Cách đây 200 năm, đội quân bách chiến bách thắng của Napoleon từng phải "ôm đầu máu” tháo chạy khỏi nước Nga. Tuy nhiên, năm 2012 cũng đánh dấu kỷ niệm 70 năm thành lập phi đoàn Normandie - Niemen của Pháp từng sát cánh chiến đấu cùng lực lượng Xôviết chống Đức quốc xã.
Tàu Mistral mà Pháp sẽ đóng cho hải quân Nga. |
Theo tạp chí “Mariane” (Pháp) số ra ngày 31/10/2012, trong lịch sử, Pháp và Nga có lúc là kẻ thù, song cũng có lúc là đồng minh. Trên thực tế, ngoài cuộc chiến tranh xâm lược của Napoleon, trong cuộc Chiến tranh Crimea hay cuộc Chiến tranh Lạnh, hai nước từng là đồng minh, thể hiện qua Liên minh Pháp - Nga (năm 1892 - 1917) và trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ II (năm 1941 - 1945). Còn hiện tại, quan hệ giữa hai nước đang ở thái cực nào?
Đã thành thông lệ, bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng hai nước hàng năm đều tham dự cuộc họp của Hội đồng Hợp tác An ninh (CCQS). Năm nay cũng vậy, tại kỳ họp thứ 11 của CCQS tổ chức ngày 31/10 ở thủ đô Pari của Pháp, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serdyukov đã cùng những người đồng cấp Pháp Laurent Fabius và Jean - Yves Le Drian thảo luận về một loạt vấn đề chiến lược. Trong các chủ đề được thảo luận, hai nước chỉ có quan điểm khác biệt thực sự trong vấn đề Xyri: Pari muốn chế độ của Tổng thống Bashar al - Assad sụp đổ, trong khi về mặt nguyên tắc, Mátxcơva phản đối mọi hình thức can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.
Trong các vấn đề còn lại, quan hệ giữa hai nước được đánh giá là tốt đẹp. Tuy vậy, đối với cả Nga lẫn Pháp, quan hệ đối tác giữa họ không có tầm quan trọng hàng đầu. Giống như Mỹ, trọng tâm chính sách đối ngoại của Nga đang dịch chuyển về khu vực Thái Bình Dương, trong đó đặc biệt là các nước láng giềng Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Theo quan điểm của Nga, chỉ có Đức mới thực sự quan trọng trong số các nước châu Âu. Trong chuyến thăm Pháp hồi tháng 6 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhắc nhở người đồng cấp Pháp rằng "quan hệ thương mại (của Nga) với Pháp chỉ đạt 28 tỷ USD, trong khi với Đức là 72 tỷ USD. Các bạn có thể thấy rõ sự khác biệt ở đây". Điều này có nghĩa là đối với Mátxcơva, Béclin quan trọng gấp 2,5 lần so với Pari.
Cuộc họp ngày 31/10 của Hội đồng Hợp tác An ninh Pháp - Nga diễn ra trong bối cảnh hai nước đang đi theo hai hướng hoàn toàn khác nhau trong lĩnh vực quân sự: Pháp cắt giảm ngân sách quân sự, trong khi Nga đang đầu tư mạnh cho tái vũ trang. Mới đây, Tổng thống Pháp François Hollande đã khởi động việc soạn thảo Sách Trắng quốc phòng, dẫn đến sự ra đời một điều luật về lập kế hoạch quân sự vào nửa đầu năm 2013. Theo điều luật này, Pháp sẽ giảm các tham vọng quân sự. Theo Tham mưu trưởng quân đội Pháp, Đô đốc Guillaud, ngân sách quốc phòng của Pháp tương đương 2% GDP vào năm 1997, trước khi được giữ ổn định ở mức 1,6 - 1,7% trong suốt một thập kỷ sau đó. Nhưng hiện tại, ngân sách quốc phòng chỉ còn chiếm 1,55% GDP vào năm 2012 và xấp xỉ 1,3% vào năm 2015.
Trong cùng thời gian đó, giống như xu hướng chung trên toàn thế giới - ngoại trừ các nước châu Âu và Mỹ - Nga đang tiến hành tái vũ trang. Theo Bộ Tài chính Nga, năm 2013, chi tiêu cho quốc phòng của Nga sẽ tăng 25%, bằng 3,2% GDP của nước này. Vào năm 2015, tỷ lệ này sẽ là 3,7% với tổng kinh phí lớn gấp ba lần của Pháp. Theo chuyên gia Thomas Gomart của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), Nga gia tăng chi phí quốc phòng vì theo tầm nhìn chiến lược của nước này, xu hướng sử dụng sức mạnh đang đánh dấu sự trở lại trong các quan hệ quốc tế.
Sự lựa chọn chiến lược này của Nga có thể mang lại không ít lợi ích cho Pháp, cụ thể là ngành công nghiệp vũ khí của nước này. Trong khi nhà nước Pháp sẽ giảm các đơn đặt hàng, các công ty trong lĩnh vực này sẽ phải nỗ lực tìm kiếm các thị trường xuất khẩu. Liệu Nga, nước đang muốn hiện đại hóa kho vũ khí của mình với tốc độ nhanh hơn so với thực lực của ngành công nghiệp vũ khí trong nước, có thể là một thị trường tiêu thụ vũ khí lớn của Pháp? Một số người muốn tin vào điều này, nhất là sau "hiệu ứng Mistral" - tên của bốn tàu chở máy bay trực thăng mà Pháp sẽ đóng cho Nga.
Tháng 10/2012, hãng Renault Trucks Defense của Pháp đã giới thiệu mẫu xe bọc thép hạng nhẹ mới Sherpa tại cuộc triển lãm quốc phòng Interpolitex tổ chức tại Mátxcơva. Hiện nay, quân đội Nga đang tỏ ra quan tâm tới mẫu xe bọc thép chiến đấu dùng cho bộ binh VBCI của hãng Nexter cũng như Félin, hệ thống trang thiết bị dùng cho bộ binh Pháp trong tương lai.
Theo các chuyên gia, quân đội Nga, tuy đang được hiện đại hóa mạnh mẽ, vẫn còn kém xa các nước phương Tây. Ông Thomas Gomart nói: "Người Nga đã nhận thức được sự tụt hậu của mình. Khi nhìn thấy Pháp và Anh tham gia cuộc chiến tại Libi, Nga nhận ra rằng mình không thể làm được như vậy", tức là một chiến dịch quân sự và ngoại giao với chi phí cực thấp (một vài trăm triệu euro và không một người lính nào của NATO bị thiệt mạng) song chỉ sau một vài tháng đã dẫn tới sự sụp đổ của một chế độ. Điều này ngược lại hoàn toàn với Nga trong cuộc chiến với Grudia năm 2008.
Hữu Chiến