Thủ tướng Shinzo Abe tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 25/9. Ảnh: THX/TTXVN |
Xét về yếu tố thời gian, có thể nói quyết định của Thủ tướng Abe giải tán Hạ viện là động thái bất ngờ vì hai yếu tố, đó là khoảng thời gian từ lúc có thông tin về khả năng giải tán Hạ viện đến lúc ông Abe công bố quyết định chỉ được khoảng nửa tháng. Yếu tố thứ hai là cho tới đầu quý hai năm 2017, Thủ tướng Abe vẫn còn dự định thời điểm giải tán Hạ viện hiện nay là mùa Thu năm 2018, sớm hơn chỉ 1-2 tháng so với thời điểm kết thúc nhiệm kỳ theo kế hoạch là ngày 13/12/2018.
Tuy nhiên, sự chuyển hướng đột ngột của tình hình, đặc biệt là thất bại của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo hồi tháng Bảy vừa qua đã buộc Thủ tướng Abe phải cân nhắc lại chiến lược của mình.
Những cáo buộc cho rằng ông Abe đã thiên vị bạn thân trong việc mở rộng hoạt động của hai tổ hợp giáo dục Kake Gakuen và Moritmo Gakuen làm uy tín của thủ tướng suy giảm nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thất bại của LDP trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố Tokyo.
Bên cạnh đó, sự cố về những phát ngôn thiếu cẩn trọng của các thành viên trong nội các, như cựu Bộ trưởng phụ trách tái thiết thảm họa Masahiro Imamura và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Tomomi Inada, cũng đã khiến người dân Nhật Bản giảm lòng tin vào năng lực của chính phủ đương nhiệm.
Kết quả thăm dò dư luận của báo Yomiuri hồi tháng Bảy cho thấy tỷ lệ ủng hộ chính phủ giảm xuống mức thấp nhất kể từ khi ông Abe trở lại nắm quyền vào năm 2012, chỉ được 36%, trong khi tỷ lệ không tín nhiệm lại leo lên mức cao nhất, tới 52%.
Trước tình hình này, đầu tháng Tám, Thủ tướng Abe đã công bố quyết định cải tổ nội các. Chính quyền mới với sự trở lại của hàng loạt chính trị gia kỳ cựu, từng đảm nhận các chức vụ chủ chốt trong các chính phủ tiền nhiệm, cho thấy chủ ý của Thủ tướng Abe nhằm xây dựng một bộ máy ổn định để điều hành đất nước. Đây có thể coi là một quyết định sáng suốt của Thủ tướng khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy lòng tin của người dân dành cho chính phủ đang cải thiện.
Ngoài ra, căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên trong thời gian qua với vụ Bình Nhưỡng thử bom nhiệt hạch và các vụ phóng tên lửa đạn đạn bay quay lãnh thổ Nhật Bản đã làm nổi bật vai trò của Thủ tướng Abe, một nhà lãnh đạo có quan điểm cứng rắn trong việc đối phó với Triều Tiên.
Một bộ máy chính quyền mới với các chính trị gia dày dặn kinh nghiệm, an ninh của người dân Nhật Bản trở thành vấn đề bao trùm sau các động thái của Triều Tiên, đây được cho là những yếu tố giúp cải thiện uy tín chính phủ trong thời gian qua. Báo Yomiuri công bố kết quả điều tra đầu tháng 9 cho thấy uy tín của chính phủ đã tăng lên được mức 50% trong khi tỷ lệ không ủng hộ đã giảm xuống còn 39%.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abe vẫn còn phải đối mặt với khó khăn rất lớn. Đó là sự chỉ trích từ phe đối lập, dự kiến sẽ bùng nổ mạnh mẽ trong phiên họp bất thường của Quốc hội được triệu tập vào ngày 28/9 tới, tập trung xoáy vào hai vụ bê bối Kake Gakuen và Moritmo Gakuen.
Mặc dù cho đến thời điểm này, phe đối lập chưa có bằng chứng thuyết phục nào để chứng minh sự dính líu của Thủ tướng Abe, song các nỗ lực công kích và phản đối của phe đối lập tại Quốc hội là một lực cản lớn đối với hoạt động của chính phủ. Quyết định giải tán Hạ viện được dự đoán sẽ là sự xoay chuyển tình thế, chuyển trọng tâm chất vấn của phe đối lập tại phiên họp quốc hội ngày 29/8 từ hai vụ bê bối sang chủ đề bầu cử Hạ viện trước thời hạn.
Trong khi đó, mặc dù tập trung công kích Thủ tướng Abe song phe đối lập cũng đương đầu với thách thức, đó là sự chia rẽ trong nội bộ đảng Dân chủ (DP), đảng đối lập lớn nhất, và mâu thuẫn giữa các đảng trong liên minh các đảng đối lập. Việc một số thành viên DP rời đảng, lên kế hoạch lập đảng mới sau khi ông Seiji Maehara nhậm chức chủ tịch, và sự gắn kết lỏng lẻo của liên minh các đảng đối lập, trong đó có đảng Dân chủ, đảng Tự do và đảng Dân chủ Xã hội, đã làm lộ rõ thực trạng suy yếu của phe đối lập.
Một yếu tố nữa khiến Thủ tướng Abe quyết định bầu cử sớm ngay trong năm 2017 thay vì năm 2018 như dự định ban đầu là kinh tế. Năm 2018 là năm thực hiện các chính sách kinh tế và tài chính cốt lõi của Abenomics. Chính quyền đã nêu lên những thành tựu mà Abenomics gặt hái được, song phe đối lập vẫn tiếp tục công kích Abenomics là sự thất bại.
Cho đến thời điểm này, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ), cơ quan đã 6 lần kéo dài thời hạn đạt chỉ tiêu đưa lạm phát lên mức 2%, vẫn đang vật lộn trong cuộc chiến chống giảm phát. Nguy cơ nền kinh tế sẽ có những diễn biến khó lường trong năm 2018 cho thấy kể cả khi Thủ tướng Abe trúng cử Chủ tịch đảng cầm quyền nhiệm kỳ thứ ba liên tục để tiếp tục đảm nhiệm vị trí Thủ tướng chính phủ, ông vẫn sẽ đối mặt với những rủi ro khi phải giải quyết các thách thức đối với chính sách kinh tế Abenomics. Điều này có nghĩa cuộc bầu cử Hạ viện, nếu diễn ra vào mùa Thu năm 2018, sẽ là một cuộc đua khó khăn hơn đối với Thủ tướng Abe cũng như LDP.
Trong bối cảnh sự tín nhiệm của người dân dành cho chính phủ đang tăng lên, những rủi ro tiềm ẩn đối với tình hình kinh tế có thể khiến LDP đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong năm 2018 và phe đối lập chưa đủ sức mạnh để cạnh tranh quyền lực với đảng cầm quyền, đây được coi là một thời cơ tốt để Thủ tướng Abe quyết định xây dựng lại nền tảng chính trị tại Hạ viện nhằm hỗ trợ thuận lợi cho đảng cầm quyền điều hành đất nước.
Quyết định giải tán Hạ viện, tiến hành bầu cử sớm hơn một năm so với thời hạn là một nỗ lực nữa của Thủ tướng Shinzo Abe với mong muốn củng cố sự ổn định của chính phủ để thực hiện và hoàn thành các mục tiêu đối nội và đối ngoại mà ông đề ra kể từ khi trở lại nắm quyền.