Kể từ đó, hằng năm, Ngày Chiến thắng - được nhiều nước châu Âu kỷ niệm vào ngày 8/5 và LB Nga kỷ niệm ngày 9/5, vẫn được coi là một trong những dấu mốc chói lọi trong lịch sử nhân loại thế kỷ XX, để tôn vinh chiến công đánh bại chủ nghĩa phát xít ở châu Âu, mở đường chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ Hai (1939 - 1945) trên toàn thế giới.
Năm nay, nhiều hoạt động trọng thể ở châu Âu trong tháng 5 kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít đã phải hoãn do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Ngay tại LB Nga, cuộc duyệt binh truyền thống thường niên trên Quảng trường Đỏ nhân ngày 9/5, cũng đồng thời cũng là Ngày Chiến thắng vinh quang của quân và dân Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (1941-1945), hay các cuộc tuần hành của "Trung đoàn Bất tử" - khi thế hệ con cháu các cựu chiến binh, mang theo ảnh người thân đã cống hiến xương máu trong cuộc chiến đấu chống phát xít, tuần hành trên đường phố trong sự kiện mang tên "Cuộc diễu hành của những người chiến thắng" - cũng chưa thể tổ chức.
Nga cũng phải hủy buổi lễ kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít, dự kiến tổ chức vào ngày 9/5 tại Moskva, sự kiện quan trọng mà Nga mời khoảng 30 nguyên thủ, người đứng đầu chính phủ trên thế giới, trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, tham dự. Nhưng tinh thần chiến thắng chủ nghĩa phát xít cách đây 75 năm vẫn còn sôi sục trong những cuộc chiến đấu mới.
Nhân 75 năm chiến thắng phát xít, kết thúc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, kênh truyền hình nhà nước Nga Rossiya-24 phát tên tất cả những người lính Xô viết đã ngã xuống trong suốt chiều dài cuộc chiến. Một cách để chống lại hiện tượng lãng quên công lao của những người đã đổ máu trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, đồng thời cũng là những người góp phần quan trọng và quyết định làm nên chiến thắng phát xít năm 1945. Dự án độc đáo trên đã bắt đầu từ Ngày Bảo vệ Tổ quốc của Nga (23/2) và kéo dài tới tận ngày 9/5, tên của toàn bộ 12.677 857 liệt sỹ Liên Xô xuất hiện liên tục trên màn hình 24/24 giờ.
Sau ba phần tư thế kỷ, thế giới có thể không nhớ, không biết tên của từng người lính Xô viết đã xung trận, nhưng chắc chắn sự hy sinh anh dũng của quân và dân Liên Xô trong cuộc chiến tranh chống phát xít, thì lịch sự đã ghi dấu không thể phai mờ. Góp phần quan trọng vào chiến thắng quan trọng của nhân loại ngăn chặn chủ nghĩa phát xít, nhân dân Liên Xô đã phải trả một cái giá rất đắt: hơn 27 triệu người thiệt mạng, hàng triệu nhà máy bị phá hủy, nhiều thành phố chỉ còn là đống đổ nát sau các đợt tấn công ồ ạt của phát xít Đức và cuộc kháng cự kiên cường của nhân dân Xô viết.
Chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai là chiến công của phe đồng minh chống phát xít, song sự thật lịch sử đã chứng minh Liên Xô đóng vai trò quyết định đối với chiến thắng này. Ngày chiến thắng phát xít khởi nguồn từ những trận chiến đã đi vào lịch sự quân sự thế giới trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô, cuộc chiến đấu gian khổ kéo dài 1.418 ngày đêm, bắt đầu từ khi quân đội Đức phát xít bất ngờ tấn công Liên Xô rạng sáng 22/6/1941.
Thời điểm ấy, sau khi tấn công Ba Lan ngày 1/9/1939, mở màn Chiến tranh Thế giới thứ Hai và lần lượt chiếm đóng hơn 15 nước châu Âu, Đức quốc xã đã huy động lực lượng đông nhất, mạnh nhất, tinh nhuệ nhất, được trang bị hiện đại nhất, gồm 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4,3 nghìn xe tăng - thiết giáp, 47 nghìn pháo, gần 5 nghìn máy bay, 192 tàu chiến cho chiến trường Liên Xô.
Lịch sử vẫn ghi dấu trận chiến bảo vệ Moskva kéo dài 7 tháng, từ tháng 9/1941, Hồng quân Liên Xô đã đập tan kế hoạch ban đầu của Đức quốc xã là "đánh chớp nhoáng để tiến vào Moskva và diễu binh trên Quảng trường Đỏ". Đó là chiến dịch phòng ngự - phản công Kursk với trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến.
Cũng không thể không nhắc tới chiến dịch Stalingrad kéo dài tổng cộng 200 ngày đêm, được xem là trận độ sức quy mô nhất trong lịch sử nhân loại, khi Hồng quân Liên Xô đánh tan trên 1,2 triệu quân Đức (chiếm gần 1/4 quân Đức trên toàn mặt trận Liên Xô), từ đó tạo bước ngoặt cơ bản trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô và Chiến tranh Thế giới thứ Hai.
Từ chiến thắng Stalingrad, năm 1943, Hồng quân Liên Xô đã chuyển sang chiến lược phản công, tấn công dồn dập quân Đức trên mặt trận phía Đông, đã giải phóng Tổ quốc, rồi lần lượt giải phóng Nam Tư, Albania, Ba Lan, Romania, Hungary và Tiệp Khắc. Trong khi đó, quân đội Anh, Mỹ đã mở mặt trận phía Tây, với sự giúp đỡ to lớn của các lực lượng kháng chiến, nước Pháp rồi Bỉ, Hà Lan, Luxembourg và Italy lần lượt được giải phóng. Và ngày 30/4/1945 đã ghi dấu mốc quan trọng khi lá cờ chiến thắng của Hồng quân Liên Xô bay phấp phới trên tòa nhà Quốc hội Đức, tiếp đó là sự kiện Đức quốc xã chính thức đầu hàng.
Nga đã tuyên bố năm 2020 là “Năm tưởng nhớ và vinh danh”, nhấn mạnh tính chất thiêng liêng trong di sản của cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Từ nhiều năm nay, hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng ở Nga là cơ hội để củng cố tinh thần ái quốc và phô diễn các thành tựu, nhất là về quân sự. Nhưng ngoài các sự kiện đó, đằng sau nó là cả một cuộc đấu tranh quyết liệt để bảo vệ sự thật lịch sử về Chiến tranh Thế giới thứ Hai, trong bối cảnh đã xuất hiện mưu đồ "viết lại lịch sử", theo hướng phủ nhận vai trò của Liên Xô, hạ thấp ý nghĩa chiến thắng của Hồng quân trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, hay xuyên tạc các sự kiện trong chiến tranh nhằm phục vụ các ý đồ chính trị, như Tổng thống Vladimir Putin đã đề cập trong Thông điệp liên bang năm 2020: "những điều giả dối về cuộc chiến đang lan truyền khắp thế giới như một bệnh dịch".
Các vấn đề liên quan đến Chiến tranh Thế giới thứ Hai cũng trở thành một trong những chủ đề gây căng thẳng giữa Nga và một số nước láng giềng, nhất là ở Đông và Trung Âu. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, một số nước Đông và Trung Âu hoặc các nước thuộc Liên Xô trước đây quay sang phủ nhận vai trò lịch sử của Hồng quân Liên Xô trong việc giải phóng các nước khỏi ách phát xít. Cuộc tranh cãi về lịch sử không còn giới hạn trong vấn đề học thuật, mà đã mở rộng ra mặt trận ngoại giao, chêm thêm dầu vào mối quan hệ "nóng như lò lửa" giữa Nga và phương Tây.
Nga nhiều lần phê phán một số nước cố tình đi ngược sự thật lịch sử, xuyên tạc nguồn gốc, diễn biến và cả kết cục của cuộc chiến tranh tàn khốc nhất lịch sử thế giới hiện đại, bóp méo bản chất của chiến thắng phát xít. Tổng thống Nga Putin đã cảnh báo rằng bất kỳ mưu toan nào hòng viết lại lịch sử và xem xét lại đóng góp của Liên Xô cũng như Liên bang Nga đối với ngày chiến thắng trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai đều "đồng nghĩa công nhận tội ác của chủ nghĩa phát xít Đức, mở đường cho tư tưởng chết người này tồn tại". Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định phải bảo vệ sự thật và giá trí của chiến thắng phát xít "dùng sự thật để chống lại những luận điệu dối trá trắng trợn và mưu đồ viết lại lịch sự".
