Những tính toán của chính quyền Mỹ đằng sau thương vụ bất thành

Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh ngăn chặn thương vụ Hãng Broadcom (Singapore) thâu tóm nhà sản xuất chip điện tử hàng đầu thế giới Qualcomm, có trụ sở ở California (Mỹ) do lo ngại thương vụ này có thể "đe dọa an ninh quốc gia".

Đây không phải là lần đầu tiên Nhà Trắng "can thiệp" vào các thương vụ mua bán, chuyển quyền sở hữu đối với các công ty trong nước. Động thái mới cũng thêm một lần nữa cho thấy chính quyền Mỹ đang theo dõi sát sao các thương vụ mua bán sáp nhập liên quan những doanh nghiệp tiên phong của nước này, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu trong cuộc họp báo tại Washington DC., ngày 7/3. Ảnh: THX/TTXVN

Qualcomm, công ty tiên phong trong sản xuất chip di động, là nhà cung ứng modem chip cho các nhà sản xuất smartphone như Apple, Samsung và LG, cho phép điện thoại kết nối với mạng không dây. Trong khi đó, Broadcom cũng là nhà cung ứng chip Wi-Fi lớn cho nhiều doanh nghiệp. Thương vụ trị giá 117 tỷ USD này nếu thành công sẽ trở thành vụ mua bán và tiếp quản lớn nhất trong lịch sử ngành công nghệ. Broadcom từng kỳ vọng thương vụ này sẽ giúp sáp nhập 2 "gã khổng lồ" của làng chip điện tử để trở thành một tập đoàn lãnh đạo ngành viễn thông toàn cầu, nắm trong tay các công nghệ và sản phẩm ấn tượng.

Tuy nhiên, cũng vì quy mô thương vụ lớn như vậy nên phía Qualcomm đã nhiều lần từ chối những đề nghị đầy hấp dẫn của Broadcom kể từ khi hãng này "dạm mua" hồi tháng 11/2017 với giá khởi điểm là 103 tỷ USD. Qualcom cũng bí mật nhờ Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ (CFIUS) đánh giá lời đề nghị của đối thủ từ Singapore. CFIUS cho rằng thương vụ sáp nhập Broadcom-Qualcomm có thể làm suy yếu vị trí tiên phong của Qualcomm trong lĩnh vực sản xuất chip di động, đặc biệt trong mảng kết nối mạng không dây thế hệ mới 5G, tạo điều kiện cho những đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc vươn lên chiếm lĩnh vị trí đầu đàn.

Theo CFIUS, Broadcom có thể sẽ hạn chế các hoạt động nghiên cứu và phát triển của Qualcomm, làm suy yếu tiềm năng phát triển thiết bị kết nối mạng không dây thế hệ 5G, từ đó làm mất đi lợi thế cạnh tranh công nghệ của công ty về lâu dài. Báo cáo của CFIUS nhấn mạnh khi đó các đối thủ từ Trung Quốc sẽ có cơ hội giành ưu thế vượt trội, một Trung Quốc với công nghệ mạnh hơn sẽ là mối đe dọa an ninh quốc gia với nước Mỹ.

Văn phòng của Qualcomm tại San Jose, California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

CFIUS cũng đang xem xét những rủi ro liên quan các mối quan hệ của Broadcom với các công ty nước ngoài bên thứ 3 cũng như những ảnh hưởng về an ninh quốc gia. Nhà phân tích Patrick Moorhead của công ty tư vấn Moor Insights and Strategy chỉ ra CFIUS nhiều khả năng lo ngại Broadcom có thể có mối quan hệ với một số doanh nghiệp tại Trung Quốc, trong đó có Huawei, công ty cũng đang chú trọng nghiên cứu phát triển chip di động kết nối 5G giống như Qualcomm và là một đối thủ cạnh tranh rất mạnh của Qualcomm trong lĩnh vực này.

Theo ông, những loại hình kết nối không dây không chỉ đóng vai trò trong cuộc sống và sản xuất hàng ngày mà còn có vai trò quan trọng trong các hoạt động phát triển kỹ thuật quân sự như các hệ thống không người lái. Những phân tích kể trên càng có lý hơn khi thương vụ này bị ngăn chặn ngay cả khi chính Tổng thống Trump từng tiết lộ Broadcom sẽ chuyển trụ sở về Mỹ sau cuộc gặp với Giám đốc điều hành Hock Tan của Broadcom tại Nhà Trắng hồi cuối năm ngoái. Giới chức Mỹ lo ngại rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực công nghệ có thể đe dọa sức cạnh tranh của Mỹ cũng như mở đường cho Bắc Kinh tiếp cận với công nghệ tiên tiến và các ứng dụng của công nghệ đó trong thương mại và quân sự.

Xét về góc độ chống độc quyền, thương vụ cũng gây nhiều quan ngại vì cả 2 đều là những tên tuổi lớn trên thị trường và mỗi bên đều đang trong quá trình mua lại nhà sản xuất chip khác. Qualcomm đã đồng ý mua thương hiệu NXP của Hà Lan còn Broadcom đang mua Brocade của Mỹ. Bản thân Qualcomm hiện cũng đang phải đối mặt với một loạt các điều tra tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới về cáo buộc thao túng thị trường.

Năm 2017, hãng bị phạt hơn 770 triệu USD tại Đài Loan (Trung Quốc) trong khi cả Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đã áp đặt các mức phạt nặng cho Qualcomm với lý do tương tự. Tại Mỹ, Qualcomm cũng đang vướng vào cuộc chiến pháp lý với Apple từ đầu năm, khi hãng bị kiện đã lợi dụng vị thế của mình để lấy thêm tiền của các nhà sản xuất phần cứng. Mới đây, hãng đã thừa nhận lợi nhuận quý III/2017 đã giảm đến 90% chính vì lý do này.

Đây không phải là lần đầu tiên ông Donald Trump sử dụng một đạo luật tồn tại nhiều thập niên qua, cho phép tổng thống có quyền ngăn các công ty nước ngoài tiếp quản công ty trong nước nếu xuất hiện mối lo ngại về an ninh quốc gia. Hồi tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump cũng đã ngăn chặn thương vụ Canyon Bridge Capital Partners, một công ty tư nhân có quan hệ với Trung Quốc, thâu tóm nhà sản xuất chip Lattice Semiconductors (Mỹ).

Hiện chính quyền Mỹ cũng đang trong quá trình rà soát một loạt thương vụ tiềm năng liên quan việc bán công ty Mỹ cho các công ty nước ngoài. Các thương vụ tiềm năng khác mà bên mua là công ty nước ngoài đang bị Chính phủ Mỹ rà soát bao gồm vụ MoneyGram International có thể được bán cho Ant Financial - công ty tài chính thuộc quyền kiểm soát của tỷ phú Trung Quốc Jack Ma; và vụ HNA Group tính mua SkyBridge Capital LLC.

Lê Ánh (TTXVN)
Sợ nguy hại an ninh quốc gia, Mỹ yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn vụ thâu tóm Qualcomm
Sợ nguy hại an ninh quốc gia, Mỹ yêu cầu chấm dứt vĩnh viễn vụ thâu tóm Qualcomm

Ngày 12/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chặn đứng nỗ lực của hãng cung ứng chip Wi-Fi Broadcom có trụ sở tại Singapore nhằm thâu tóm nhà sản xuất chip điện tử dùng trong các thiết bị di động hàng đầu thế giới Qualcomm, có trụ sở ở California (Mỹ).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN