Theo tờ Politico của Mỹ, cuộc bầu cử quốc hội sắp tới ở Pháp có thể mang tính tàn phá nặng nề nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh - không chỉ đối với Pháp mà còn đối với EU, NATO và những gì còn sót lại của “trật tự thế giới tự do” thời hậu chiến.
Vị thế lãnh đạo của Pháp tại EU, vị trí trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và tầm ảnh hưởng quân sự của nước này với tư cách là một cường quốc toàn cầu khiến cuộc bỏ phiếu này gần giống như một “cuộc bầu cử tầm thế giới”, giống như giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và đối thủ cạnh tranh Donald Trump vào tháng 11 năm nay.
Đó là vì bên có thể thắng: đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) và bên nguy cơ thua: một tổng thống Pháp (Emmanuel Macron) đã cố gắng củng cố EU và tìm kiếm sự cân bằng mới, bền vững giữa châu Âu và Mỹ. Cuộc bầu cử này không chỉ nguy cơ đánh dấu sự thất bại mà còn có thể đánh dấu sự xóa bỏ “chủ nghĩa Macron”.
Như vậy hiện tại, sự chú ý của toàn cầu đang tập trung vào những diễn biến chính trị ở Pháp. Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) cực hữu hiện đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò với trên 35% phiếu bầu, trong khi Mặt trận Bình dân Mới (NPF), một liên minh do phe cực tả thống trị, ở vị trí thứ hai với hơn 29%, trong khi phe đa số cầm quyền hiện nay chỉ đạt trên 21% phiếu bầu.
Vẫn chưa chắc rằng lãnh đạo RN Marine Le Pen sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội hai vòng, diễn ra vào ngày 30/6 và 7/7. Ngoài ra, ông Macron sẽ vẫn là tổng thống cho đến năm 2027, thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ 2 của ông, bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử lập pháp sớm.
Nhưng hệ thống của Pháp, cương vị tổng thống chỉ mang tính đại diện trên danh nghĩa. Hầu như toàn bộ quyền lực thực sự theo hiến pháp đều nằm ở quốc hội, thủ tướng và chính phủ. Nếu họ có quan điểm chính trị khác với tổng thống, họ sẽ là người nắm quyền quyết định.
Trong trường hợp khả quan nhất, một quốc hội bị các phe phái chính trị cực đoan thống trị sẽ đẩy nước Pháp vào thời kỳ bất ổn kéo dài. Tệ nhất, nó sẽ dẫn đến việc áp dụng các chính sách hoang phí và chủ nghĩa dân tộc, nhanh chóng gây ra một cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội ở Pháp. Một cuộc khủng hoảng ở Pháp sẽ nhanh chóng trở thành vấn đề của EU.
Nước Pháp đang trong tình trạng hỗn loạn tài chính. Nợ công lên tới 110% GDP và chính phủ đương nhiệm thâm hụt ngân sách ở mức 5,5% vào năm ngoái. Cả phe cực hữu và cực tả đều cam kết tăng chi tiêu lớn và cắt giảm thuế sẽ làm tăng nợ và thâm hụt, đồng thời vi phạm các quy định của EU.
Bên cạnh đó, Pháp là một trong 20 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Điều gì sẽ xảy ra nếu phần bù rủi ro đối với trái phiếu của Pháp tăng vọt? EU hiện có cơ chế can thiệp vào hoạt động mua trái phiếu. Nhưng liệu Brussels hay Berlin có sẵn sàng đồng ý với một động thái như vậy không, nếu cuộc khủng hoảng bị kích động bởi những cam kết chi tiêu không được tài trợ của Pháp?
Cùng với đó, viễn cảnh phe cực hữu lên cầm quyền đang hiển hiện ngày một gần thêm, song song với đó là những lo ngại về nguy cơ nước Pháp rời khỏi EU. Những ngày gần đây, một bộ phận dư luận cũng như một số nhà chính trị ở Pháp đã cảnh báo nước Pháp sẽ bị đặt trước nguy cơ ra khỏi EU một khi đảng cực hữu RN lên cầm quyền sau kỳ bầu cử Quốc hội tới. Nhật báo Libération cho rằng cử tri Pháp sẽ không chỉ đi bầu Quốc hội mới, mà họ còn có thể quyết định số phận của nước Pháp trong EU.
Một cam kết khác của phe cực hữu cũng có nguy cơ xung đột với EU: RN chủ trương hạn chế sự tự do đi lại trong khu vực Schengen, theo đó “chỉ dành cho công dân của các quốc gia thành viên”. Nhưng điều này cũng vi phạm luật pháp châu Âu vì tự do lưu thông dành cho người nước ngoài hợp pháp (bao gồm cả khách du lịch, mà Pháp là một trong những điểm đến hàng đầu trên thế giới). Chưa kể việc thiết lập kiểm soát để phân biệt người trong với người ngoài khu vực Schengen có thể sẽ gây những rắc rối ngoại giao và Pháp phải chịu các biện pháp trả đũa.