Họ đã làm những gì mà lực lượng dân túy vẫn thường làm: Lợi dụng sự sợ hãi, nhất là nỗi sợ về những người mà họ không coi là “người dân của chúng ta”, thổi phồng quá mức sự chia rẽ trong xã hội, chỉ trích các chính phủ trung dung và tự do là những người thiếu kiểm soát và tham nhũng, chĩa mũi dùi vào giới chóp bu mà họ cho là trịch thượng và chỉ quan tâm tới các lợi ích cá nhân thay vì tôn trọng “người dân”. Dường như thời điểm hiện nay đang là thời của họ. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu họ có thể, dù vô tình hay hữu ý, giúp ích cho các xã hội mà họ muốn lãnh đạo hay không?
Lãnh đạo đảng cực hữu Pháp Mặt trận Dân tộc Marine Le Pen (giữa) tại cuộc họp về bầu cử khu vực ở Nice ngày 27/11. Ảnh: AFP/TTXVN |
Hầu hết các nghiên cứu đều dẫn tới một câu trả lời là “không”. Một nghiên cứu gần đây của Đại học Havard kết luận rằng tại cả Mỹ và châu Âu, sự chuyển hướng từ nền chính trị giai cấp ở các nước giàu có sang “các giá trị vật chất”, diễn ra vào thập niên 1970, đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ do mâu thuẫn trong vấn đề văn hóa, nhất là từ các cộng đồng người da trắng, người cao tuổi, hay những người ít học hành. Những đối tượng này phản đối làn sóng các giá trị tiến bộ ngày càng gia tăng, tức giận trước sự suy yếu của các quy tắc truyền thống quen thuộc. Điều này, vô hình trung đã hình thành nên những con người dễ bị lôi cuốn bởi chủ nghĩa và tư tưởng dân túy.
Những người này lo ngại nguy cơ bị gạt ra ngoài lề xã hội, và thực tế là nhiều người trong số họ đã cảm thấy bị như vậy và họ không còn đủ thời gian để tạo nên những thay đổi cơ bản. Chính sự bất đồng về văn hóa, chứ không phải sự bất bình đẳng kinh tế, là nhân tố thôi thúc họ. Họ cho rằng nơi họ sống đã không còn là Mỹ, là Pháp, hay đất nước Phần Lan mà họ trưởng thành, rằng chính các cuộc cách mạng xã hội và văn hóa tại chính nơi đây khiến họ cảm thấy bực bội. Họ thấy rằng giờ mình đang dần trở thành những cộng đồng thiểu số.
Trong quá khứ, chủ nghĩa dân túy thường đi kèm những yếu tố tiêu cực. Hội kín Ku Klux Klan, có tư tưởng cực hữu và ủng hộ thuyết người da trắng là ưu việt, kỳ thị mọi chủng tộc khác, từ người Mỹ gốc Phi, người Do Thái, cho tới cả những người Công giáo La Mã. Vào giữa những năm 1920, lực lượng này cùng những người ủng hộ đã buộc Quốc hội Mỹ thông qua một điều luật giới hạn số người từ mỗi nước Đông và Nam Âu được nhập cư vào Mỹ mỗi năm chỉ là vài trăm người. Hạn ngạch này chỉ được dỡ bỏ vào năm 1965. Những tuyên bố chỉ trích và kỳ thị đối với người nhập cư Mexico mà ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Mỹ Donald Trump đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử của mình cũng hoàn toàn tương đồng với hệ tư tưởng của Ku Klux Klan.
Tại châu Âu, những người theo chủ nghĩa dân túy coi cộng đồng người Hồi giáo là những đối tượng nguy hiểm, nhất là bởi các vụ tấn công khủng bố trên châu lục này thường được cho là do các tổ chức Hồi giáo cực đoan gây ra. Dù cho giới chính trị trung dung vẫn đang nỗ lực bảo vệ cộng đồng người Hồi giáo bằng việc khẳng định họ cũng ghê tởm những vụ tấn công này, song lo sợ của cử tri trước bạo lực đã giúp nhiều nhân vật có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa và dân túy như Marine Le Pen của Mặt trận Dân tộc trở thành một trong những chính trị gia được yêu thích nhất tại Pháp.