Cùng với cuộc đấu tranh chống lại ý đồ "viết lại lịch sử", các hoạt động kỷ niệm chiến thắng phát xít còn nhắc nhở thế giới về nhiều vấn đề của lịch sử nhưng vẫn còn nguyên tính thời sự. Phát biểu tại lễ tưởng niệm hơn 6 triệu người Do Thái bị phát xít Đức giết hại trong chiến dịch diệt chủng người Do Thái thời Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier khẳng định nước Đức đã rút ra bài học từ quá khứ, nhưng không thể nói nhiều về hiện tại khi “sự thù hận và bôi nhọ vẫn có mặt ở khắp nơi”. Ông cho rằng ngày nay, “những tư duy cũ” từng châm ngòi cho Chiến tranh Thế giới thứ Hai không mất đi mà vẫn tồn tại “dưới những lớp trang sức khác”, như chủ nghĩa bài Do Thái, chủ nghĩa sắc tộc hẹp hòi... Tồi tệ hơn, không ít người vẫn coi đó là câu trả lời và giải pháp cho các vấn đề nhức nhối của thời đại hiện nay.
Kết quả một số cuộc bầu cử tại châu Âu cho thấy nhiều đảng cực hữu, dân túy, ủng hộ tư tưởng bài Do Thái và phân biệt sắc tộc đã giành được một tỷ lệ phiếu khá lớn, thậm chí thắng cử hoặc trở thành lực lượng chính trị lớn thứ hai, thứ ba trong quốc hội nhiều nước. Giới phân tích cho rằng, đây là kết quả của một số chính sách kinh tế tự do thái quá, đề cao tuyệt đối vai trò của thị trường và đẩy một bộ phận lớn người dân ra khỏi guồng máy phát triển. Nghèo đói, thất nghiệp là mảnh đất màu mỡ để các thế lực dân túy, cực đoan lợi dụng.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa phát xít mới đang hình thành và biến tướng dưới nhiều hình thức khác nhau như: chạy đua vũ trang, xung đột dân tộc, sắc tộc, tôn giáo, khủng bố…
Nhưng những sự kiện kỷ niệm chiến thắng phát xít có thể đánh dấu điểm khởi đầu cho một mối quan hệ mới. Ngày 25/4/2020, nguyên thủ Mỹ và Nga, trong một lần hiếm hoi đã ra tuyên bố chung nhân kỷ niệm 75 năm cuộc gặp lịch sử giữa quân đội Liên Xô và quân đội Mỹ trên sông Elbe, Đức trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai, cột mốc quan trọng báo trước sự cáo chung của chế độ phát xít. Sự kiện những người lính Hồng quân Liên Xô và binh lính Mỹ, từ hai hướng hành quân, hội ngộ tại sông Elbe 75 năm trước được coi là biểu tượng cho tình đoàn kết và các nỗ lực của phe đồng minh trong cuộc chiến đấu chung chống phát xít.
Nghị sỹ Leonid Slutsky, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma quốc gia Nga, cho rằng cử chỉ của hai nhà lãnh đạo cho thấy “tinh thần cuộc gặp sông Elbe” góp phần cải thiện quan hệ song phương. Đây là một biểu tượng cho cách tiếp cận chung nhằm giải quyết những thách thức và mối đe dọa của thế giới hiện đại “mà trước hết liên quan đến cuộc chiến chống dịch bệnh, bảo đảm sự ổn định chiến lược và an ninh trên hành tinh”.
Như thông điệp của Tổng thống Nga Vladimir Putin, thế giới kỷ niệm ngày chiến thắng phát xít, tôn vinh những chiến công, ký ức, không chỉ nhằm thể hiện sự tôn trọng quá khứ lịch sử mà còn hành động vì tương lai của nhân loại. "Không ai bị quên lãng và không điều gì bị lãng quên" - dòng chữ khắc trên bia đồng ở các nghĩa trang liệt sĩ thời kỳ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại - là lời nhắc nhở về những bài học của Chiến tranh Thế giới thứ Hai, khi nhân loại đang trong những cuộc đấu tranh mới.