Trong xu thế đó, số lượng người Việt Nam đến Nhật Bản ngày càng tăng với con số hiện nay khoảng 580.000 người, được đánh giá là lực lượng đóng góp đáng kể cho nền kinh tế Nhật Bản. Cùng với việc trở thành một lực lượng lao động quan trọng tại Nhật Bản, việc đảm bảo một cộng đồng người Việt Nam tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại trở thành một nhiệm vụ thiết yếu của cả cộng đồng nói chung và mỗi cá nhân người Việt Nam tại Nhật Bản nói riêng.
Chùm bài “Người Việt tại Nhật Bản nhập gia tùy tục” do các phóng viên TTXVN tại Tokyo thực hiện phản ánh những nỗ lực của du học sinh và lao động Việt Nam tại Nhật Bản trong việc nâng cao nhận thức và tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại.
Bài 1: Khi cuộc sống du học là sự trưởng thành
Chúng tôi đến trường Đại học Aomori Chuo Gakkuin tại tỉnh Aomori vào một ngày trong tuần cuối tháng 4. Ngôi trường này cũng có khá nhiều sinh viên từ các nước trên thế giới như Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… và Việt Nam.
Theo Phó Giáo sư Nguyễn Chí Nghĩa, hiện tại có khoảng 70 sinh viên Việt Nam bậc đại học và sau đại học tại trường. Khi chúng tôi hỏi về những quy định tại trường đối với du học sinh nước ngoài, cô Kanagawa Rieko thuộc Phòng Giao lưu quốc tế của trường cho biết nhà trường có các quy định khi sống tại ký túc xá, các quy định liên quan đến kỷ luật học tập, trường học và các quy định dành cho người nước ngoài sinh sống tại Nhật Bản.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho du học sinh, trường tổ chức những buổi hướng dẫn cho sinh viên mới, trong đó những sinh viên nước ngoài đã học vài năm tại trường sẽ truyền đạt những kinh nghiệm của bản thân cho những người mới đến. Sinh viên nước ngoài sống trong khuôn viên của trường vì vậy có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu với mọi người cũng như dễ dàng tiếp cận đến bộ phận hỗ trợ du học sinh… Nếu gặp vấn đề không hiểu, du học sinh sẽ nhận được giải đáp trong thời gian nhanh nhất. Nhờ việc hướng dẫn kỹ càng nên du học sinh nắm bắt tốt các quy định, luật pháp liên quan đến cuộc sống du học.
Để tạo điều kiện cho du học sinh nước ngoài sớm hòa nhập vào cuộc sống tại Nhật Bản, trường Aomori Chuo còn tổ chức những buổi giao lưu giữa du học sinh nước ngoài với sinh viên Nhật Bản. Mục đích của hoạt động này là tạo điều kiện cho các du học sinh nước ngoài chia sẻ về những khác biệt văn hóa với Nhật Bản và được các sinh viên Nhật Bản giới thiệu về cuộc sống cũng như các kỹ năng sống cần thiết ở Aomori.
Tại phòng giao lưu dành cho sinh viên nước ngoài, chúng tôi gặp Nguyễn Minh Đức, đang học cao học của Khoa Luật và Quản trị kinh doanh. Với hơn 4 năm du học tại trường Aomori Chuo Gakuin, em đã có nhiều kinh nghiệm cho cuộc sống du học tại Nhật Bản. Đề cập đến việc du học sinh nước ngoài tuân thủ pháp luật Nhật Bản và quy định của nhà trường, Minh Đức cho rằng đó là điều tất yếu để có thể sinh sống tại một đất nước mới, một cộng đồng mới.
Theo Minh Đức, bên cạnh những quy định luật pháp của Nhà nước Nhật Bản dành cho người nước ngoài nói chung, nhà trường cũng có những quy định về vấn đề kỷ luật học tập như đảm bảo đủ số giờ lên lớp, đủ số tín chỉ để được thi tốt nghiệp. Ngoài ra, nhà trường còn có các quy định về kỷ luật học tập dành riêng dành cho du học sinh nước ngoài trên cơ sở những tính chất đặc thù của sinh viên nước ngoài như cần phải học tiếng Nhật, các tín chỉ về khóa học nhập môn của một số môn chuyên ngành như luật, kinh tế...
Cũng như hầu hết sinh viên Việt Nam tại trường Aomori Chuo Gakuin, Minh Đức sống tại khu ký túc xá của trường để tiện cho việc học tập. Đó là một phòng đôi khoảng 30m2 cho hai sinh viên, với khu bếp và khu vệ sinh là không gian chung nhưng có phòng ngủ riêng biệt.
Theo cô Kanagawa Rieko, ký túc xá có quy định như giờ đóng cửa là 23h và giờ mở cửa là 5h30 cùng các quy định về không gây tiếng ồn ảnh hưởng đến người xung quanh và đảm bảo an toàn để không xảy ra cháy nổ khi nấu ăn.
Trong số các quy định này, Minh Đức cho biết khi mới đến, một số du học sinh nước ngoài băn khoăn về giờ đóng cửa ký túc xá vì lo ngại việc làm ca đêm sẽ quá giờ. Tuy nhiên, nhà trường đã linh hoạt cho phép những sinh viên về muộn vẫn được vào ký túc xá nếu như có lý do phù hợp.