Có thể nói, chủ nghĩa dân túy phát triển là do một bộ phận dân chúng, và hiện ở nhiều nơi là đại bộ phận người dân, cảm thấy rằng mình đang bị tổn thương. Những người ủng hộ chủ nghĩa này cho rằng lao động địa phương đang bị lấn át và mất việc làm vào tay những người di cư, những người đang làm suy yếu các mối liên kết cộng đồng bằng việc từ chối tuân thủ những nguyên tắc sẵn có. Hàng hóa giá rẻ tràn lan chính là kết quả của các thỏa thuận thương mại tự do và đang tước đi cơ hội cạnh tranh của các nhà sản xuất nội địa. Trong khi đó, giới cầm quyền có tư tưởng tự do lại ban hành những điều luật bao dung và chấp nhận cả những cộng đồng thiểu số và những người lệch lạc giới tính, những kẻ “không phải chúng ta”.
Tuy nhiên, chủ nghĩa dân túy - tiếng Anh là “popularism” - có gốc từ từ “people”, nghĩa là người dân. Các phong trào này cũng xuất phát từ các cuộc biểu tình của người dân, và biểu tình là một điều cần thiết trong mọi nền dân chủ. Sự nổi lên của cựu ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ Mỹ Bernie Sanders là do sự chán ghét của những người ủng hộ chủ nghĩa dân túy đối với tình trạng bất bình đẳng trong kinh tế và sự thao túng của các tập đoàn. Sự ủng hộ mà nhiều cử tri dành cho ông Sanders buộc bà Hillary Clinton phải nhận thấy rằng những biện pháp toàn cầu hóa mà bà ca ngợi đã làm tổn hại tới hàng triệu người dân Mỹ.
Còn nếu ông Trump trở thành tổng thống Mỹ, ông sẽ để lại những gì khi nhiệm kỳ kết thúc? Theo ông John Lloyd, đó có thể sẽ chỉ là một mớ bòng bong, hậu quả từ các chính sách và cách hành xử của chính ông, thay vì những điều mà người ta có thể học tập. Một nhà lãnh đạo, người từng có những câu chuyện phiếm “trong phòng thay đồ” về hành vi thiếu đứng đắn với phụ nữ, có thể sẽ cần suy nghĩ lại. Những điều tốt đẹp sẽ không thể diễn ra nếu ông cứ tiếp tục chĩa mũi dùi hay tìm cách bới móc người khác. Những phát biểu xúc phạm của ông đối với gia đình Đại úy Humayun Khan, người đã hy sinh ở Iraq, sẽ càng kích động sự thù ghét trong cộng đồng người Hồi giáo, và thậm chí là khiến cả những người ủng hộ quan điểm bài Hồi giáo của ông phải cân nhắc lại.
Ông Trump và những chính khách dân túy của châu Âu đã nhận được rất nhiều sự ủng hộ của người dân, bởi họ đã khai thác đúng những vấn đề mà người dân bức bối. Tuy nhiên, đúng như những gì sử gia người Mỹ Richard Hofstadter nhận định, đòn tấn công của các lực lượng dân túy sẽ là mũi chích của loài ong, chúng sẽ chết ngay sau mũi chích ấy. Chủ nghĩa dân túy có thể bùng phát thành những phong trào phản kháng và yêu cầu thay đổi. Nhưng nếu đi chệch hướng, chủ nghĩa dân túy sẽ rất dễ trở thành chủ nghĩa cực đoan và phát xít.
Dân chủ sẽ chiến thắng làn sóng dân túy nếu người ta biết cách giải quyết những vấn đề nhức nhối của xã hội. Điều này, hy vọng sẽ diễn ra ở Mỹ, và người dân châu Âu cũng nên kỳ vọng rằng họ sẽ có những nhà lãnh đạo đủ sức vượt qua các thách thức này.