Theo đài RT (Nga), sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã chỉ trích quyết định của Ankara về việc tìm kiếm tư cách thành viên trong tổ chức an ninh do Nga và Trung Quốc dẫn đầu.
“Tôi rất bất bình về tiến trình này”, Thủ tướng Scholz nói và cho biết ông tin rằng SCO “không phải là tổ chức đóng góp quan trọng cho nỗ lực chung sống hòa bình của toàn cầu”.
Theo nhà lãnh đạo Đức, dù thế nào, điều quan trọng nhất đó là phải đạt được đồng thuận với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ về cuộc xung đột Ukraine, đặc biệt là “cách để làm rõ rằng chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine có thể không thành công”.
Trước đó, trong hội nghị thượng đỉnh SCO tại Samarkand (Uzbekistan) vào tuần trước, ông Erdogan đã chính thức công bố kế hoạch theo đuổi tư cách thành viên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Khi được hỏi về kế hoạch gia nhập SCO, ông Erdogan trả lời: “Tất nhiên đó là mục tiêu của chúng tôi. Quan hệ giữa chúng tôi với các quốc gia trong khối này sẽ chuyển sang vị thế rất khác biệt với bước đi sắp tới.”.
Hôm 20/9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết ông không muốn lựa chọn giữa phương Đông và phương Tây, đồng thời khẳng định ông không nợ EU bất kỳ lời giải thích nào về mọi quyết định của mình.
SCO được thành lập từ năm 2001, là tổ chức chính trị, kinh tế và an ninh Á – Âu. Hiện tại, SCO có 9 thành viên – gồm Trung Quốc, Nga, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan, Ấn Độ, Pakistan và gần đây nhất là Iran. Đây là tổ chức khu vực lớn nhất thế giới xét về quy mô địa lý và dân số, chiếm 60% diện tích lục địa Á - Âu, 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu. Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một số quốc gia khác, được công nhận là một ‘đối tác đối thoại’ đặc biệt của tổ chức này.