Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin và người đồng cấp Thụy Điển Magdalena Andersson đã có cuộc gặp quan trọng ở Stockholm để thảo luận về các vấn đề an ninh khu vực trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine đã thúc đẩy cả hai nước đánh giá lại quan điểm trung lập truyền thống kéo dài suốt Chiến tranh Lạnh.
Tại cuộc họp báo chung sau đó, nữ Thủ tướng Marin cho biết bà không thể đưa ra thời gian biểu cho quyết định về việc Phần Lan có gia nhập NATO hay không nhưng dù sao thời gian để đi tới một quyết định như vậy là trong vòng vài tuần chứ không phải vài tháng. Trong khi đó, Thủ tướng Andersson cho biết Thụy Điển sẽ không vội vàng đưa ra quyết định, nhưng việc đánh giá tình hình an ninh của nước này sẽ được tiến hành kỹ lưỡng.
Trước đó, tờ Svenska Dagbladet đưa tin Thủ tướng Andersson cho hay Thuỵ Điển có thể sẽ tìm cách tham gia NATO vào tháng 6.
Về phần mình, nữ Thủ tướng Marin thông báo Quốc hội Phần Lan sẽ nghe ý kiến từ một loạt các chuyên gia an ninh trong những tuần tới khi nước này đi đến một quyết định "trước giữa mùa hè". Các nhà phân tích và chuyên gia an ninh tin rằng một lá đơn xin gia nhập NATO có thể được đưa ra vào khoảng tháng 6.
Quy trình như thế nào nếu Phần Lan và Thuỵ Điển muốn gia nhập NATO?
Toàn bộ 30 thành viên của NATO sẽ cần phê chuẩn tư cách thành viên của ứng viên mới trong một quy trình có thể mất từ vài tháng đến một năm. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết cánh cửa trở thành thành viên liên minh quân sự này vẫn còn rộng mở.
Trong khi nhiều nhà phân tích mong đợi một lá đơn xin gia nhập chung từ hai nước, các nhà lãnh đạo của cả hai nước nhấn mạnh rằng Phần Lan và Thụy Điển có thể sẽ đưa ra kết luận riêng biệt về việc có tham gia NATO hay không.
Tại Thụy Điển, chiến sự tại Ukraine đang gây ra tâm lý lo lắng, trong khi giới chính trị gia đối mặt với những e ngại về tình trạng phi liên kết quân sự của nước này.
Nga đã nhiều lần tuyên bố việc NATO mở rộng đe doạ an ninh quốc gia của nước này.
Cuộc tranh luận ở Phần Lan
Ngày 13/4, một báo cáo do chính phủ Phần Lan ủy quyền, đánh giá về môi trường an ninh "đã thay đổi cơ bản" ở châu Âu sau cuộc chiến tại Ukraine, được công bố. Theo Bộ Ngoại giao Phần Lan, báo cáo sau đó sẽ được đệ trình lên quốc hội với một phiên tranh luận mở màn dự kiến diễn ra vào 20/4.
Trong “Sách trắng”, Bộ Quốc phòng Phần Lan đánh giá rằng: “Nếu Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên NATO, ngưỡng sử dụng vũ lực quân sự ở khu vực Biển Baltic sẽ tăng lên, điều này sẽ tăng cường sự ổn định của khu vực trong dài hạn. "
Phần Lan có chung đường biên giới dài 1.340 km với Nga. Năm 1917, Helsinki tuyên bố độc lập khỏi Nga. Phần Lan cũng tham gia Chiến tranh Mùa đông năm 1939 với Liên Xô. Họ mất khoảng 10% lãnh thổ nhưng duy trì được quyền kiểm soát thủ đô và nhà nước của mình.
Trong Chiến tranh Lạnh, Phần Lan chính thức theo quy chế trung lập để ngăn ngừa xung đột với Nga. Helsinki gọi quan điểm của mình là "trung lập tích cực”.
Quyết định đưa quân vào Ukraine của Nga đã khiến tỉ lệ công chúng ủng hộ Phần Lan chính thức gia nhập NATO tăng vọt từ 20-30% lên mức trên 50% hiện nay.
Cuộc tranh luận ở Thụy Điển
Thụy Điển không có chung đường biên giới với Nga, nhưng hòn đảo chiến lược Gottland ở Biển Baltic có thể khiến nước này dễ bị tổn thương nếu xung đột nổ ra trong khu vực.
Ông Robert Dalsjo, Giám đốc nghiên cứu tại Cơ quan Nghiên cứu Quốc phòng Thụy Điển, cho biết người Thụy Điển đã nhận ra "rằng họ có thể thấy mình ở cùng vị trí với Ukraine: có rất nhiều cảm thông nhưng không thể giúp đỡ về mặt quân sự".
Trong tuần này, các đảng viên Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền của Thụy Điển đã thay đổi quan điểm về sự phản đối lâu nay của họ trong vấn đề gia nhập NATO.
Hiện tại Phần Lan và Thuỵ Điển đang đứng ở đâu?
Phần Lan đã hợp tác chặt chẽ với các lực lượng Mỹ và NATO, mặc dù không được bảo vệ theo Điều 5 về phòng thủ chung của khối.
Nhật báo Helsingen Sanomat đã thăm dò ý kiến các nhà lập pháp của đất nước và thấy rằng một nửa trong số 200 thành viên quốc hội tán thành, chỉ có 12 người kiên quyết phản đối. Những nghị sĩ khác cho biết họ sẽ thông báo sau về quan điểm của mình sau khi thảo luận chi tiết.
Về phía Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết nếu Phần Lan gia nhập NATO, Nga sẽ tìm cách "tái cân bằng tình thế". Peskov nói với Sky News: “Chúng tôi sẽ phải làm cho sườn phía Tây của mình trở nên phức tạp hơn để đảm bảo an ninh”.