Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Berlin, ông Schulze nhấn mạnh Việt Nam - với cam kết chủ nghĩa đa phương và hợp tác quốc tế dựa trên luật pháp - là một thành viên được tôn trọng của cộng đồng quốc tế. Là thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và nhiều tổ chức quốc tế khác, Việt Nam đã đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm hòa bình và ổn định trên thế giới. Tại Liên hợp quốc (LHQ), Việt Nam đang chung tay giải quyết những thách thức lớn mà cộng đồng quốc tế phải đối mặt. Theo vị cựu Đại sứ Đức, trong chính sách đối ngoại, Việt Nam được thúc đẩy và hỗ trợ thành công nhờ một nền ngoại giao xuất sắc và Việt Nam có thể tự hào về những tiến bộ đã đạt được trong vài thập niên qua.
Về quan hệ song phương, theo ông Schulze, Đức và Việt Nam đã thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược từ năm 2011. Từng là Đại sứ Đức tại Việt Nam, bản thân ông Schulze đã tham gia vào những bản thảo đầu tiên của quan hệ đối tác chiến lược và đến nay, ông đánh giá đây là "câu chuyện thành công tuyệt vời" của quan hệ song phương. Quan hệ giữa hai nước trải dài trong nhiều dự án hợp tác ở tất cả các cấp và trong nhiều lĩnh vực chính trị đã tạo ra cấu trúc tin cậy cho quan hệ hợp tác song phương. Đức và Việt Nam là đối tác cùng cam kết ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ, tôn trọng luật pháp quốc tế, chủ nghĩa đa phương, tự do thương mại và đầu tư toàn cầu, cũng như bảo vệ môi trường và khí hậu.
Đặc biệt mối quan hệ kinh tế và thương mại giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng trong quan hệ song phương. Với kim ngạch thương mại năm 2020 đạt khoảng 13,3 tỷ euro (hơn 14,9 tỷ USD), Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong Liên minh châu Âu (EU). Hiện khoảng 400 công ty Đức hiện diện tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư hơn 2,3 tỷ USD, giúp tạo ra khoảng 50.000 việc làm ở Việt Nam.
Theo Chủ tịch Hội Đức - Việt, hai nước đang kỳ vọng các thỏa thuận giữa EU và Việt Nam là Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA) ký giữa năm 2019 sẽ tạo thêm động lực cho quan hệ kinh tế song phương. Bên cạnh đó, một thành phần quan trọng khác của quan hệ giữa Đức và Việt Nam là hợp tác phát triển, trọng tâm là Chương trình nghị sự 2030 và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Chiến lược mới tới năm 2030 của Bộ Hợp tác và Phát triển kinh tế liên bang Đức (BMZ) xếp Việt Nam là quốc gia Đối tác toàn cầu với các chủ đề trọng tâm hướng tới chiến lược "tăng trưởng xanh" của Việt Nam (bao gồm tăng trưởng bền vững, khí hậu/năng lượng, bảo vệ môi trường/tài nguyên, y tế/một sức khỏe (One Health) cũng như hòa bình/hợp tác xã hội). Ngoài ra, hợp tác về văn hóa giữa hai nước cũng đang phát triển tích cực. Nhiều tổ chức văn hóa và khoa học của Đức (như DAAD, Viện Goethe, ZfA) đang hoạt động ở Việt Nam và hai nước cũng có thể tự hào về Trường Đại học Việt - Đức (VGU) vốn được coi là một "dự án hải đăng" trong quan hệ song phương.
Cựu Đại sứ Đức tại Việt Nam Schulze cũng nhấn mạnh không chỉ hợp tác chặt chẽ và tin cậy giữa chính phủ hai nước, các mối quan hệ liên xã hội đa dạng cũng vun đắp cho mối quan hệ song phương, trong đó Hội Đức - Việt mong muốn đóng vai trò là cầu nối giữa các tổ chức xã hội của hai nước. Theo ông Schulze, trên 100.000 người Việt đã làm việc hoặc học tập tại Đức chính là mối liên kết độc đáo trong quan hệ hai nước.