Năm 2022, nước Anh lần lượt chứng kiến có 2 vị quân vương, 3 thủ tướng, 4 bộ trưởng tài chính; kinh tế tăng trưởng thấp nhất trong Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7); lạm phát cao kỷ lục trong vòng hơn 40 năm; người lao động của ít nhất 14 ngành xuống đường đình công; 7,1 triệu người đang chờ khám chữa bệnh… Các con số cho thấy sự khắc nghiệt của cuộc khủng hoảng kép về chính trị và kinh tế trong lịch sử hiện đại nước Anh.
Những diễn biến kịch tính trên chính trường Anh mở màn bằng tuyên bố từ chức của Thủ tướng Boris Johnson ngày 7/7 khi có hơn 50 thành viên nội các rời chính phủ để phản đối sự lãnh đạo của ông sau hàng loạt bê bối của cá nhân thủ tướng và chính phủ. Sự ra đi của ông Johnson được kỳ vọng sẽ đem lại ổn định chính trị cần thiết để thành lập một chính phủ mới có đủ năng lực đối phó với hàng loạt thách thức về kinh tế và xã hội trong giai đoạn hậu Brexit và phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Tuy nhiên, người kế nhiệm ông Johnson, cựu Ngoại trưởng Liz Truss, đã đẩy nước Anh vào một cuộc khủng hoảng mới. Kế hoạch “ngân sách nhỏ” của bà khiến thị trường tài chính chao đảo với làn sóng bán tháo trái phiếu chính phủ, tạo nên cuộc khủng hoảng thanh khoản tại các quỹ hưu trí của Anh, buộc Ngân hàng trung ương nước này phải can thiệp khẩn cấp bằng chương trình mua trái phiếu chính phủ trị giá 65 tỷ bảng. Bà Liz Truss đã phải từ chức ngày 20/10, trở thành thủ tướng tại nhiệm ngắn nhất trong lịch sử nước Anh với 45 ngày cầm quyền. Chủ nhân tiếp theo của Nhà số 10 Phố Downing là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak. Thời điểm chính trị gia này tiếp quản "ghế nóng" - ngày 25/10 - cuộc khủng hoảng chính trị tại Anh lên đến đỉnh điểm. Ông trở thành thủ tướng thứ ba trong năm 2022 và là người thứ năm đứng đầu Chính phủ Anh trong vòng 6 năm kể từ cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016. Trước đó, từ năm 1979 đến 2016, nước Anh chỉ có 5 thủ tướng.
Ở tuổi 42, vị thủ tướng trẻ nhất lịch sử nước Anh trong vòng 200 năm và là thủ tướng gốc Á đầu tiên phải chèo lái một đất nước rơi vào suy thoái kinh tế sâu với lạm phát leo thang cùng những tác động tiêu cực của Brexit; cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt với hóa đơn năng lượng và lãi suất thế chấp tăng vọt khiến hàng triệu người dân lâm cảnh khó khăn; làn sóng đình công lan rộng ở cả khu vực công và tư trong khi hệ thống y tế quá tải trầm trọng. Chưa hết, vị thủ lĩnh trẻ tuổi của đảng Bảo thủ đối mặt nguy cơ thất bại trong cuộc tổng tuyển cử khi cử tri Anh mất lòng tin sâu sắc vào đảng cầm quyền với năng lực điều hành yếu kém và nội bộ rạn nứt nghiêm trọng.
Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS), tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Anh giảm 0,3% trong quý III/2022, thấp hơn mức ước tính 0,2%, đồng thời giảm 0,8% so với quý IV/2019, khiến Anh trở thành nước duy nhất trong G7 chưa đạt mức phục hồi trước đại dịch COVID-19. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo trong 2 năm tới, Anh sẽ là nền kinh tế tăng trưởng kém nhất trong Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trừ Nga.
Suy thoái kinh tế với lạm phát và lãi suất thế chấp tăng, giá bất động sản giảm và tỷ lệ thất nghiệp leo thang khiến mức sống của người dân Anh giảm sâu nhất trong 6 thập niên. Theo số liệu của ONS, thu nhập khả dụng thực tế của các gia đình Anh giảm 0,5% trong quý III/2022, là mức giảm thứ tư liên tiếp. Chuyên gia kinh tế tại tổ chức Joseph Rowntree Foundation (JRF), Rachelle Earwaker, cho biết lạm phát kỷ lục 11% khi giá các mặt hàng thiết yếu phi mã, hóa đơn năng lượng tăng gần gấp đôi so với mùa Đông năm ngoái, tiền thuê nhà tăng cao trong khi mức an sinh xã hội cơ bản thấp khiến người tiêu dùng Anh phải "thắt lưng buộc bụng". Thống kê từ Hiệp hội Bảo vệ người tiêu dùng Anh cho thấy khoảng 85% người dân Anh đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm trong năm nay. Một khảo sát của JRF ước tính 20% trong tổng số 2,5 triệu gia đình thu nhập thấp không thể chi trả hóa đơn thực phẩm và nhiên liệu sưởi ấm trong mùa Đông.
Số liệu của ONS cũng cho thấy chi tiêu hộ gia đình giảm 1,1% trong quý III/2022, mức giảm đầu tiên kể từ khi Anh thực hiện phong tỏa phòng dịch COVID-19, trong khi tỷ lệ tiết kiệm ngoài lương hưu tăng 1,8% so với mức 1,3% của quý trước đó, cho thấy người dân Anh đang trở nên thận trọng hơn trước những rủi ro kinh tế gia tăng.
Thu nhập thực tế giảm, tiền lương không theo kịp lạm phát khiến ngân sách các gia đình bị thắt chặt gây nên làn sóng đình công lớn nhất tại Anh kể từ những năm 1980, bắt đầu từ mùa Hè đến tận cuối năm và dự kiến sẽ tiếp tục trong năm 2023 với khả năng diễn ra một cuộc tổng đình công. Số lượng các ngành tổ chức đình công cũng cao kỷ lục, từ nhân viên đường sắt, xe buýt, bưu điện, vệ sinh môi trường cho đến nhân viên y tế, lái xe cứu thương, y tá, giáo viên, công chức, nhà báo, luật sư, lính cứu hỏa, lực lượng biên phòng, khiến nhiều dịch vụ công bị gián đoạn, đồng thời gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng.
ONS ước tính 417.000 ngày làm việc đã bị mất do các cuộc đình công trong tháng 10 - cao nhất kể từ tháng 11/2011, trong khi con số này của trong giai đoạn từ tháng 6-10/2022 là hơn 1,1 triệu ngày công. Riêng tháng 12, số ngày công mất đi ước tính khoảng 1 triệu ngày.
Chưa dừng ở đó, nước Anh trải qua năm khó khăn khi Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) rơi vào khủng hoảng trầm trọng khi danh sách chờ khám chữa bệnh lên tới hơn 7 triệu người với các khoa phòng, giường bệnh chật kín, các trường hợp cấp cứu như đột quỵ phải mất nhiều giờ để gọi xe cứu thương và được thăm khám. Khủng hoảng nhân lực trong ngành y tế, hiện đang trống 46.000 vị trí điều dưỡng và 11.000 vị trí nhân viên y tế, khiến tình hình càng thêm tồi tệ.
Trong nội bộ đảng Bảo thủ, chính đảng cầm quyền đối mặt với sự chia rẽ sâu sắc, ảnh hưởng tới kết quả bầu cử tiếp theo, tạo đà cho Công đảng có nhiều cơ hội giành chiến thắng hơn trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Áp lực kêu gọi tổng tuyển cử trước thời hạn cũng đang ngày càng gia tăng. Các đảng đối lập như Công đảng, Dân chủ Tự do, Dân tộc Scotland đã tuyên bố cần tiến hành ngay cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn, do những yếu kém về kinh tế kéo dài mà đảng Bảo thủ đã gây ra cho nước Anh và ông Sunak không có được sự ủy thác thông qua bầu cử của cử tri cả nước.
Theo Giáo sư chính trị tại Đại học Strathclyde, Sir John Curtice, đảng Bảo thủ hoàn toàn đánh mất sự ủng hộ của người dân và Công đảng đã vươn lên trở thành lựa chọn hàng đầu của cử tri. Cố vấn chính trị Andrew Fisher cũng đồng tình rằng cử tri đang quay lưng với đảng Bảo thủ, dẫn chứng về chiến thắng lớn của Công đảng trong cuộc bầu cử bổ sung tại thành phố Chester ngày 1/12 khi tỷ lệ ủng hộ đảng Bảo thủ giảm tới 15%.
Năm 2022 đầy sóng gió đã khép lại với đảng Bảo thủ cầm quyền và nước Anh. Năm sau 2023 dự báo không ít khó khăn với những thách thức kinh tế nghiêm trọng, giá năng lượng, biến đổi khí hậu, chiến sự ở Ukraine, quan hệ với các nước đến khoa học công nghệ, thương mại, y tế… Các nhà phân tích chính trị cho rằng, trong vòng 2 năm, Thủ tướng Sunak cần có một kế hoạch khả thi để giải quyết những vấn đề cụ thể như cải thiện mức sống, tăng cơ hội việc làm, nâng cao chất lượng dịch vụ công để đưa đất nước ra khỏi "màn sương mù" khủng hoảng và mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân Anh, cũng chính là con đường duy nhất để thay đổi vận mệnh chính trị của đảng cầm quyền.