Những bước tiến về quyền bình đẳng của người đồng tính tại Đức

Cho đến tận năm 1969, đàn ông đồng tính có thể bị xử tử tại Đức. Ngày nay, mặc dù định kiến vẫn còn đâu đó, song đã có nhiều tiến bộ về quyền bình đẳng với người đồng tính ở nước này.

Chú thích ảnh
Các nhà hoạt động chống kỳ thị giới tính giơ cao lá cờ cầu vồng trên một sân bóng đá ở Đức. Ảnh: DPA

Theo tờ DW (Đức), cuộc đấu tranh vì quyền bình đẳng cho người đồng tính tại Đức còn lâu dài. Một cuộc phỏng vấn mới đây với chính trị gia bảo thủ hàng đầu trong đảng cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel đã chỉ ra rằng vẫn còn tồn tại nhiều định kiến với những người đồng tính, song không thể phủ nhận những tiến bộ trong cuộc chiến này.

Đồng tính là bất hợp pháp tại Đức đến năm 1969

Những định kiến, nghi ngờ và ngược đãi đều gắn chặt với lịch sử của những người đồng tính nam và nữ tại nước Đức thời hậu Thế chiến II, ngay cả khi tâm lý chấp nhận vấn đề đồng tính ngày nay đã trở nên rộng rãi. Đến tận năm 1969, đàn ông đồng tính có thể bị xử tử tại Đức theo một đạo luật ra đời từ thời Đế chế Phổ, và được siết chặt hơn dưới thời Đức Quốc xã.

Chú thích ảnh
Ông Friedrich Merz (trái) cạnh tranh ghế Chủ tịch đảng CDU với chính trị gia đồng tính Jens Spahn (phải) vào năm 2018. Ảnh: AP

Điều 175 của Bộ luật Hình sự Đức quy định: “Một người đàn ông giao cấu với người đàn ông khác hoặc để mình bị giao cấu sẽ bị phạt tù”. Năm 1957, Tòa án Hiến pháp Liên bang Đức (Tây Đức) ra quyết định rằng điều này được hiến định theo Luật Cơ bản của Đức. Sau Thế chiến II, CHDC Đức (Đông Đức) cũng đã thông qua đạo luật từ thời Đức Quốc xã liên quan đến vấn đề đồng tính.

Tuy nhiên, đến tháng 2/2001, dưới thời chính phủ liên minh của đảng Dân chủ Xã hội và đảng Xanh, các cặp đồng tính mới được trao quyền bình đẳng theo Luật Cơ bản và được trao quyền có bạn đời dân sự. Đó là thời điểm mang tính đột phá.

Cuối cùng vào năm 2017, Quốc hội Đức đã bỏ phiếu về hôn nhân đồng giới. Nhưng, cho đến thời điểm đó, vẫn còn nhiều nghị sĩ quốc hội, đa số là những người theo đường lối bảo thủ, phản đối đạo luật này. 235/309 nghị sĩ CDU đã bỏ phiếu phản đối đạo luật và nữ Thủ tướng Angela Merkel cũng nằm trong số này.

Trong thời gian chuẩn bị diễn ra cuộc bỏ phiếu, bà Merkel đã kêu gọi các nghị sĩ thoải mái đưa ra quyết định cá nhân thay vì bỏ phiếu theo "chủ trương" của đảng.

Tâm lý kỳ thị giảm dần

Các chính trị gia đồng tính hiện nay đã xuất hiện trong tất cả các đảng phái ở Đức. Thậm chí một lãnh đạo của đảng cực hữu AfD là Alice Weidel cũng không che giấu sự thực là bà đã kết hôn với một phụ nữ da màu; hai người sống ở Thụy Sĩ cùng con cái của họ.

Có thể thấy đã có nhiều thành tựu về quyền bình đẳng cho những người đồng tính ở khu vực công của Đức. Đó là lý do tại sao tuyên bố dè chừng của chính trị gia nổi tiếng của đảng Dân chủ Cơ đốc giáo trung hữu (CDU) Friedrich Merz dường như thuộc về một kỷ nguyên đã qua. Tuy nhiên ở nhiều khu vực khác, vẫn còn sự e dè về vấn đề đồng tính.

Chẳng hạn, một nghiên cứu gần đây do Viện Nghiên cứu Kinh tế Đức và trường Đại học Bielefeld tiến hành đã phát hiện 30% những người nhận là đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính, chuyển giới… bị phân biệt đối xử trong công việc. Tỉ lệ này ở những người chuyển giới thậm chí còn cao hơn, tới 43%. Đây có thể là một trong những lý do tại sao có tới 1/3 số người được hỏi cho biết họ không công khai giới tính thật ở chỗ làm, hoặc chỉ tiết lộ với một số đồng nghiệp thân nhất định.

Chú thích ảnh
Cựu thị trưởng Berlin Klaus Wowereit từng tuyên bố: "Tôi là người đồng tính, và đó là một điều tốt!".

Khi các chính trị gia công khai giới tính

Điều quan trọng không kém đối với các tiến bộ về pháp lý xung quanh vấn đề hôn nhân đồng giới là những phát ngôn công khai giới tính của các chính trị gia về đồng tính. Năm 2001, ứng cử viên thị trưởng Berlin của đảng SPD Klaus Wowereit tuyên bố trong diễn văn tại đại hội đảng: “Tôi là người đồng tính, và đó là một điều tốt”.

Sau đó, Wowereit nói rằng ông đưa ra tuyên bố đó một phần vì ông biết rằng các báo lá cải đang chuẩn bị công khai thông tin về giới tính thứ ba của ông. Wowereit cuối cùng đắc cử thị trưởng Berlin và tại nhiệm trong suốt hơn một thập niên.

Cố Ngoại trưởng đồng tính dưới thời Thủ tướng Merkel, Guido Westerwelle cũng đóng góp vào tâm lý chấp nhận đồng tính luyến ái tại Đức. Ông Westerwelle thường đưa người bạn đời của mình cùng đi trong các chuyến công du chính thức nước ngoài, công khai mối quan hệ của họ trước mắt công chúng.

Ngày nay, Bộ trưởng Y tế Jens Spahn là bộ trưởng đồng tính công khai đầu tiên trong đảng bảo thủ cầm quyền CDU của Thủ tướng Merkel, và ở tuổi 40, ông được coi là một trong những ngôi sao đang lên trong đảng.

Ông Spahn được đánh giá là ứng viên tiềm năng hàng đầu kế nhiệm bà Merkel vào năm 2021. Jens Spahn cũng là một trong những đối thủ chính của ông Merz trong nội bộ đảng CDU, và trước đây họ đã từng đua tranh ghế chủ tịch đảng.

Chú thích ảnh
 Cố Ngoại trưởng LGuido Westerwelle (trái) thường đi công tác cùng bạn đời đồng tính Michael Mronz. Ảnh: Reuters

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Nạn kỳ thị người đồng tính cản trở nỗ lực chống dịch COVID-19 tại Hàn Quốc
Nạn kỳ thị người đồng tính cản trở nỗ lực chống dịch COVID-19 tại Hàn Quốc

Khi Hàn Quốc phải đối mặt với làn sóng dịch bệnh thứ 2 liên quan đến một hộp đêm đồng tính, cộng đồng LGBT đã gặp phải những chỉ trích dữ dội từ dư luận. Điều này khiến họ lo sợ, cố tình lẩn trốn, gây khó khăn trong việc xét nghiệm virus SARS-CoV-2.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN