Theo các chuyên gia Daniel Szeligowski và Maria Piechowska thuộc Viện Các vấn đề Quốc tế Ba Lan (PISM), cuộc tấn công của quân đội Ukraine vào khu vực Kursk ở Nga vào đầu tháng 8 năm nay đã gây chấn động và thu hút sự quan tâm đặc biệt từ cả giới chính trị và công chúng quốc tế.
Mặc dù những hoạt động này có ý nghĩa quan trọng về mặt quân sự, tác động chính trị và tâm lý của chúng cũng không kém phần quan trọng. Ukraine không chỉ muốn gửi thông điệp mạnh mẽ đến Nga mà còn muốn gây áp lực lên các đối tác quốc tế, làm sống lại sự quan tâm của cộng đồng thế giới đối với cuộc chiến đang diễn ra.
Tầm quan trọng của tình hình nội bộ Ukraine
Những chiến dịch thành công của quân đội Ukraine trên lãnh thổ Nga mang đến lợi thế lớn về tâm lý, giúp cải thiện tinh thần đang dần suy giảm của xã hội Ukraine. Theo nghiên cứu của Trung tâm Razumkov, dù phần lớn người dân Ukraine (80%) vẫn tin vào chiến thắng trước Nga, nhưng sự mệt mỏi với chiến tranh ngày càng gia tăng. Sự sụt giảm số lượng tình nguyện viên và số người trong độ tuổi nhập ngũ tìm cách tránh nghĩa vụ quân sự là những dấu hiệu rõ ràng cho thấy căng thẳng kéo dài đang ảnh hưởng đến xã hội Ukraine. Các cuộc tấn công của Nga vào hạ tầng năng lượng khiến tình trạng mất điện ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, làm suy yếu nền kinh tế và gia tăng khó khăn cho người dân Ukraine trong mùa Đông sắp tới.
Bên cạnh đó, những thành công của quân đội Ukraine trên lãnh thổ Nga đã giúp củng cố vị thế của Tổng thống Volodymyr Zelensky. Trước khi cuộc tấn công bắt đầu, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Zelensky đã giảm từ 77% vào cuối năm 2023 xuống còn khoảng 50%. Những kết quả tích cực từ chiến dịch này giúp ông Zelensky lấy lại niềm tin của người dân và tránh khỏi những chỉ trích liên quan đến những thay đổi chính sách trước đó, đặc biệt là việc thay thế Tướng Valery Zaluzhny bằng Tướng Oleksandr Syrski vào tháng 2 năm nay.
Tác động đến các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng
Mặc dù việc kiểm soát một phần lãnh thổ Nga không mang lại lợi thế quân sự cụ thể, nó gây tác động đến xã hội nước này, đặc biệt khi việc đảm bảo an ninh nội địa cho Nga trở thành một thách thức. Cuộc tấn công đã buộc Nga phải sơ tán khoảng 120.000 người dân, từ đó gây áp lực lên Tổng thống Vladimir Putin.
Ukraine còn hy vọng rằng điều này sẽ tạo ra cơ hội đàm phán hòa bình có lợi hơn cho Kiev. Các nỗ lực hòa bình quốc tế trước đây chưa mang lại kết quả, và tình hình chiến sự vẫn là yếu tố quyết định chính trong tiến trình đàm phán. Dù Nga tuyên bố sẵn sàng đàm phán, Moskva chưa cho thấy dấu hiệu nhượng bộ và tiếp tục chờ đợi vào sự suy yếu của Ukraine. Ngược lại, Ukraine vẫn kiên quyết với mục tiêu giành lại toàn vẹn lãnh thổ, nhưng ngày càng có những tín hiệu cho thấy họ sẵn sàng đàm phán để đạt được “hòa bình công bằng” và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Đây là dấu hiệu cho thấy sự linh hoạt trong chiến lược của Ukraine khi tìm kiếm lối thoát cho cuộc xung đột kéo dài.
Sự chú ý từ đối tác nước ngoài
Chiến dịch tấn công vào lãnh thổ Nga cũng nhằm củng cố lòng tin của các đối tác quốc tế vào khả năng của Ukraine. Các cuộc tấn công này diễn ra sau khi Ukraine không đạt được những tiến bộ đáng kể trên chiến trường, khiến niềm tin của các đối tác vào khả năng chiến thắng của Ukraine giảm sút. Cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga đã giúp Ukraine giành lại thế chủ động trên mặt trận thông tin và tái khẳng định sự ủng hộ của công chúng phương Tây đối với Ukraine. Kết quả là, số lượng người ủng hộ viện trợ cho Ukraine tại các quốc gia NATO đã tăng trở lại, khích lệ các đối tác tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine.
Tuy nhiên, việc Ukraine tấn công vào lãnh thổ Nga cũng tạo ra nhiều tranh cãi. Những người chỉ trích cho rằng đây là một hành động tấn công vô căn cứ, có thể gây tổn thất không cần thiết về thiết bị quân sự và gây nguy hiểm cho an ninh khu vực. Các đối tác phương Tây cũng lo ngại rằng sự leo thang này có thể làm Nga phản ứng mạnh mẽ hơn, đặc biệt là với các mối đe dọa về hạt nhân từ phía Nga.
Tóm lại, các chuyên gia Ba Lan trên cho rằng, cuộc tấn công vào Kursk không chỉ là một chiến lược quân sự mà còn là một bước đi chiến lược về mặt chính trị. Ukraine muốn tạo ra tình thế "việc đã rồi" để buộc Nga phải điều chỉnh chiến lược và chấp nhận các điều kiện hòa bình có lợi hơn cho Ukraine. Đồng thời, cuộc tấn công cũng giúp nâng cao tinh thần trong nước và tạo áp lực lên các đối tác quốc tế, thúc đẩy họ cung cấp thêm viện trợ quân sự. Dù chưa đạt được những thành công rõ ràng trong việc buộc Nga phải nhượng bộ, chiến dịch này đã giúp Ukraine phá vỡ thế bế tắc và tái khẳng định quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình, dù con đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai.