Mỹ-Trung đối đầu thương mại và ‘bóng ma’ chiến tranh tiền tệ

Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hạ lãi suất lần đầu tiên sau hơn 1 thập kỷ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cũng hạ lãi suất lần đầu tiên kể từ năm 2008. Cùng với trừng phạt thuế quan lẫn nhau trong hơn 1 năm qua, dường như cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang bước vào vòng xoáy mới: chiến tranh tiền tệ.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa

 “ĂN MIẾNG-TRẢ MIẾNG”

Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc từ tháng 6/2018 tới nay đã liên tục chứng kiến các đòn “ăn miếng, trả miếng” lẫn nhau. Dù có đôi lúc hạ nhiệt với các lệnh "ngừng bắn" đạt được trong cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, song leo thang căng thẳng và không nhượng bộ có lẽ là xu thế chủ đạo.

Ngày 5/8 (ngày 6/8 theo giờ Việt Nam), Bộ Tài chính Mỹ đã đẩy cuộc chiến lên một mức thang mới khi liệt Trung Quốc vào diện thao túng tiền tệ, điều Bắc Kinh cương quyết bác bỏ. Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cáo buộc Chính phủ Trung Quốc cố tình hạ giá đồng Nhân dân tệ nhằm “giành lợi thế cạnh tranh một cách thiếu công bằng trong hoạt động thương mại quốc tế".

Quyết định này giúp Tổng thống Trump giữ đúng lời hứa trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 1994, Mỹ liệt một quốc gia vào diện thao túng tiền tệ và quốc gia đó chính là Trung Quốc. Động thái trên diễn ra sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho phép đồng Nhân dân tệ mất giá 2%, tuột khỏi mốc 7 Nhân dân tệ đổi được 1 USD, mức yếu nhất của đồng nội tệ Trung Quốc trong 10 năm trở lại đây.

Thông thường, Bộ Tài chính Mỹ định kỳ 2 lần/năm đệ trình đánh giá tiền tệ lên Quốc hội, trong đó liệt kê các nước bị Mỹ coi là có hành vi "thao túng tiền tệ" và các quốc gia “đang trong tầm ngắm”. Tuy nhiên, quyết định bất ngờ ngày 5/8 vừa qua lại nằm ngoài quy trình trên. Điều này chứng tỏ Washington đánh giá động thái nới lỏng tỷ giá đồng Nhân dân tệ là rất nghiêm trọng, buộc Mỹ phải đáp trả.

Giới quan sát đánh giá Tổng thống Trump đã có sự chuẩn bị cho kịch bản thương chiến với Trung Quốc leo thang sang chiến tranh tiền tệ. Mới đây, FED đã hạ lãi suất lần đầu tiên trong vòng hơn 1 thập kỷ. Nhiều khả năng, trong thời gian tới Chính quyền Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc “vũ khí hóa đòn trừng phạt thuế”, theo đó các biểu thuế cao hơn nữa có thể sẽ được áp dụng với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài ra, Mỹ cũng có thể đẩy mạnh việc mua vào một lượng lớn trái phiếu chính phủ của Trung Quốc nhằm nâng giá đồng Nhân dân tệ.

Về phần mình, sau khi bị Mỹ liệt vào diện thao túng tiền tệ, Trung Quốc cũng đã có những đáp trả mạnh mẽ. Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tuyên bố Bắc Kinh kiên quyết phản đối quyết định của Mỹ coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, khẳng định Bắc Kinh chưa và sẽ không sử dụng đồng Nhân dân tệ để đối phó với những bất đồng về thương mại với Mỹ. Theo tuyên bố của PBOC, việc coi Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ gây tổn hại nghiêm trọng tới các quy tắc quốc tế.

Trước mắt, Trung Quốc đã ngừng nhập khẩu nông sản Mỹ. Ngày 6/8, truyền thông nhà nước Trung Quốc tuyên bố nước này sẽ ngừng mua nông sản Mỹ để đáp trả hành động “vi phạm nghiêm trọng” các thỏa thuận đạt được giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Donald Trump.

Công ty Vốn quốc tế Trung Quốc (CICC), tập đoàn tài chính chuyên về đầu tư tại Trung Quốc, dự đoán bước đi tiếp theo của PBOC là từng bước nới lỏng chính sách tiền tệ và tiếp tục thực hiện cải cách cơ cấu kinh tế theo hướng trọng cung (bao gồm sản xuất hàng hóa và dịch vụ) trong bối cảnh gia tăng những bất ổn trong nước và bên ngoài. Trên thực tế, tính tới ngày 12/8, đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc sụt giá phiên thứ ba liên tiếp.

Các chuyên gia của CICC cho rằng PBOC có lẽ sẽ tiếp tục hạ lãi suất cơ bản trên thị trường mở (OMO), song song với việc cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng nhằm đảm bảo tính thanh khoản và sự tăng trưởng ổn định trong hoạt động cung ứng tiền tệ và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước. 

Ông George Boubouras, Giám đốc công ty quản lý tài sản Salter Brothers có trụ sở tại Melbourne (Australia), nhận định: "Không còn nghi ngờ gì nữa, cuộc chiến tiền tệ đã bùng phát. Nó chính là sự mở rộng của cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc theo hướng tồi tệ hơn".

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: SCMP

HẬU QUẢ KHÔN LƯỜNG

Cuộc chiến tiền tệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chỉ gây tổn thương cho Mỹ và Trung Quốc, mà còn “tác động tiêu cực tới trật tự tài chính quốc tế và có thể gây ra bất ổn đối với các thị trường tài chính toàn cầu”, thậm chí có nguy cơ đẩy kinh tế thế giới vào một cuộc suy thoái mới.

Dù là bên chủ động hơn, song Mỹ cũng sẽ chịu không ít thiệt hại nếu cuộc chiến với Trung Quốc không sớm hạ nhiệt. Việc Trung Quốc ngừng mua nông sản Mỹ được xem là một đòn giáng mạnh nhằm vào nỗ lực của Tổng thống Trump thực hiện cam kết với các nông dân Mỹ - những người đã dành số lượng lớn phiếu bầu cho ông trong cuộc bầu cử năm 2016 - rằng ông sẽ mang về cho họ những đơn hàng lớn từ Trung Quốc.

Về lý thuyết, việc đồng Nhân dân tệ giảm giá giúp tăng lợi thế cạnh tranh của Trung Quốc trong thương mại với Mỹ, đồng thời làm gia tăng thặng dư thương mại của Trung Quốc. Nếu thương chiến kéo dài, ví tiền của người lao động ở Mỹ sẽ chịu tác động trực tiếp, trong đó tiền tiết kiệm và sức chi tiêu sẽ đều giảm.

Cuộc chiến tiền tệ và thương mại leo thang sẽ làm dậy sóng các thị trường chứng khoán Mỹ. Động thái leo thang mới nhất của thương chiến Mỹ-Trung đã làm các nhà đầu tư hoảng sợ, khiến cả ba mã cổ phiếu lớn của Mỹ là Down Jones, S&P 500 và Nasdaq Composite lao dốc thê thảm trong phiên giao dịch ngày 5/8. Bên cạnh đó, cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc có thể làm suy yếu vai trò trung tâm của Mỹ trong hệ thống tài chính thế giới.

Về phần Trung Quốc, mối đe dọa về thuế quan càng thêm trầm trọng khi bản thân Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối mặt với áp lực trong nước phải có lập trường cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán thương mại.

Hơn thế nữa, nới lỏng tiền tệ và chạy đua hạ lãi suất vẫn được coi là "con dao hai lưỡi" bởi nó có thể dẫn tới lạm phát nghiêm trọng và không phải lúc nào cũng đem lại kết quả như mong muốn. Việc đồng Nhân dân tệ giảm giá quá sâu sẽ gây ra một cuộc khủng hoảng nợ khi người Trung Quốc vay ngoại tệ sẽ thiệt thòi hơn.

Cuộc chiến tiền tệ giữa Mỹ và Trung Quốc có nguy cơ dẫn tới tình trạng suy thoái, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, châm ngòi cho một cuộc chạy đua hạ giá đồng nội tệ, cắt giảm lãi suất trên phạm vi toàn cầu. Và đây chính là những gì đã diễn ra trước cuộc khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2009.

Thanh Tuấn-Khắc Hiếu
Tổng thống Mỹ tiến gần hơn đến cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc
Tổng thống Mỹ tiến gần hơn đến cuộc chiến tiền tệ với Trung Quốc

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8/8 đã tiến thêm một bước gần đến cuộc chiến tranh tiền tệ trong căng thẳng leo thang với Trung Quốc khi ông bày tỏ sự không hài lòng với đồng USD mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN