Trong quá trình tìm kiếm giải pháp chấm dứt đụng độ mới nhất giữa Israel và người Palestine, giới chức chóp bu tại Nhà Trắng luôn ghi nhớ trong đầu hai con số: 2012 và 2014. Đó là mốc thời gian liên quan đến hai cuộc xung đột lớn giữa Israel và phái Hồi giáo vũ trang Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza.
Cuộc chiến năm 2012 kéo dài 8 ngày, làm 160 người Palestine và 6 người Israel thiệt mạng. Ngoại trưởng Mỹ lúc đó là bà Hillary Clinton đảm nhận vai trò can dự chính. Cuộc chiến năm 2014 kéo dài 50 ngày, thiệt hại nặng nề hơn, gây ra cái chết cho hơn 2.200 người Palestine và 70 người Israel. Lần này, người lãnh trách nhiệm can dự trung gian hòa giải là Ngoại trưởng John Kerry.
Những cố vấn, phụ tá của ông Joe Biden – nhiều người trong số này từng có thời gian làm việc, cộng tác với cả bà Clinton lẫn ông Kerry, hiểu rằng họ không thể chặn Israel mở chiến dịch quân sự trả đũa vụ Hamas phóng rocket nhằm vào Israel hôm 10/5. Vì vậy, giới chức Nhà Trắng theo đuổi cách tiếp cận chấp nhận để xung đột nổ ra, nhưng với thời gian kéo dài ít nhất, số thương vong ít nhất có thể. Nói cách khác, họ chọn “giải pháp 2012” chứ không phải là kịch bản tồi tệ năm 2014. Phía Mỹ đã rút ra nhiều bài học và ứng dụng vào xung đột lần này.
Mạng tin Politico dẫn ba nguồn thạo tin ẩn danh cho biết giải pháp lần này của Mỹ chủ yếu thiên về “hành động sau màn kín” trên mặt trận ngoại giao, chủ yếu là ở giai đoạn đầu, kết hợp với phong tỏa các bước đi tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về yêu cầu ngừng bắn và dựa vào những đối tác chủ chốt mới ở khu vực, đặc biệt là vai trò của Ai Cập. Đến ngày 20/5, Israel và Hamas đồng ý thiết lập lệnh ngừng bắn, có hiệu lực từ 2 giờ sáng (giờ Israel).
Ngay sau khi lệnh ngừng bắn được công bố, Tổng thống Biden xuất hiện trước truyền thông và khẳng định Mỹ đã liên tục tiến hành các cuộc thảo luận căng thẳng, cấp cao với Ai Cập, Chính quyền Palestine (PA) và một số nước ở Trung Đông với mục tiêu tránh xung đột kéo dài như đã từng xảy ra trước đây.
Can dự kín kẽ
Quan chức và giới phân tích Mỹ tin rằng, ở cuộc đụng độ mới nhất này, Nhà Trắng đã rút ra ba bài học trong quá khứ để tìm ra cách tiếp cận phù hợp. Một là, phải can dự ngoại giao đúng mức, theo hướng mạnh mẽ nhưng kín kẽ.
Từ kinh nghiệm trong quá khứ, chính quyền Joe Biden cho rằng đẩy Mỹ lên tuyến đầu can dự, ở vai trò trung tâm của xung đột có thể làm bùng phát căng thẳng, đôi khi khiến cả Israel và Palestine đều phật ý và chống lại sức ép của Mỹ. Vậy nên, Nhà Trắng lần này quyết định sẽ can dự, nhưng chủ yếu là từ xa và đứng sau.
Điều này được thể hiện qua hàng chục cuộc điện đàm (theo thông báo của Nhà Trắng hôm 20/5 là 80 cuộc), với các đối tác không chỉ liên quan đến Israel, Palestine, mà còn với cả nhiều nước trong khu vực như Qatar hay Ai Cập. Đây cũng chính là hai nước có liên hệ với phong trào Hamas, lực lượng bị Mỹ liệt là “khủng bố” và vì thế né tránh can dự trực tiếp.
Nhiều cuộc điện đàm ở mọi cấp sẽ không bao giờ được công khai, nhưng qua thông báo của Nhà Trắng có thể thấy từ Tổng thống Biden cho tới Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin… đều vào cuộc can dự với Israel cũng như nhiều quan chức khác. Ông Biden có ít nhất sáu cuộc đàm thoại với Thủ tướng Benjamin Netanyahu, còn Ngoại trưởng Blinken chủ yếu đảm nhận kênh liên lạc với giới lãnh đạo Trung Đông.
Kế đến, tuyệt nhiên không có một quan chức cấp cao nào của Mỹ hiện diện ở Israel. Người duy nhất được phái đi là Trợ lý Ngoại trưởng Hady Amr, nhân vật có trọng trách theo dõi xung đột Israel - Palestine, nhưng quyền lực khá hạn chế. Có thể có nhiều lý do, đơn cử giới lãnh đạo cấp cao như ông Blinken đều kín lịch. Nhưng nguồn tin cho biết chủ yếu là bởi chính quyền ông Biden không muốn bị nhìn nhận là “người làm chủ” tiến trình đàm phán ngừng bắn.
Mỹ từng phạm phải lỗi này khi đẩy ông Kerry hoạt động dồn dập, cố đạt cho được một lệnh ngừng bắn hồi năm 2014. Nhiều lệnh ngừng bắn được các bên thông qua, nhưng đều đổ vỡ sau đó. Giới phân tích nhận định sai lầm mà ông Kerry mắc phải chính là việc dựa quá nhiều vào vai trò trung gian của Qatar, nước có quan hệ mật thiết với phong trào Hamas. Chính Qatar là nhân tố reo cho Hamas lối suy nghĩ lực lượng này có thể chiếm ưu thế trước Israel trong đàm phán ngừng bắn.
Theo Dennis Ross, Giám đốc Vụ Hoạch định chính sách Bộ Ngoại giao Mỹ, Điều phối viên về Trung Đông của Nhà Trắng dưới thời Tổng thống George H.W. Bush, chính bài học này đã khiến chính quyền Joe Biden chuyển hướng tiếp cận, chọn Ai Cập là đối tác chính trong tạo lập trung gian hòa giải. Chính quyền của Tổng thống El Sisi đã làm tốt công việc này, đưa tới lệnh ngừng bắn giúp chấm dứt 11 ngày xung đột đẫm máu giữa Israel và Palestine.