Ukraine đã khởi kiện tại ICJ để phản đối một trong những lý do Tổng thống Vladimir Putin mở chiến dịch quân sự đặc biệt là "ngăn chặn tội ác diệt chủng" ở Donbass. Ông Putin giải thích "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga, bắt đầu từ ngày 24/2, là nhằm bảo vệ các khu vực ly khai ở miền đông Ukraine khỏi các phần tử phát xít tại Ukraine.
Tòa án của Liên hợp quốc đã bỏ phiếu với tỉ lệ 13/2 (13 ủng hộ và 2 phiếu chống). 13 thẩm phán ủng hộ yêu cầu Nga ngừng các hoạt động quân sự ở Ukraine. Hai phiếu chống đến từ thẩm phán Nga và thẩm phán Trung Quốc.
Đáp lại, Điện Kremlin đã bác bỏ phán quyết này vì cho rằng ICJ không có thẩm quyền. Dưới đây là những phân tích của chuyên gia Rowan Nicholson, giảng viên luật tại Đại học Flinders (Australia), trên trang The Conversation, qua đó làm rõ hơn về phán quyết của ICJ và những gì xảy ra tiếp theo.
Lập luận pháp lý của Nga về cuộc chiến tại Ukraine
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đưa ra một số lý do cho việc tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine, trong đó hai lý do về pháp lý.
Đầu tiên, ông khẳng định Nga đang hành động để tự vệ, phù hợp với luật pháp quốc tế. Ở đây, Tổng thống Putin cho rằng Moskva đang bảo vệ hai khu vực Donetsk và Luhansk ở miền đông Ukraine có nhiều người Nga sinh sống mà Moskva đã công nhận là các quốc gia có chủ quyền.
Thứ hai, Tổng thống Putin tuyên bố Ukraine đang phạm tội diệt chủng đối với người dân tộc Nga (trong đó "diệt chủng" có nghĩa là một số hành động được thực hiện với "ý định tiêu diệt" một nhóm dân tộc hoặc một nhóm dân số nào đó).
Trước hai lập luận nói trên, vì sao Ukraine đã tập trung vào lập luận thứ hai để đưa vụ việc ra trước ICJ. Để hiểu điều này, chúng ta cần hiểu rõ thẩm quyền của ICJ: đó là quyền quyết định một số vấn đề pháp lý chứ không phải những vấn đề khác.
Thẩm quyền của ICJ
ICJ chỉ xét xử các tranh chấp giữa các quốc gia có chủ quyền (khác với Tòa án Hình sự Quốc tế, nơi xét xử các cá nhân phạm những tội như tội ác chiến tranh).
ICJ không tự động có quyền tài phán đối với mọi quốc gia và mọi vấn đề. Không có thể chế toàn cầu nào có thể trao cho cơ quan này quyền lực đó. Giống như nhiều khía cạnh khác của luật quốc tế, quyền tài phán của ICJ phụ thuộc vào việc các quốc gia thể hiện sự đồng ý - trực tiếp hoặc gián tiếp.
Một số quốc gia thể hiện sự đồng ý bằng cách đưa ra các tuyên bố chung. Các quốc gia khác đã đồng ý với các hiệp ước cụ thể cho phép ICJ quyền quyết định các tranh chấp liên quan cụ thể đến các hiệp ước đó.
Vì Nga không đưa ra một tuyên bố chung nên trên thực tế Ukraine không thể yêu cầu ICJ đưa ra phán quyết về lập luận "tự vệ" của Nga. Trong khi đó, Nga là một bên của hiệp ước liên quan, Công ước Diệt chủng, do đó Ukraine đã sử dụng lập luận về "diệt chủng" để kéo ICJ tham gia xét xử vụ việc.
Ý định của Ukraine là đưa vụ việc vào phạm vi quyền tài phán của ICJ bằng cách lập luận rằng Nga đang đưa ra cáo buộc sai lầm về tội diệt chủng để lý giải nguyên nhân mở chiến dịch quân sự của mình.
Phán quyết của ICJ
Đại diện Nga đã không đến phòng xử án ở The Hague (Hà Lan) trong phiên điều trần đầu tiên vào đầu tháng 3 (mặc dù phía Nga đã viết cho ICJ một bức thư nêu rõ quan điểm của mình).
Trong số 15 thẩm phán của ICJ, 13 người đồng ý yêu cầu Nga "ngừng ngay lập tức" các hoạt động quân sự ở Ukraine. Có hai người phản đối là các thẩm phán quốc tịch Nga và Trung Quốc.
Đây được gọi là phán quyết "các biện pháp tạm thời" - một phán quyết khẩn cấp được đưa ra trước khi tòa án xét xử toàn bộ vụ án.
Các biện pháp tạm thời có giá trị ràng buộc. Đó là điều quan trọng. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi Nga khẳng định chiến dịch này hợp pháp, thì dù sao nước này cũng đang vi phạm luật pháp quốc tế do không tuân thủ mệnh lệnh của ICJ.
Tuy nhiên, một phán quyết ràng buộc không giống như một phán quyết bắt buộc. Không có thể chế toàn cầu nào trao thêm quyền lực cho ICJ và cũng không có lực lượng cảnh sát toàn cầu để thực thi lệnh của toà án này.
Ví dụ, vào năm 1999, ICJ đã yêu cầu Mỹ hoãn xử tử hình một người đàn ông Đức. Mặc dù tòa án xác nhận một biện pháp tạm thời như vậy mang tính ràng buộc, nhưng biện pháp này thực sự không thể ngăn chặn việc thi hành án.
Tuy vậy, các quyết định của ICJ có thể đóng một vai trò khác. Chúng định hình khuôn khổ cho các quốc gia tuân thủ luật pháp và bên trong Liên hợp quốc. Phán quyết này có thể giúp khuyến khích các quốc gia khác, bao gồm cả một số quốc gia vẫn đang do dự, tham gia vào các hành động cô lập nền kinh tế Nga và hỗ trợ cho Ukraine.
Chuyện gì xảy ra tiếp theo?
Tất cả những gì ICJ đã làm cho đến nay là đưa phán quyết "các biện pháp tạm thời". Toà án thậm chí còn không kết luận rằng họ có thẩm quyền trong vụ việc hay không. Có thể sẽ mất một thời gian dài để ICJ có phán quyết cuối cùng về toàn bộ vụ kiện.
Tuy nhiên, phán quyết trên đã ám chỉ rằng ICJ có thể tiếp nhận các lập luận của Ukraine. Tòa án đã lưu ý rằng họ "không có bằng chứng" hỗ trợ cáo buộc của Nga rằng Ukraine đã thực hiện hành vi diệt chủng.
Một điểm mạnh khác trong vụ kiện của Ukraine là trong bất kỳ trường hợp nào, không có quy tắc nào trong luật pháp quốc tế tự động trao cho một quốc gia quyền đưa quân một quốc gia khác để ngăn chặn tội ác diệt chủng.