Theo Rajoli Siddharth Jayaprakash và Abhishek Sharma, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Nghiên cứu Giám sát (ORF) có trụ sở tại Ấn Độ, tháng trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã gửi một thông điệp đặc biệt cho Tổng thống Nga Vladimir Putin nhân "Ngày nước Nga", mô tả mối quan hệ song phương của họ là một "mối quan hệ chiến lược sâu rộng".
Mô tả trên tượng trưng cho sự thân thiện mới giữa hai nhà lãnh đạo và đánh dấu sự thay đổi mô hình trong địa chính trị Đông Bắc Á. Điều này diễn ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Putin tới Bình Nhưỡng, đánh dấu chuyến công du cấp nhà nước đầu tiên của ông tới Triều Tiên sau 24 năm.
Trong chuyến thăm, hai nhà lãnh đạo đã ký Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện. Hiệp ước này liệt kê các lĩnh vực hợp tác mới trong quan hệ giữa Triều Tiên và Nga. Quan trọng nhất, hiệp ước nhấn mạnh đến các đảm bảo an ninh chung trong trường hợp xảy ra tấn công.
Việc ký kết Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2024 đánh dấu một thời điểm quan trọng trong quan hệ ngoại giao giữa Nga và Triều Tiên.
Ngoài ra, hiệp ước này nâng tầm quan hệ giữa hai nước vượt ra ngoài các lĩnh vực hợp tác trước đó. Sau cuộc gặp, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gọi đó là sự kiện trọng đại, nói rằng việc ký kết hiệp ước đưa quan hệ của hai nước lên một tầm cao mới. Đối với Moskva, hiệp ước này là biểu hiện cho phát triển của chính sách đối ngoại của Nga và là miêu tả rõ ràng về mối quan hệ quốc phòng của nước này với Bình Nhưỡng.
Cùng với các đảm bảo an ninh như đã đề cập trong Điều 8 của hiệp ước, Nga sẵn sàng hợp tác quân sự-kỹ thuật. Đây là một động thái mới, vì hiệp ước chính thức hóa việc nhập khẩu đạn dược của Nga từ Triều Tiên, điều mà trước đây Moskva đã phủ nhận. Hơn nữa, hiệp ước toàn diện này kêu gọi tăng cường hợp tác giữa Nga và Triều Tiên trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, khoa học, công nghệ, kết nối, y tế và lao động.
Ngoài lĩnh vực an ninh, hợp tác đưa người lưu động từ Triều Tiên sang Nga cũng là một bước tiến quan trọng, như đã đề cập trong Điều 11 và Điều 13 của hiệp ước. Do nhu cầu lao động cao ở Nga và số lượng việc làm còn trống cho 4,3 triệu lao động vào năm 2023, Nga rất cần lao động từ Triều Tiên. Kể từ khi xung đột ở Ukraine nổ ra, số lượng lao động Triều Tiên tại Nga đã tăng lên. Trước thỏa thuận này, cả Bình Nhưỡng và Moskva đều phủ nhận hai điều: lao động Triều Tiên làm việc tại Nga và Moskva nhập khẩu đạn dược từ Triều Tiên.
Sự thay đổi tình hình an ninh của Đông Bắc Á cũng được phản ánh trong bản chất thay đổi ở vùng Viễn Đông của Nga, với sự kết nối là một yếu tố quan trọng giữa Triều Tiên và khu vực Primorsky của Nga. Điều này sẽ thay thế ảnh hưởng của Nhật Bản và Hàn Quốc ở vùng Viễn Đông của Nga vốn đã suy yếu kể từ khi các lệnh trừng phạt đầu tiên được áp dụng đối với Moskva bằng ảnh hưởng của Triều Tiên và Trung Quốc.
Mặc dù phạm vi và ý nghĩa của hiệp ước này còn quá sớm để khám phá, nhưng có thể nói rằng chuyến thăm và hiệp ước mới phản ánh thay đổi hiện trạng ở Đông Á. Nó cũng thể hiện sự tăng cường hơn nữa trong chính sách đối ngoại của Nga ở châu Á - Thái Bình Dương, nhằm mục đích thúc đẩy kết nối với các khu vực Viễn Đông của Nga và Triều Tiên.
Với hiệp ước hiện có hiệu lực, Bình Nhưỡng đã đạt được nhiều mục tiêu của mình: lách chế độ trừng phạt và thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Ngoài các đặc quyền trong quan hệ chiến lược, với sự đảm bảo an ninh từ hai cường quốc ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương là Nga và Trung Quốc, Triều Tiên giờ đây sẽ được khuyến khích hơn trong việc theo đuổi các kế hoạch hiện đại hóa quân đội của mình cũng như có một vị thế chiến lược mới, giúp nước này có nhiều trọng lượng hơn trong bất kỳ cuộc đàm phán nào trong tương lai.
Trong khi đó, Nga đã có một thỏa thuận nhằm đảm bảo cho các nhu cầu trước mắt, đồng thời vẫn bảo vệ được các lợi ích chiến lược của mình ở Viễn Đông. Nhìn chung, đây là chiến thắng cho cả hai bên.