Ông Barack Obama nổi lên là nhân vật trung tâm của cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020

Barack Obama vẫn là nhân vật có uy tín nhất của đảng Dân chủ, đặc biệt là đối với các cử tri da đen và cử tri trẻ.

Chú thích ảnh
Ông Barack Obama (trái), lúc đương nhiệm Tổng thống Mỹ và ông Joe Biden khi còn là Phó Tổng thống, tại một sự kiện ở Washington DC., ngày 13/12/2016. Ảnh: AFP/TTXVN

Những người ủng hộ đảng Dân chủ đang háo hức mong đợi Obama trở thành người cứu cánh cho Joe Biden, nhân vật từng có hai nhiệm kỳ làm cấp phó cho ông. Cựu tổng thống Mỹ vẫn là nhân vật có uy tín nhất của đảng, đặc biệt là với số cử tri da đen và cử tri trẻ. Những nhà vận hành chiến dịch tranh cử của ông Biden đang lên kế hoạch đẩy ông Obama đảm nhận vai trò nổi bật hơn trong những tháng tới. 

Với Tổng thống đương nhiệm Donald Trump, điều đó đồng nghĩa một cơ hội để tập trung mũi dùi công kích nhằm vào một đối thủ chính trị ông yêu thích. Trong những ngày gần đây, ông Trump và đồng minh ồ ạt thúc đẩy nhiều thuyết âm ưu nhằm vào Obama, quy kết ông Biden là người có liên quan và tìm cách né tránh thông tin về tình hình y tế, kinh tế ảm đảm do đại dịch COVID-19. 

Việc tái lập mũi tấn công chính trị nhằm vào ông Obama tạo ra sân khấu mới cho cuộc bầu cử vì tương lai của nước Mỹ, nhưng sẽ có liên quan đến quá khứ. Trong khi hướng đến ông Obama để có được uy tín cá nhân, ông Biden cũng đang chạy đua tìm cách khôi phục lại một số di sản của cựu tổng thống Mỹ, vốn đã bị ông Trump vùi dập một cách có  hệ thống. Còn tổng thống đương nhiệm cũng lại đang ráo riết để kết thúc công việc đó. 

Đòn chống Barack Obama của ông Trump cũng thường xuyên mang giọng điệu âm mưu hơn, vượt khỏi phạm vi chính sách y tế và vai trò của Mỹ trên thế giới. Ông hiện dồn nỗ lực vào hành động của cặp đôi Obama-Biden cùng các cố vấn an ninh quốc gia trong những ngày tháng cuối nhiệm kỳ.

Đó là việc ông Trump và đồng minh đang rà soát báo cáo tình báo có liên quan đến Michael Flynn. Ông Flynn từng có quãng thời gian ngắn ngủi làm cố vấn an ninh quốc gia cho ông Trump, trước khi bị sa thải vì đã lừa dối Phó Tổng thống Mike Pence về tiếp xúc giữa ông với Đại sứ Nga tại Mỹ. 

Hôm 13/5, chính quyền Donald Trump thừa nhận các cố vấn của Obama đã theo đuổi một quy trình bí mật nhằm “lật mặt” và chỉ tên đích danh ông Flynn, người không được nêu tên trong các báo cáo tình báo vì các lý do liên quan đến quyền riêng tư. Flynn cuối cùng cũng nhận tội nói dối Cục Điều tra Liên bang (FBI), dù Bộ Tư pháp Mỹ hồi tuần trước đã hủy cáo buộc nhằm vào ông. 

Mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy sai phạm của ông Obama, Biden hay các quan chức dưới quyền, ông Trump vẫn hăm hở thúc đẩy khái niệm phạm tội và đặt tên là “Obamagate”. Tổng thống Mỹ nhận được sự ủng hộ của các đồng minh Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Chuck Grassley - người hôm 12/5 đứng trước bục Thượng viện và đưa ra câu hỏi: “Ông Obama và Biden biết gì và họ biết khi nào”?

Sự hào hứng của ông Trump đã gây ra những lo ngại đối với một số cựu cố vấn của ông Obama và Biden. Số này e sợ chưa biết ông Trump sẵn sàng đi tới đâu trong việc đẩy các cơ quan chính quyền mở cuộc điều tra nhằm vào họ trong năm bầu cử 2020. Bộ Tư pháp Mỹ đang điều tra về nguồn gốc cáo buộc nhằm vào Nga vốn là nguyên nhân dẫn đến sự ra đi của tướng Fluynn và nhiều số cộng sự khác của ông Trump.

Đến ngày 14/5, ông Trump viết trên tài khoản twitter cá nhân rằng cá nhân ông muốn Quốc hội yêu cầu ông Obama ra điều trần trước các nghị sĩ. 

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Des Moines, Iowa, Mỹ, ngày 30/1/2020.
Ảnh: AFP/ TTXVN

Việc Tổng thống Trump nối lại công kích nhằm vào người tiền nhiệm diễn ra trong bối cảng đảng Cộng hòa ngày một lo ngại số ca tử vong vì COVID-19 tăng nhanh cùng với nền kinh tế lao dốc sẽ hủy hoại triển vọng tái đắc cử của ông Trump tại cuộc đua diễn ra vào tháng 11 tới. Đã có hơn 84.000 người Mỹ thiệt mạng trong đại dịch, hơn 30 triệu người thất nghiệp. 

Chiến dịch tranh cử của ông Biden khai thác mối liên hệ trực tiếp giữa đòn cáo buộc của Donald Trump nhằm vào ông Obama và hai cuộc khủng hoảng kép đang bủa vây chính quyền Mỹ. Theo người phát ngôn chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ TJ Ducklo, không có gì bất ngờ khi ông Trump tấn công mạnh mẽ ông Obama, khao khát làm lệch hướng dư luận về thất bại trong đối phó đại dịch mà ông Trump là tổng chỉ huy. 

Đòn đánh của ông Trump tập trung vào người tiền nhiệm cũng diễn ra trong bối cảnh tên tuổi của cựu tổng thống Mỹ bắt đầu nổi lên, khi ông chuẩn bị đảm nhận vai trò hậu thuẫn hàng đầu cho Joe Biden sau giai đoạn 3 năm kìm hãm chính trị.

Tuần trước, phát biểu tại một cuộc điện đàm với Hội cựu quan chức từng làm việc dưới quyền, ông Obama cho rằng quyết định của Bộ Tư pháp Mỹ về bỏ cáo buộc đối với ông Flynn làm cho “nền pháp trị gặp nguy hiểm”. Ông cũng chỉ  trích Nhà Trắng yếu kém trong đối phó với đại dịch, khẳng định “sẽ dành nhiều thời gian nhất có thể để vận động cho Joe Biden”.

Số phụ trách chiến dịch tranh cử của Joe Biden rất mong chờ Obama can dự vào cuộc bầu cử, dù vai trò chính xác của ông vẫn chưa được định hình rõ ràng, trong bối cảnh đại dịch làm thay đổi kế hoạch tranh cử, do không thể thực hiện được các cuộc biểu dương lực lượng, tiếp xúc trực tiếp với cử tri tại các bang chiến địa. 

Có vận động cho các ứng cử viên Dân chủ trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 2018, nhưng ông Obama đa phần tìm cách né tránh các vấn đề chính trị kể từ khi rời khỏi Nhà Trắng. Ông hiếm khi đưa ra chỉ trích công khai nhằm vào tổng thống đương nhiệm, khiến nhiều người Dân chủ tức giận, vì họ muốn Obama quyết liệt hơn trong việc kể tội người kế nhiệm. 

Nhưng kỳ bầu cử 2020 đang cận kề và đó cũng là lúc Obama sẽ không đứng ngoài. Ông từng nói với những cố vấn của mình rằng bản thân háo hức làm việc đó. Số phụ tá của ông cho biết, dù tỏ ra trung lập trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ, cựu tổng thống Mỹ vẫn thường xuyên trao đổi với Joe Biden và ông sẽ tiếp tục làm vậy khi chiến dịch tranh cử bước sang tổng tuyển cử. 

Những người vận hành chiến dịch tranh cử của ông Biden coi Barack Obama là "một tài sản rõ nét", tại thời điểm họ không chỉ nỗ lực khuấy động cử tri Dân chủ, mà còn tìm cách lôi kéo số cử tri độc lập và cử tri Cộng hòa theo đường hướng ôn hòa – số có thể lo sợ 4 năm cầm quyền nữa của ông Trump tại Nhà Trắng. 

Kết quả thăm dò dư luận mới đây do Đại học Monmouth tiến hành cho thấy 57% người Mỹ có quan điểm ủng hộ Obama, trong đó có 92% cử tri Dân chủ và 19% cử tri Cộng hòa. Tỉ lệ ủng hộ đối với ông đều cao hơn hai người sẽ chạy đua trong tháng 11: Ông Biden đạt mức 41% trong khi ông Trump đạt 40%. 

Hoài Thanh/Báo Tin tức
Về vụ 'Obamagate’ liên quan tới Tổng thống Trump
Về vụ 'Obamagate’ liên quan tới Tổng thống Trump

Gần đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hai lần dùng từ “Obamagate” để nói về người tiền nhiệm. Vậy căn nguyên của cụm từ này là gì ?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN