'Nút thắt' khó gỡ trong quan hệ Đức - Mỹ

Chuyến công du thứ hai của Thủ tướng Đức Angela Merkel tới Washington trong hơn một năm kể từ thời điểm ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ được đánh giá sẽ hết sức khó khăn.

Thủ tướng Đức Angela Merkel (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) trong cuộc gặp tại Hội nghị nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Hamburg, Đức ngày 7/7/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Nỗ lực khơi thông các bế tắc trong quan hệ giữa hai nước, đặc biệt trong vấn đề thương mại, là mục đích chuyến đi Washington lần này của bà Merkel, trong bối cảnh quan hệ giữa Đức và Mỹ đã trải qua không ít sóng gió suốt 1 năm trở lại đây.
         
Diễn ra ngay sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ, sự kiện Thủ tướng Đức tới Washington vô hình chung đang tạo ra sự so sánh giữa Đức và Pháp, hai đầu tàu của Liên minh châu Âu (EU), trong quan hệ với Mỹ. Mặc dù Thủ tướng Đức chỉ tới Mỹ trong một chuyến thăm làm việc, nghi thức đón tiếp của nước chủ nhà cũng khác biệt, song việc Tổng thống Mỹ có nhiều cử chỉ thân thiện với Tổng thống Pháp, điều không hiện diện trong hành xử với Thủ tướng Đức, dường như cũng cho thấy Washington tiếp tục giữ thái độ lạnh nhạt với Berlin trong khi có dấu hiệu nồng ấm hơn với Paris. Điều đó được thể hiện rõ nhất sau vụ tấn công tên lửa của Mỹ và các đồng minh vào Syria hôm 14/4 vừa qua: Đức tuyên bố không tham gia trong khi Pháp cử tàu chiến và máy bay phóng tên lửa hỗ trợ Mỹ.
         
Có thể thấy quan hệ Đức-Mỹ kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức đã bị rạn nứt đáng kể, thậm chí giới phân tích chính trị cho rằng trong những thời kỳ gần đây, chưa bao giờ quan hệ giữa hai đồng minh truyền thống này lại xấu đến như vậy. Bản thân bà Merkel và ông Trump cũng được ví như “nước với lửa” bởi hai người quá khác biệt về xuất thân, tính cách, phong cách lãnh đạo và quan điểm. Ngay từ cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên tại Washington vào tháng 3/2017, sự “gượng gạo” khi ông Trump có một hành động khác thường là từ chối đề nghị bắt tay của bà Merkel, cùng việc chuyến thăm của nhà lãnh đạo Đức đã bị hoãn lại vài ngày do những trận bão tuyết ở vùng Đông Bắc nước Mỹ, đã báo hiệu một giai đoạn u ám và đầy sóng gió trong quan hệ giữa hai bên.
         
Và cũng ngay sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã “chĩa mũi dùi” chỉ trích Đức về tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại giữa 2 nước. Ông Trump cho rằng kinh tế Đức đã được hưởng lợi lớn nhờ thặng dư thương mại với Mỹ, thẳng thừng tuyên bố Berlin đang thực hiện “thương mại không công bằng” khi xuất quá nhiều hàng hóa sang Mỹ.  Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Đức và với mức thâm hụt thương mại song phương năm 2016 lên đến 67,7 tỉ USD, dù đã giảm so với năm 2015, Đức được xem là quốc gia thứ hai "chịu trách nhiệm" về thâm hụt thương mại của Mỹ sau Trung Quốc. Ông chủ Nhà Trắng từng dọa sẽ áp thuế nhập khẩu tới 35% với ô tô, mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Đức sang thị trường Mỹ (từng đạt giá trị đạt 32,1 tỉ USD năm 2016).  Đi xa hơn, ông Trump còn cáo buộc Đức chi quá ít cho quốc phòng, không thực hiện trách nhiệm tài chính với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong khi Mỹ phải chi trả quá nhiều để cung cấp cho  Đức “sự bảo vệ mạnh mẽ và tốn kém”, hay tuyên bố EU chỉ là để  “câu lạc bộ phục vụ lợi ích của Đức”.
         
Về phía Đức, Thủ tướng Merkel cũng nhiều lần công khai chỉ trích mạnh mẽ quan điểm của Tổng thống Trump và chính quyền Washington trong nhiều vấn đề, từ lời đe dọa của ông Trump sẽ “phá hủy hoàn toàn” Triều Tiên, việc siết chặt các lệnh trừng phạt Nga, tới tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Bà cũng khẳng định Đức ủng hộ tự do thương mại toàn cầu và phản đối quan điểm của Tổng thống Trump coi thương mại toàn cầu là sàn đấu "kẻ thắng - người thua".
 
Mối bất hòa giữa Đức và Pháp càng trầm trọng khi thời gian gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có những bước đi quyết liệt thực thi chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, trong đó có việc áp đặt nhiều biện pháp bảo hộ gây lo ngại về một cuộc chiến tranh thương mại mà ở đó EU, Đức, Trung Quốc hay nhiều quốc gia khác đều trở thành đối thủ của Mỹ. Đặc biệt, sau khi Mỹ tuyên bố áp thuế suất 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu, Đức, nước xuất khẩu thép lớn nhất trong EU, là một trong những đối tác phản đối gay gắt nhất, coi quyết định của Mỹ là "hoàn toàn không thể chấp nhận được và là hành động xúc phạm các đồng minh", đồng thời kêu gọi EU phải có phản ứng "kiên quyết", gồm cả các biện pháp đánh thuế đáp trả hàng hóa Mỹ.

Bất đồng chồng chất đang trở thành "nút thắt" trong quan hệ giữa hai cường quốc, càng khiến nhiệm vụ của Thủ tướng Merkel trong chuyến công du tới Mỹ lần này thêm nặng nề, bởi nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đức sẽ phải thuyết phục Tổng thống Trump quay trở lại quỹ đạo của hệ thống tự do thương mại toàn cầu, ngừng áp đặt các biện pháp tăng thuế gây xáo trộn quan hệ thương mại, không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran lịch sử mà Đức cùng 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ đã phải rất khó khăn mới đạt được hồi năm 2015.

Chủ đề chi phối cuộc đàm phán giữa hai nhà lãnh đạo sẽ là quan hệ thương mại khi thời hạn Mỹ đưa ra để các bên đạt được thỏa thuận về thuế nhập khẩu thép và nhôm sắp tới gần. Trước đó, hồi cuối tháng 3, Tổng thống Trump đã quyết định  hoãn áp dụng mức thuế nhập khẩu thép và nhôm mới đối với một số đối tác thương mại chính, trong đó có các nước EU, tới ngày 1/5 để thương lượng tìm kiếm "các giải pháp thay thế mà các bên đều hài lòng“. Washington cũng để ngỏ khả năng có thể tiếp tục miễn đánh thuế thép và nhôm đối với các nền kinh tế đồng minh như EU sau ngày 1/5, nếu "họ đưa ra các nhượng bộ về thương mại". Thực tế, EU là một trong các nhà xuất khẩu thép hàng đầu đến Mỹ, với hơn 5,3 triệu tấn hồi năm ngoái. Nếu hai bên không đạt được thỏa thuận để miễn thuế, thương mại xuyên Đại Tây Dương sẽ bị thiệt hại tới 720 tỷ USD/năm.

Trong bối cảnh như vậy, là một nước phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, Đức chắc chắn sẽ chịu thiệt hại lớn nếu một cuộc chiến tranh thương mại nổ ra, do Mỹ là thị trường quan trọng hàng đầu của các sản phẩm "Made in Germany". Tránh một cuộc chiến thương mại với Mỹ sẽ là vấn đề ưu tiên trong cuộc hội đàm của bà Merkel tại Mỹ lần này.

Chiến lược của bà Merkel trong vấn đề thuế thương mại là tìm kiếm một giải pháp thông qua đàm phán với Washington. Berlin muốn Mỹ miễn trừ vĩnh viễn chứ không chỉ là tạm thời hoãn việc tăng thuế nhập khẩu thép và nhôm cho các nước EU. Tuy nhiên, khả năng này không dễ đạt được bởi ông Trump luôn tuyên bố các sản phẩm thép nhôm nhập khẩu "đe dọa an ninh quốc gia Mỹ".

Với vai trò đầu tàu EU, quan hệ của Đức với Mỹ có ý nghĩa quyết định trong việc định hình mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Thông báo của Nhà Trắng về chuyến thăm này nhấn mạnh Tổng thống Trump và Thủ tướng Merkel sẽ "tái khẳng định quan hệ đối tác, được xem là nền tảng của quan hệ xuyên Đại Tây Dương và NATO, khi hai nước cùng phối hợp giải quyết một loạt thách thức địa chính trị và kinh tế". Ngay trước chuyến thăm, Berlin đã phát đi những tín hiệu bày tỏ thiện chí với Mỹ, như tỏ ý sẵn sàng hợp tác với Washington để đối phó với việc Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép và được trợ giá, kêu gọi giảm bớt thuế quan của EU đối với các mặt hàng công nghiệp xuất khẩu từ Mỹ, trong đó có ô tô và máy móc... Có thể thấy Thủ tướng Đức đang nỗ lực để khơi thông dòng chảy tự do thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương thông qua việc  tìm kiếm thỏa hiệp với Mỹ về một chiến lược “chia sẻ và cùng thắng“. Tuy nhiên, cơ hội cởi bỏ những "nút thắt“ trong quan hệ hai nước vẫn rất mong manh bởi những bất đồng quá lớn giữa hai bên.

Phạm Văn Thắng (Phóng viên TTXVN tại CHLB Đức)
Mỹ - Đức đàm phán về hiệp định bí mật về tình báo
Mỹ - Đức đàm phán về hiệp định bí mật về tình báo

Mỹ và Đức hiện đang đàm phán về một hiệp định bí mật quy định các hoạt động của các cơ quan tình báo và phản gián của hai nước nhằm tránh lặp lại các vụ bê bối tương tự trong tương lai.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN