Hội nghị thượng đỉnh SCO năm nay do nước Chủ tịch luân phiên Ấn Độ tổ chức theo hình thức trực tuyến. Tham dự hội nghị, bên cạnh Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Pakistan, Tổng thống Turkmenistan (khách mời của Chủ tịch), các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên khác gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan và Uzbekistan, và các nước quan sát viên gồm Belarus, Iran và Mông Cổ. Hội nghị đã chính thức kết nạp Iran làm thành thành viên đầy đủ của SCO và Belarus sẽ trở thành thành viên vào năm tới.
Ngay từ đầu, Thủ tướng Modi đã nêu rõ ngoài triết lý “Cả thế giới là một gia đình”, tầm nhìn của Ấn Độ về vai trò chủ tịch SCO được định hướng bởi SECURE, viết tắt của cụm từ “An ninh, Phát triển kinh tế, Kết nối, Thống nhất, Tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, và Bảo vệ môi trường”. Ấn Độ đã thiết lập 5 trụ cột hợp tác mới trong SCO gồm khởi nghiệp và đổi mới, y học cổ truyền, trao quyền cho thanh niên, hội nhập kỹ thuật số và chia sẻ di sản Phật giáo. Thành phố Varanasi được chọn làm thủ đô văn hóa và du lịch đầu tiên của SCO.
Thủ tướng Modi đã đề cập một số câu hỏi quan trọng liên quan việc SCO liệu đã sẵn sàng giải quyết các thách thức hiện đại và liệu có phát triển thành một tổ chức được chuẩn bị đầy đủ cho tương lai hay không. Ông tuyên bố Ấn Độ hoàn toàn ủng hộ cải cách và hiện đại hóa SCO.
Thủ tướng Modi tuyên bố điều cần thiết là phải duy trì các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương SCO, đặc biệt là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia thành viên.
Các thành viên đã thông qua Tuyên bố New Delhi, đề cập sâu rộng thách thức của chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan và chủ nghĩa ly khai, cũng như yêu cầu tất cả các quốc gia cùng nhau đối phó với vấn đề này. Tuyên bố cũng đề cập tình hình ở Afghanistan và việc thực hiện Thỏa thuận hạt nhân Iran nhưng không đề cập cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Theo kế hoạch dự kiến ban đầu, mọi công tác chuẩn bị đã được thực hiện để tổ chức Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 23 trực tiếp, nhưng cuối tháng 5, Ấn Độ bất ngờ thông báo hội nghị sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Không có lý do cụ thể nào được đưa ra cho sự thay đổi này, ngoài thông báo có một số yếu tố dẫn đến quyết định đó.
Quyết định này lúc đầu có vẻ gây ra một số thất vọng nhưng nhìn nhận lại, đó có thể là một quyết định sáng suốt. Nếu tất cả các nhà lãnh đạo phản đối phương Tây như Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Tổng thống Belarus cùng có mặt ở Ấn Độ và gặp Thủ tướng Modi, điều đó sẽ gửi thông điệp khá bất lợi tới các đối tác chiến lược của Ấn Độ như Mỹ, châu Âu và các nơi khác, nhất là sau chuyến thăm thành công gần đây của Thủ tướng Modi tới Mỹ.
Có thể nói, Hội nghị thượng đỉnh SCO lần thứ 23 đã mang lại cơ hội để Ấn Độ thể hiện hình ảnh nước lớn trỗi dậy. Mặc dù còn những vấn đề tồn tại nhưng Hội nghị thượng đỉnh SCO vẫn có lợi cho việc giúp xoa dịu mâu thuẫn, đồng thời thiết lập lòng tin cho sự hợp tác giữa Ấn Độ với hai quốc gia láng giềng.