hezbollah Sayyed Hassan Nasrallah tuyên bố nhóm này có 100.000 chiến binh. Iran được cho là nhà cung cấp vũ khí chính của Hezbollah.

Yemen

Tâm điểm của cuộc xung đột ủy nhiệm hiện nay giữa Iran và Mỹ là lực lượng Houthi ở Yemen, nhóm đã tăng cường tấn công các tàu ở Biển Đỏ, nói rằng họ đang trả thù Israel vì cuộc chiến ở Gaza.

Nhóm này hiện đang kiểm soát miền Bắc Yemen và đã có 8 năm chiến đấu với liên minh do Mỹ hậu thuẫn và do Saudi Arabia dẫn đầu trước khi tạm dừng giao tranh vào năm ngoái.

Quân đội Mỹ đã triển khai các tàu chiến ở Biển Đỏ, ngoài khơi bờ biển Yemen, nơi họ tấn công các mục tiêu của Houthi. Vào tháng 12 vừa qua, Mỹ đã tập hợp một liên minh gồm hơn 20 quốc gia để bảo vệ giao thông thương mại trước các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố sẽ đáp trả vụ 3 lính Mỹ bị thiệt mạng trong cuộc tấn công ở Jordan. Ảnh: AFP

Dải Gaza và Israel

Dải Gaza bị bao vây là nơi đóng quân của Hamas, nhóm mà Israel cho rằng có khoảng  30.000 người trước xung đột. Iran đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với nhóm này trong những năm gần đây. Không giống như tất cả các đồng minh khác của Tehran trong khu vực, Hamas là một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni, chứ không phải là một tổ chức của người Shiite.

Không có bằng chứng nào cho thấy Iran biết trước về vụ tấn công ngày 7/10 năm ngoài vào Israel và Iran được cho là không có nhiều ảnh hưởng đến Hamas như các nhóm đồng minh khác trong khu vực. Nhưng Mỹ cho rằng Iran trong lịch sử đã cung cấp tới 100 triệu USD  hàng năm để hỗ trợ cho các nhóm vũ trang người Palestine, bao gồm Hamas và Jihad Hồi giáo Palestine (PIJ), một nhóm khác có trụ sở tại Gaza.

Ở bên kia chiến tuyến, Israel là nước nhận viện trợ quân sự lớn nhất của Mỹ, trong đó Washington đã đóng góp hơn 130 tỷ USD viện trợ kể từ khi thành lập nhà nước Israel vào năm 1948.

Các nước Arab vùng Vịnh và Thổ Nhĩ Kỳ

Trong khi cuộc chiến Israel-Hamas chưa lan sang các quốc gia Arab ở vùng Vịnh, một số quốc gia trong số đó cảm thấy dễ bị tổn thương vì trước đây họ đã từng là mục tiêu của các nhóm liên kết với Iran. Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) lần lượt bị Houthi tấn công vào năm 2019 và 2022.

Các quốc gia vùng Vịnh đồng minh của Mỹ cũng là nơi triển khai quân đội Mỹ lớn nhất trên thế giới. Mỹ có khoảng 13.500 binh sĩ ở Kuwait, nơi có sự hiện diện quân sự lớn nhất của Mỹ trong khu vực. Chỉ có Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp nhận nhiều lực lượng Mỹ hơn Kuwait.

Sự hiện diện quân sự lớn thứ hai của Mỹ trong khu vực là ở Qatar, nơi có khoảng 10.000 lính Mỹ đồn trú tại Căn cứ Không quân Al-Udeid, căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ ở Trung Đông. Trong khi đó, Qatar duy trì quan hệ với Hamas, cho phép nhóm này mở trụ sở chính trị tại thủ đô Doha kể từ năm 2012.

Bên cạnh đó, hơn 2.700 lính Mỹ đóng quân tại Căn cứ Không quân Prince Sultan ở Saudi Arabia, trong khi UAE có sự hiện diện của 3.500 quân nhân Mỹ tại Căn cứ Không quân Al Dhafra, nơi đặt Trung tâm Tác chiến Hàng không vùng Vịnh.

Các trung tâm hiện diện quân sự khác của Mỹ bao gồm Bahrain, nơi đặt Bộ Tư lệnh Trung tâm của Lực lượng Hải quân Mỹ và là nơi đặt Hạm đội Hải quân số 5 của Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ có sự hiện diện của 1.465 nhân viên quân sự tại căn cứ không quân Incirlik.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo CNN)
Mỹ cân nhắc các lựa chọn chống Iran sau vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng
Mỹ cân nhắc các lựa chọn chống Iran sau vụ 3 lính Mỹ thiệt mạng

Bloomberg đưa tin Washington đang xem xét nhiều lựa chọn để đáp trả cuộc tấn công căn cứ Mỹ ở Trung Đông, bao gồm khả năng thực hiện chiến dịch bí mật chống Iran.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN