Không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia, những động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cả người dân lẫn chính giới truyền thống tại Mỹ cũng như dư luận quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc họp báo ở Washington, DC ngày 27/1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Quyết định gây tranh cãi nhất và đe dọa kéo theo một cuộc chiến pháp lý dai dẳng là việc Tổng thống Trump ký
sắc lệnh về cấm nhập cảnh tạm thời đối với công dân 7 nước có đông người Hồi giáo với lý do nhằm bảo vệ đất nước trước những kẻ khủng bố.
Ông chủ Nhà Trắng thứ 45 còn ra hàng loạt sắc lệnh khác như: cho phép các cơ quan liên bang về hệ thống y tế quốc gia “bỏ, ngưng, cho phép ngoại lệ hoặc đình hoãn” bất cứ điều khoản nào trong Luật Chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (còn gọi là Obamacare) nếu trở thành gánh nặng tài chính cho các tiểu bang; Mỹ sẽ xây “một bức tường vật chất hay một hàng rào an ninh không thể vượt qua” với Mexico và hứa hẹn sẽ thuê thêm 10.000 nhân viên di trú, cắt tiền trợ cấp của liên bang cho những thành phố nào từ chối trục xuất những người di trú không có giấy tờ.
Các sắc lệnh này đã làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và quốc gia láng giềng Mexico. Ngoài ra, còn phải kể tới sắc lệnh về "các luật định kinh doanh" và quy định tài chính Dodd-Frank, vốn được coi là bước đầu tiên trong việc tìm cách giảm bớt những quy định trong dịch vụ tài chính của Mỹ.
Được miêu tả là cách tiếp cận kiểu “bớt hai, thêm một”, sắc lệnh về "các định luật kinh doanh" là nỗ lực giảm gánh nặng cho doanh nghiệp nhỏ. Sắc lệnh này yêu cầu các bộ, ngành của chính phủ muốn thêm một quy định mới thì phải chỉ ra hai quy định khác mà họ sẽ bỏ bớt. Một số lĩnh vực trong số các quy định sẽ được ngoại trừ, không thuộc phạm vi “bớt hai, thêm một”, như những quy định liên quan tới quân sự và an ninh quốc gia.
Không chỉ các vấn đề trong nước, trong lĩnh vực đối ngoại, ông Trump cũng có những động thái khiến nhiều nước quan ngại. Ngay sau khi nhậm chức, ông đã ký sắc lệnh rút Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), từng được xem là “trụ cột” trong chính sách thương mại quốc tế cũng như chính sách “xoay trục” sang châu Á – Thái Bình Dương của người tiền nhiệm Barack Obama.
TPP chưa được Quốc hội Mỹ thông qua, vì thế việc chính thức rút khỏi hiệp định này cho thấy Washington đã chấm dứt những thương thuyết quốc tế đang diễn ra và để TPP “chết yểu”, khiến nhiều nước thành viên lo ngại và tìm các biện pháp thích hợp với tình hình mới.
Quan hệ Mỹ - Iran cũng trở nên căng thẳng sau khi nhà lãnh đạo Mỹ công bố lệnh cấm vận mới với Iran do nước này thử tên lửa. Ông Trump còn tuyên bố cân nhắc lại các chính sách của Mỹ đối với Cuba, đồng thời thử thách mối quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương với các đồng minh truyền thống ở châu Âu khi công khai hoan nghênh việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), coi đây là “một điều tuyệt vời”, tạo bản sắc và sự tự do cho nước Anh, đồng thời khuyến khích các thành viên còn lại “noi gương” London, tìm hướng đi độc lập cho riêng mình.
Theo giới phân tích, điểm chung cơ bản của các sắc lệnh này đều nhằm mục đích bảo vệ tối đa các lợi ích của Mỹ dưới góc nhìn của một tổng thống xuất thân từ giới doanh nhân. Vì thế, nó không mang nhiều màu sắc chính trị truyền thống và không tính tới các lợi ích chồng chéo cũng như quyền lực của hệ thống tư pháp. Vì thế, việc vấp phải sự phản đối của giới chính trị gia truyền thống của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa cùng một bộ phận không nhỏ cử tri là điều dễ hiểu.
Với lệnh cấm nhập cư đối với công dân 7 nước có đa số là người Hồi giáo, từ góc độ chính trị, đây bị coi là hành động vi phạm nhân quyền, hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đức Mỹ, phân biệt đối xử với người Hồi giáo, làm xói mòn an ninh quốc gia, phá hoại mối quan hệ giữa Mỹ và cộng đồng Hồi giáo, tạo cớ cho các tổ chức khủng bố chiêu mộ thêm binh sĩ và gia tăng tâm lý chống Mỹ. Từ góc độ kinh tế, lệnh cấm này cũng tạo ra những thách thức không nhỏ.
Theo dự báo của các chuyên gia, lệnh cấm nhập cư có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế Mỹ do hai ngành du lịch và giáo dục đại học bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ngoài ra, sắc lệnh trên cũng khiến các công ty và các tập đoàn lớn của Mỹ phải thay đổi hoàn toàn phương pháp tuyển dụng nhân sự, theo đó họ phải nhắm tới nhóm người ứng tuyển có trình độ thấp hơn do những người được đào tạo bài bản và có trình độ cao không thể tiếp tục làm việc tại Mỹ dẫn tới tình trạng chảy máu chất xám trên diện rộng.
Biểu tình phản đối sắc lệnh của Tổng thống Trump tại Washington D.C ngày 4/2. Ảnh: THX/TTXVN |
Trong bối cảnh kinh tế và nhân khẩu học như hiện nay tại Mỹ, mục tiêu của chính quyền Tổng thống Trump tăng gấp đôi mức tăng trưởng kinh tế và tạo thêm 25 triệu việc làm từ nay đến năm 2027 sẽ là điều không tưởng với chính sách siết chặt nhập cư.