Theo tờ Pravdar châu Âu của Ukraine (eurointegration.com.ua), Kiev đang chắc chắn rằng Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius dự kiến diễn ra vào ngày 11/7 tới sẽ rất quan trọng đối với tư cách thành viên trong tương lai của nước này trong bối cảnh có những thành viên của liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu thiếu sự đồng thuận trước thềm cuộc họp của các nhà lãnh đạo NATO.
Ukraine đã bị NATO từ chối tư cách thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh Bucharest 2008, nhưng kể từ đó, quan điểm của một số thành viên đã "thay đổi 180 độ". Giờ đây, Pháp và đặc biệt là các nước ở vùng Baltic đang vận động để Ukraine vào NATO. Tuy nhiên, Mỹ, vốn là động lực thúc đẩy Ukraine gia nhập NATO vào năm 2008, hiện do dự trong việc xác nhận bất kỳ bước tiến nào.
Nhưng Kiev nhắc lại rằng họ sẽ không chấp nhận dừng lại. Mặc dù cố vấn ngoại giao của Tổng thống Zelensky, Ihor Zhovkva, thừa nhận rằng tư cách thành viên NATO sẽ không xảy ra khi Ukraine đang có xung đột, nhưng ông này khẳng định rằng không có gì ngăn cản NATO mời Ukraine trở thành thành viên về mặt chính trị ngay bây giờ.
Theo ông Zhovkva, Ukraine sẽ từ chối bất kỳ quyết định nào từ hội nghị thượng đỉnh sắp tới với kết quả như "làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác" giữa Ukraine và NATO, ngay cả khi điều này được giải thích là "sự chuẩn bị cho tư cách thành viên trong tương lai", theo Kế hoạch hành động thành viên (MAP).
“Chúng tôi không muốn bất kỳ kế hoạch, chương trình mục tiêu nào”, ông Ihor Zhovkva, Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Ukraine kiêm Cố vấn Ngoại giao về Hội nhập châu Âu - Đại Tây Dương, giải thích tại một hội nghị ở Kiev.
Ông Zhovkva nói thêm rằng Kiev đang kỳ vọng vào hai vấn đề sẽ "quyết định thành công lịch sử" của hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius: "Thứ nhất là quyết định chính trị để bắt đầu thủ tục cho Ukraine trở thành thành viên và tiếp theo là quyết định liên quan đến đảm bảo an ninh", đồng thời lưu ý thêm rằng Ukraine sẽ "không thỏa hiệp".
"Ukraine muốn nhận được một quy trình ở Vilnius, vốn đã nằm trên bàn của mỗi nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên NATO. Mọi người đều biết về chúng. Mọi người đều cảm thấy rằng Ukraine sẽ kiên quyết yêu cầu đến ngày cuối cùng trước khi hội nghị thượng đỉnh điễn ra", cố vấn ngoại giao của Tổng thống Zelensky tuyên bố.
Mặc dù quy trình cụ thể không được tiết lộ, nhưng phác thảo chung được chỉ ra là: Đầu tiên, Ukraine nhấn mạnh vào công thức được áp dụng cho Thụy Điển và Phần Lan. Điều đó có nghĩa là NATO chính thức công nhận "đơn xin gia nhập" của Ukraine mà không qua các giai đoạn trung gian như MAP, trái ngược với thủ tục tiêu chuẩn của NATO.
Thứ hai, Kiev đồng ý rằng thủ tục có thể chậm lại sau khi được khởi động một cách nhanh chóng. Như một lựa chọn, NATO có thể công bố "lời mời chính trị" tại Vilnius, với xác nhận cuối cùng tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington vào năm 2024.
Thứ ba, quyết định cuối cùng về tư cách thành viên NATO của Ukraine được đề xuất đưa ra khi "các điều kiện an ninh" hoặc "các cân nhắc về an ninh" cho phép. Điều này có nghĩa là trong bối cảnh Ukraine tiếp tục bị pháo kích, dẫn đến các điều kiện an ninh vẫn còn nhiều thách thức, nhưng các thành viên NATO có thể thay đổi các cân nhắc về an ninh để ngăn Nga có quyền "phủ quyết ẩn" (Nga cố tình tấn công Ukraine để chặn tư cách thành viên NATO của Kiev) đối với việc gia nhập của Ukraine.
Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine thừa nhận rằng vẫn chưa có sự đồng thuận trong NATO về tư cách thành viên của Kiev. Nhiều nguồn tin của Pravda cho biết vấn đề chính của Ukraine là quan điểm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và Nhà Trắng, với sự nghi ngờ rằng việc Ukraine nhanh chóng gia nhập NATO là điều không cần thiết cho chính liên minh.
Ian Brzezinski, thành viên cao cấp tại Hội đồng Đại Tây Dương, nhận định về tính khả thi của các kế hoạch gia nhập NATO của Ukraine: "Tôi cho rằng có thể mời Ukraine gia nhập tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington năm 2024. Tiếp đó, Điều 5 (về phòng thủ tập thể trong NATO) sẽ chỉ áp dụng cho các vùng lãnh thổ do Ukraine kiểm soát".