Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Nga Vladimir Putin. |
Với chuyến thăm không chính thức tới Sochi, ngày 6/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên thuộc Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) tới Nga, phá vỡ thế "cô lập quốc tế" mà giới chức Phương Tây và Mỹ dựng lên quanh Moskva, kể từ sau sự kiện Crimea sáp nhập vào nước này hai năm trước. Hãng tin Bloomberg ngày 6/5 đã có bài bình luận về chuyến thăm này.
Các nguồn tin tại chỗ cho biết nội dung cuộc hội đàm song phương giữa vị khách đến từ xứ sở "Mặt trời mọc" - Thủ tướng Nhật Bản Abe - với Tổng thống nước chủ nhà Nga Vladimir Putin không có gì đặc biệt. Điều đáng nói ở đây chính là "ý nghĩa biểu tượng" của chuyến thăm.
Ông Abe đã quyết tâm thăm Nga, bất chấp sự cản trở của người đồng minh quan trọng Mỹ. Được biết hồi tháng 2, Tổng thống Barack Obama đã đề nghị ông Abe nên tránh các chuyến đi tới Nga, chí ít là tới sau Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến do Nhật Bản đăng cai cuối tháng 5 này. Tuy nhiên, ông Abe đã từ chối lời đề nghị này và kiên quyết thăm xứ bạch dương.
Hãng tin Bloomberg nêu rõ việc Thủ tướng Nhật Bản Abe, một đồng minh then chốt của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã bỏ qua lời kêu gọi của Tổng thống Obama từ bỏ chuyến thăm tới Nga, cho thấy chính ông Abe là người đã tạo ra một tiền lệ nguy hiểm cho Washington, trở thành nhà lãnh đạo G7 đầu tiên quyết định gặp gỡ với Tổng thống Nga Putin theo thể thức song phương. Và giờ đây, tiếp bước ông Abe, Thủ tướng Ý Matteo Renzi, cũng sẽ tới Nga, tham dự Diễn đàn đầu tư quốc tế thường niên, do Nga tổ chức hàng năm tại St Petersburg vào tháng 6 tới.
Bên cạnh các vấn đề về quan hệ song phương, trong khuôn khổ cuộc gặp ngày 6/5, hai nhà lãnh đạo Nga và Nhật Bản cũng cùng nhau tìm kiếm giải pháp hữu hiệu cho các vấn đề quốc tế, trước hết là cuộc khủng hoảng Syria. Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận và tìm kiếm giải pháp nhằm có thể giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tạo tiền đề tiến tới ký Hiệp ước hòa bình, - một văn bản vốn đã bị trì hoãn ký kết kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ II.
Thủ tướng Nhật Bản dự định đề xuất một kế hoạch hợp tác trong tám lĩnh vực để duy trì nền kinh tế Nga, bao gồm cả trong lĩnh vực năng lượng và công nghiệp phát triển tại vùng Viễn Đông, Nga. Phát triển Viễn Đông là một chủ đề Nga luôn canh cánh bên lòng, đặc biệt quan tâm và gần như tại diễn đàn quốc tế nào, Nga cũng đề cập tới.
Bình luận về chuyến thăm Nga này, chuyên gia Alexander Baunov thuộc Trung tâm Carnegie Moskva cho rằng: Nhật Bản không đủ khả năng cô lập Moskva, trong khi các nước láng giềng của Nhật Bản và các nước lớn trong khu vực như Trung Quốc và Hàn Quốc đều có quan hệ, thậm chí là mật thiết, với Nga.
Theo chuyên gia này, ông Abe không phải là quá ngây thơ để mong chờ một giải pháp giúp giải quyết nhanh chóng và dứt điểm vấn đề quần đảo Nam Kuril, mà Nhật Bản gọi là Vùng lãnh thổ phương Bắc, nhưng ông đã sẵn sàng tạo ra bước đột phá, khuyến khích các luồng tài chính đầu tư và tín dụng của Nhật Bản rót vào Liên bang Nga. Thực chất, ông Abe không muốn chậm chân hơn Trung Quốc trong việc chiếm lĩnh thị trường Nga, vốn đang gặp không ít khó khăn vì phải chịu "thảm họa kinh tế kép" từ lệnh cấm vận của phương Tây và giá dầu thế giới giảm sâu.
Dùng lời của chuyên gia Baunov, Bloomberg kết luận: "Nhật Bản là một đất nước không có bạn bè gần gũi trong khu vực, bởi vậy mối quan hệ tốt đẹp với Nga đóng vai trò đặc biệt quan trọng và Tokyo không thể mãi bỏ qua".