Vào ngày 27/9, hai vụ nổ đã làm hư hại nghiêm trọng các đường ống khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2 của Nga gần đảo Bornholm của Đan Mạch, làm dấy lên những nghi ngờ về khả năng phá hoại.
Hai vết nứt khác trong đường ống, một đoạn về phía bắc trong Vùng Nhận dạng Phòng không (ADIZ) của Thụy Điển, sau đó được xác định nhưng không có vụ nổ nào được ghi nhận. Theo các nguồn tin dẫn lời giới chức Đan Mạch, mỗi vụ nổ tương đương với 500 kg thuốc nổ TNT, tương đương kích cỡ của loại thủy lôi chống tàu rất lớn.
Không chỉ Hải quân Mỹ (cùng với các đồng minh NATO) mà cả Hải quân Nga cũng tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở Biển Baltic và nhiều người tin rằng người Nga hoặc người Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hai vụ nổ. Hai bên đã đổ lỗi cho nhau nhưng đều không có bằng chứng xác thực hoặc đáng tin cậy.
Tuy nhiên, không được nhắc tới trong những đồn đoán về nguyên nhân vụ nổ là bối cảnh đáy biển Baltic, nơi chứa đầy những quả đạn pháo, thủy lôi và các vũ khí hóa học bao gồm cả khí độc thần kinh Tabun. Theo một thỏa thuận đạt được tại Hội nghị Potsdam vào năm 1945, Anh và Liên Xô đã đổ thải gần 69.000 tấn vũ khí hóa học của Đức xuống biển Baltic trong thời kỳ 1947-1948. Lần đổ thải thứ hai ở cùng khu vực diễn ra vào năm 1959.
Hơn nữa, trong Chiến tranh thế giới thứ nhất và thứ hai, Đức đã gài khoảng 80.000 quả thủy lôi ở biển Baltic, bao gồm cả xung quanh đảo Bornholm. Ngoài ra có cả thủy lôi neo của Nga trong cùng khu vực.
Tới nay, đã có gần 200 quả thủy lôi phát nổ trên biển. Các vũ khí hóa học trước khi thải loại đã được tháo ngòi nổ, nhưng những loại bom đạn khác thì có thể chưa được loại bỏ ngòi nổ. Ngoài ra nhiều thủy lôi neo cố định vẫn còn hoạt động.
Chưa hết, không phải tất cả các loại bom, đạn và vũ khí hóa học, bao gồm cả vũ khí khí độc thần kinh, vẫn ở nguyên nơi chúng được vứt bỏ và một số đã được thả không đúng khu vực chỉ định.
Khi người Anh đổ đạn dược xuống Biển Bắc, họ đã bọc nó trong những con tàu cũ rồi đánh chìm để ngăn vũ khí trôi ra biển. Tuy nhiên, đây không phải là cách làm ở Biển Baltic.
Một số vũ khí thải loại đã dạt vào bờ biển và các dấu hiệu nhiễm độc hóa học được phát hiện ở Ba Lan và các nơi khác. Ba ngư dân Hà Lan đã thiệt mạng khi họ đưa một quả thủy lôi mắc lưới lên tàu và nó phát nổ.
Các kỹ sư chịu trách nhiệm thiết kế đường ống Nord Stream vào năm 2005 đã nắm được tình trạng chất thải vũ khí dưới đáy biển, mặc dù tất cả các vị trí bãi thải chính xác không được nắm rõ. Một nghiên cứu hoàn thành trước Nord Stream 1 đã phát hiện bom khí mù tạt của Đức nằm cách tuyến đường ống này chỉ 17 mét và ngòi nổ cho một quả bom hóa học nằm cách 16 mét.
Một nỗ lực tối đa đã được thực hiện để tránh đặt đường ống vào các vị trí đổ thải vũ khí đã biết đến. Cuối cùng, Nord Stream 1 được hoàn thành vào năm 2011 trong khi Nord Stream 2 hoàn thành năm 2021 theo cùng một tuyến đường quanh Đảo Bornholm.
Bản thân đảo Bornholm cũng có một trường bắn và là nơi diễn ra các cuộc tập trận quân sự. Tháng 5 năm ngoái, các thành viên Vệ binh Quốc gia bang Colorado (Mỹ) đã hợp tác với Không quân Mỹ và đối tác quốc tế để tiến hành một cuộc không kích mô phỏng trong cuộc tập trận với Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động M142 (HIMARS), đánh dấu lần đầu tiên HIMARS được triển khai đến Đan Mạch.
Vào tháng 8 và đầu tháng 9 năm nay, Thủy quân lục chiến Mỹ, dẫn đầu là Nhóm tàu đổ bộ USS Kearsarge, đã tiến hành các cuộc tập trận ở Biển Baltic cùng với một số đồng minh và đối tác. Các hoạt động hàng không và đường biển như vậy diễn ra liền kề với Đảo Bornholm, theo nghĩa đen là ngay phía trên các đường ống Nord Stream.
Các nhà phân tích đặt câu hỏi, liệu có khả năng các hoạt động quân sự này đã gây ra những xáo trộn dưới đáy biển, khiến những quả bom đạn được chôn vùi ở đó hàng chục năm có thể phát nổ? Liệu các phương tiện không người lái dưới nước (UUV) hoặc các phương tiện khác có được sử dụng trong những cuộc tập trận quân sự gần đây không?
Trước khi xảy ra vụ nổ ngày 27/9, các tàu quân sự của Nga cũng được phát hiện ở cùng khu vực. Tên của các tàu Nga hoạt động ở đó vẫn chưa được tiết lộ, cũng như không có vị trí chính xác của chúng.
Tuy nhiên, hãng thông tấn nhà nước TASS của Nga ngày 20/9 đưa tin rằng tàu hộ tống Soobrazitelny của Hạm đội Baltic đã tổ chức một cuộc tập trận với trực thăng chống tàu ngầm Ka-27PL để tìm kiếm và tiêu diệt một tàu ngầm địch giả định.
Theo báo cáo, tàu hộ tống và máy bay trực thăng của Nga đã tìm kiếm tàu ngầm bằng radar và sóng sonar, đồng thời sử dụng vũ khí chống tàu ngầm trong cuộc diễn tập. Thông thường, vũ khí chống tàu ngầm là các loại vũ khí gây ra các vụ nổ mạnh gần đáy biển để cố gắng tiêu diệt một tàu ngầm đang ẩn nấp.
Tàu hộ tống Nga cũng được cho là đã được huấn luyện phá thủy lôi trôi nổi, gây nhiễu sóng vô tuyến, phóng pháo vào các mục tiêu trên biển và trên không, cũng như diễn tập khả năng sống sót trong tấn công hạt nhân, sinh học và hóa học.
Các quốc gia khác cũng đã tiến hành các cuộc tập trận trên biển Baltic. Ba Lan công bố Chiến dịch Redkin ở biển Baltic vào ngày 15/9.
Tất cả các hoạt động quân sự rầm rộ ở biển Baltic và tập trung nhiều xung quanh đảo Bornholm có thể dễ dàng gây ra các vụ nổ làm hư hại hai đường ống Nord Stream, hoặc do rung chuyển và nhiễu động biển hay một sự cố quân sự.
Các chuyên gia cho rằng, với số bom, đạn chưa nổ ở đáy biển Baltic, không nhất thiết phải cố tình làm nổ các đường ống Nord Stream để hủy hoại chúng.