Minh Đức chia sẻ các em thỉnh thoảng tổ chức những bữa tiệc nhỏ tại ký túc xá để gặp mặt nhau và thừa nhận thỉnh thoảng các sinh viên Nhật Bản phàn nàn về tiếng ồn. Tuy nhiên, ngay sau khi nhận được nhắc nhở từ ban quản lý, các sinh viên Việt Nam đã nhanh chóng điều chỉnh. Ví dụ, các bữa tiệc tụ tập của sinh viên Việt Nam giờ đây thường sẽ được bắt đầu sớm và kết thúc muộn nhất là 22h30.
Ký túc xá nằm trong khuôn viên trường và ngay cạnh giảng đường nên đối với sinh viên như Minh Đức có thể nói là hầu như không mất thời gian để di chuyển từ nơi ở đến nơi học. Chính vì vậy, em tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho việc đi lại. Sau giờ học trên giảng đường, Đức trở về căn phòng nhỏ để chuẩn bị cho bữa ăn. Nếu có lịch làm thêm, em sẽ tranh thủ vừa ăn vừa học để sau đó đến nơi làm việc là cửa hàng tiện lợi 24/24 cách trường khoảng 100 m.
Đề cập đến việc làm thêm của du học sinh, cô Rieko cho biết đây là điều luật do Cục quản lý Xuất nhập cảnh Nhật Bản áp dụng ban hành. Theo đó, người nước ngoài phải có giấy phép được đi làm thêm và chỉ được làm việc trong những ngành được phép tuyển dụng người nước ngoài.
Minh Đức cũng cho biết theo quy định du học sinh, chỉ được làm 28 giờ/tuần và trong kỳ nghỉ dài được làm 40 giờ/tuần. Bên cạnh đó, quy định không cho phép du học sinh làm các công việc liên quan đến lĩnh vực cờ bạc, các quán rượu, quán bar. Bản thân em đã làm tại cửa hàng tiện lợi 24/24 Seven Eleven gần trường được 4 năm. Em làm các công việc như sắp xếp, cân đối số lượng hàng hóa tại quầy, dọn dẹp, làm việc tại quầy thu ngân…
Một ngày làm việc ở Seven Eleven được chia ra 5 ca chính với độ dài của mỗi ca làm việc tùy theo thời gian ban ngày hay là ban đêm, trong đó ca ngắn nhất là từ 6h - 9h và ca dài nhất là từ 22h - 6h sáng hôm sau. Vốn là một nhân viên chăm chỉ, nghiêm túc và đã có thời gian dài làm việc tại đây, Đức còn nhận thêm nhiệm vụ trưởng nhóm nhân viên Việt Nam. Hiện tại cửa hàng có 11 sinh viên Việt Nam đang làm việc và Đức chịu trách nhiệm sắp xếp ca làm việc và trao đổi các nội dung làm việc khi cần.
Hầu hết sinh viên Việt Nam du học tự túc đều có công việc làm thêm để tự trang trải chi tiêu cho cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Đây cũng chính là quá trình giúp các em trưởng thành hơn khi biết giá trị của lao động cũng như hội nhập tốt vào xã hội Nhật Bản.
Đánh giá về sinh viên Việt Nam tại trường Aomori Chuo Gakuin, cô Tomoko Kanehira, Phó Giáo sư Khoa Giáo dục Mầm non, bày tỏ sự cảm động khi nhận thấy cho dù là công việc lần đầu mới gặp, nhưng các sinh viên Việt Nam sẵn sàng chấp nhận thử thách. Theo cô Kanehira, các bạn Việt Nam rất nhiệt tình tham gia các hoạt động cộng đồng tại trường, giới thiệu văn hóa nước mình cho trẻ em tại Aomori. Nhờ quá trình làm việc chung này, sinh viên Nhật Bản ở Khoa Giáo dục Mầm non được giao lưu và học hỏi nhiều từ các bạn sinh viên Việt Nam. Thậm chí, năng lượng tích cực từ các sinh viên Việt Nam đã giúp cho một bạn sinh viên Nhật Bản từ bỏ ý định thôi học vì cảm nhận được niềm vui trong học tập.
Cô Masami Saito, giảng viên Khoa Giáo dục Mầm non, cho biết các sinh viên Việt Nam không đặt mình làm trung tâm mà hành động hướng về người khác. Sinh viên Việt Nam sống xa nhà, khi tham gia các hoạt động cộng đồng, các em vừa học hỏi được các kiến thức, kỹ năng sống tại địa phương nhưng đồng thời các em cũng chính là người giúp đỡ người dân địa phương.
Khi mô tả một cách ngắn gọn về ấn tượng đối với du học sinh Việt Nam, cả hai giảng viên đều cho rằng sinh viên Việt Nam chăm chỉ, nhiệt huyết và luôn hướng về cộng đồng.
Học tập và làm việc ở môi trường mới, các du học sinh Việt Nam tại Aomori Chuo Gakuin đã hiểu được kỹ năng sống tiên quyết cho một cuộc sống xa gia đình. Đó chính là tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia sở tại để có thể tích cực hội nhập vào cộng đồng.
Không còn là những đứa trẻ cần đến sự bảo bọc của cha mẹ, Minh Đức và các du học sinh Việt Nam tại Aomori Chuo đã thực sự trưởng thành không chỉ về học vấn mà cả về nhận thức. Điều đó đã mang lại cho em sự đón nhận tích cực từ cộng đồng địa phương.
Bài 2: Tạo cơ hội phát triển nghề nghiệp