Theo đài Sputnik (Nga), lãnh đạo đảng Yesh Atid đối lập, ông Yair Lapid ngày 2/6 đã chính thức thông báo với Tổng thống và Chủ tịch Quốc hội Israel về việc đạt được thỏa thuận với các đảng phái để liên minh thành lập chính phủ mới, nhằm thay thế cho chính phủ hiện nay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu.
Về phần mình, ông Netanyahu sẽ phải quyết định bước đi tiếp theo. Các cựu cố vấn truyền thông của ông Netanyahu cho rằng có thể ông sẽ chọn hoạt động ở phe đối lập và chờ cơ hội, khi mà các đối thủ chính trị suy yếu.
Theo cựu cố vấn truyền thông Aviv Bushinsky, khi chính phủ liên hiệp được thành lập và Israel có thủ tướng mới, ông Netanyahu sẽ không ngồi không. Ông Bushinsky nhận định: “Ông ấy có thể từ chức, đi khắp thế giới, phát biểu và sẽ kiếm rất nhiều tiền. Nhưng ông ấy cũng có thể ở lại và trở thành lãnh đạo mới của phe đối lập Israel”.
Ông Netanyahu đã từng ở vị trí đối lập trước khi giữ ghế thủ tướng suốt 12 năm qua. Trong những năm 1990, ông phản đối các chính sách của Thủ tướng khi đó là Yitzhak Rabin, dẫn đầu cuộc chiến chống lại Hiệp ước hòa bình Oslo (hiệp định giữa Chính phủ Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine) năm 1993.
Giờ đây, ông Netanyahu có thể ở phía đối lập một lần nữa. Một số thành viên đảng Likud của ông đã cam kết “nhiệt tình” khi ở vị trí đối lập và khiến cho chính phủ liên minh mới “điêu đứng”.
Ông Bushinsky cho rằng việc ông Netanyahu lãnh đạo phe đối lập là rất hợp lý. Trước tiên, vị trí như vậy vẫn sẽ giúp ông có quyền lực cần thiết trong lúc phải trải qua cuộc chiến pháp lý liên quan một số cuộc điều tra tham nhũng. Thứ hai, vị trí đối lập sẽ giúp ông vẫn hiện diện trong nền chính trị Israel, gây ảnh hưởng tới các tiến trình quan trọng và chờ thời.
Trong bối cảnh chính trị hỗn loạn ở Israel, khó mà dự báo khi nào thời của ông Netanyahu sẽ tới, nhưng các chuyên gia chính trị nước này đang đoán rằng chính phủ liên hiệp mới ở Israel có thể sụp đổ sau vài tháng.
Lý do là khối liên minh này có tư tưởng đối lập và các thành viên không thể nhất trí về một số vấn đề nóng bỏng, ví dụ như phân tách tôn giáo và nhà nước, quan điểm về cộng đồng đồng tính và người Palestine.
Ông Bushinsky nhận định: “Ông Netanyahu biết chính phủ mới mong manh và sẽ không tồn tại lâu. Nếu chính phủ mới sụp đổ, nhiều người trong số những chính khách này sẽ hết đường chính trị, vì thế ông Netanyahu sẽ chuyển bại thành thắng”.
Tuy nhiên, loại bỏ được đối thủ chính trị sẽ không đảm bảo ông Netanyahu quay lại vị trí hàng đầu Israel. Để trở lại ghế thủ tướng, ông sẽ cần đảm bảo giành chiến thắng trong bầu cử sơ bộ của đảng Likud, nơi ông có một số đối thủ thách thức tiềm năng. Ngoài ra, ông cũng cần đảm bảo dư luận Israel ủng hộ mình.
Thủ tướng Israel có số lượng người ủng hộ vững chắc, giúp ông giành 30 trong tổng số 120 ghế quốc hội trong vòng bầu cử cuối cùng. Mặc dù con số này giảm theo thời gian nhưng vẫn có cơ hội tỷ lệ ủng hộ ông Netanyahu lại gia tăng khi ông dành thời gian ngồi ở phe đối lập.
Điều này đã từng xảy ra trước đây. Năm 1999, khi ông Netanyahu rời cương vị thủ tướng trong nhiệm kỳ đầu tiên (1996-1999), nhiều người ở Israel đã ăn mừng. Họ đổ lỗi cho ông vì Hiệp ước Oslo thất bại và vì vụ ám sát ông Rabin. Tuy nhiên, khi khủng bố trở lại đường phố Israel, dư luận nước này lại muốn có một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và quyết đoán. Khi đó, ông Netanyahu đã trở lại với sức mạnh hơn xưa.
Lần này, lịch sử có thể lặp lại. Những tháng tới có thể khó khăn với thủ tướng mới ở Israel. Người này sẽ phải giải quyết tỷ lệ thất nghiệp cao, khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu và nghèo, lo ngại an ninh thường trực từ Dải Gaza, Liban và Iran.
Nếu thủ tướng mới có thể cải thiện đời sống người dân Israel, ông Netanyahu có thể bị lãng quên. Tuy nhiên, ông Bushinsky nhận định cũng có khả năng điều đó không xảy ra, đặc biệt là khi có quan điểm rằng ông Netanyahu là người duy nhất có thể lãnh đạo một quốc gia phức tạp như Israel.