Mạng tin “Stratfor” dẫn lời một số quan chức Nga và báo giới nước này cho biết Trung Quốc có thể đầu tư lớn vào Crimea. Cụ thể, các công ty Trung Quốc có thể giúp xây dựng một cây cầu qua eo Kerch, nối liền Crimea và lãnh thổ Nga.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters |
Người Trung Quốc cũng có thể giúp mở rộng nhiều cảng biển ở Crimea, xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời, lập nên các đặc khu kinh tế hoặc thậm chí tham gia các dự án hạ tầng năng lượng và giao thông. Dù thông tin chưa được xác nhận nhưng chuyến công du của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Bắc Kinh cuối tháng này sẽ là cơ hội để 2 bên ký thỏa thuận ghi nhớ và khởi động đàm phán về việc cung cấp tài chính và nghiên cứu tính khả thi của các dự án ở Crimea.
Nga có nhiều lý do để chào mời Trung Quốc đầu tư vào Crimea, nhưng trên hết Moskva muốn tạo ra không khí đoàn kết chiến lược. Tuy vậy, một số nhà bình luận Nga bày tỏ nghi ngờ về hiệu quả kinh tế của các dự án được đề xuất vì một số dự án có thể không đem lại lợi nhuận tài chính. Một số nhà phân tích khác nghi ngờ tiêu chuẩn chất lượng và làn sóng công nhân xây dựng nhập cư của Trung Quốc vào Crimea.
Về phần mình, người Nga muốn sử dụng đầu tư của Trung Quốc như một nguồn lực để giảm nhẹ những chi phí cho việc phát triển Crimea đồng thời cũng giúp khẳng định rằng bán đảo này đã là một phần của Nga. Với sự hợp tác của Trung Quốc, Moskva có thể cho phương Tây thấy rằng các nước khác vẫn có thể đầu tư ở Crimea mà không bị cản trở khi bán đảo này đã dưới quyền kiểm soát của Nga.
Crimea đã sáp nhập vào Nga. Ảnh: Ria Novosti |
Lợi ích của Bắc Kinh chủ yếu tập trung ở thương mại hàng hải, mong muốn tìm các con đường thương mại khác nhau và không phụ thuộc vào Nga. Biển Đen được xem là khu vực kéo dài những lợi ích Địa Trung Hải của Trung Quốc, một thành tố quan trọng trong nỗ lực lớn hơn của Bắc Kinh nhằm mở rộng thị trường thông qua dự án hàng hải - "Con đường tơ lụa", và tuyến đường sắt xuyên lục địa. Bắc Kinh sẽ vẫn tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Ukraine và thúc đẩy các dự án như khí hóa than đá, dù nước này hết sức thận trọng trong giai đoạn xung đột và bất ổn hiện nay.
Thực tế cho thấy, Crimea không có nhiều lợi ích kinh tế với Trung Quốc. Đây không phải là thị trường xuất khẩu cũng như cửa ngõ trung chuyển cho tham vọng trong dự án "Con đường tơ lụa" của Trung Quốc. Thay vào đó, Odessa vẫn là hải cảng của Ukraine có ý nghĩa hơn nhiều khi tiếp cận châu Âu và sự bất ổn tại đây là mối lo ngại cho Trung Quốc. Crimea chỉ là điểm trung chuyển để tiếp cận Ukraine. Và giờ Nga đã kiểm soát bán đảo này nên Moskva có thể can thiệp với Trung Quốc nếu Bắc Kinh muốn sử dụng Crimea nhằm tiếp cận châu Âu. Vì vậy, Trung Quốc không cần thiết phải xây dựng một cây cầu qua eo biển Kerch để tiếp cận phía Nam của Nga.
Tuy nhiên, Bắc Kinh vẫn có thể sẽ đầu tư vào Crimea và đặt chân ở khu vực này nếu Nga đưa ra những ưu đãi đặc biệt. Quan hệ chiến lược với Nga sẽ là động lực lớn để Trung Quốc chấp nhận đầu tư vào Crimea, trong khi đó Bắc Kinh vẫn tìm cách duy trì quan hệ với Ukraine và các nước còn lại trong không gian hậu Xôviết.
Sự hiện diện kinh tế gia tăng của Trung Quốc trong khu vực sẽ đòi hỏi phải có các cuộc đàm phán với Nga. Điều này thể hiện ngay trong những động thái gần đây của Nga. Tham vọng mở rộng ảnh hưởng tại khu vực bao gồm cả việc tạo ra sân chơi có lợi hơn cho các công ty Nga. Xét nhu cầu Trung Quốc sẽ tiếp tục phải giao thương, nắm bắt các cơ hội đầu tư ở khu vực vành đai Biển Đen, thì việc tiến hành các cuộc thương lượng, can dự với Nga có vai trò đặc biệt quan trọng.
Bắc Kinh sẽ tham gia các cuộc đàm phán, đặc biệt về các dự án khí tự nhiên lớn cũng như quan hệ thương mại và đầu tư, với lợi thế rằng Nga đang cần thị trường Trung Quốc để xuất khẩu các sản phẩm khí tự nhiên và dầu mỏ thay thế cho thị trường châu Âu. Về phần mình, Bắc Kinh muốn có được sự bảo đảm chắc chắn nguồn cung năng lượng để củng cố nền kinh tế. Với Nga, thách thức chủ yếu là phải ngăn chặn Trung Quốc đẩy chi phí hợp tác lên mức không thể chấp nhận được.
TTK