Phe Dân chủ tìm cách vận dụng Tu chính án 14 để ngăn ông Donald Trump tái tranh cử

Các đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đang chú ý đến một cơ chế hiến pháp ít được biết đến để ngăn cựu Tổng thống Donald Trump tái tranh cử vào năm 2024.

Chú thích ảnh
 Tổng thống Donald Trump khi rời Nhà Trắng, kết thúc nhiệm kỳ vào đầu năm 2021. Ảnh: Getty Images

Một điều khoản Hiến pháp thời hậu Nội chiến Mỹ cấm bất kỳ ai tham gia "nổi dậy hoặc nổi loạn" chống lại nước Mỹ được ứng cử vào một chức vụ cơ quan công quyền. Và lúc này, các đảng viên Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đang chú ý đến cơ chế hiến pháp ít được biết đến này để ngăn ông Trump tái tranh cử, với lý do ông chịu trách nhiệm về vụ bạo loạn ở Điện Capitol ngày 6/1/2021 và những cuộc tấn công tiếp theo nhằm vào nền dân chủ Mỹ. 

Theo tờ The Hill, ít nhất 10 nhà lập pháp đảng Dân chủ đã âm thầm lên tiếng, cả công khai lẫn riêng tư, về việc liệu có thể sử dụng Mục 3 của Tu chính án thứ 14 để khiến ông Trump vĩnh viễn không thể tìm kiếm các chức vụ công trong tương lai. Nỗ lực này cũng đồng nghĩa nhằm vào bất kỳ người nào khác đã tham gia vào việc lập kế hoạch hoặc thực hiện cuộc tấn công vào Điện Capitol vào ngày 6/1.

Điều khoản thời kỳ hậu Nội chiến nói trên cấm bất kỳ ai tham gia vào "cuộc nổi dậy hoặc nổi loạn" chống lại nước Mỹ được ứng cử vào các vị trí công cộng, trong đó có các vị trí nghị sĩ liên bang, Tổng thống, Phó Tổng thống, thành viên nghị viện tiểu bang, các quan chức hành pháp, tư pháp cấp liên bang và tiểu bang.

Cơ sở luật pháp này đã từng được đề cập trong những ngày sau cuộc bạo động ở Điện Capitol, nhưng nhanh chóng bị bỏ qua khi ông Trump cuối cùng chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/20202 và bác bỏ vai trò trong vụ bạo loạn ngày 6/1.

Nhưng lúc này, một năm sau vụ bạo loạn, khi những tuyên bố của ông Trump về một cuộc bầu cử “bị đánh cắp” vẫn đang gây chú ý, có vẻ như ý tưởng nói trên lại một lần nữa được thảo luận trên Đồi Capitol.

Chú thích ảnh
Nghị sĩ đảng Dân chủ Liz Cheney (giữa), Nghị sĩ Jamie Raskin (phải) và Bennie Thompson trao đổi tại cuộc họp của Uỷ ban Điều tra vụ bạo loạn 6/1. Ảnh: Getty Images

Laurence Tribe, một chuyên gia về hiến pháp tại Trường Luật Harvard, cho biết: “Tôi được biết ý tưởng này đã được đưa ra với tần suất đáng kể trong những ngày này bởi cả các nhà bình luận trên phương tiện truyền thông, các thành viên Quốc hội và các nhân viên của họ, một số người trong số họ đã tìm kiếm tư vấn của tôi về cách thực hiện Mục 3."

Ông Tribe chia sẻ với The Hill tên của một số nhà lập pháp đã liên hệ với ông trong những tuần gần đây để được tư vấn nhằm tìm ra chính xác cách thức sử dụng một chiến thuật gây tranh cãi như vậy. Trong số những cái tên có Hạ nghị sĩ Jamie Raskin - một thành viên của ủy ban điều tra vụ 6/1 thuộc Hạ viện; Hạ nghị sĩ Jerry Nadler - Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện; và Hạ nghị sĩ Debbie Wasserman Schultz.

Nghị sĩ Schultz nói: "Tôi tiếp tục khám phá tất cả các con đường hợp pháp để đảm bảo rằng những người tìm cách lật đổ nền dân chủ của chúng ta không phải chịu trách nhiệm về nó”.

Trước đó, vào tháng 2/2021 Hạ nghị sĩ Raskin từng trả lời phỏng vấn bày tỏ sự ủng hộ đối với việc vận dụng Mục 3 Tu chính án thứ 14 của Hiến pháp Mỹ. Ông nói với ABC News: “Mục đích của hiến pháp là rõ ràng, để ngăn những người giống như Donald Trump và những kẻ phản bội khác nắm giữ các chức vụ công”, đồng thời cho biết thêm rằng ông dự định tiến hành “nghiên cứu thêm” về vấn đề này trước khi theo đuổi nó.

Không rõ chính xác việc thực thi điều khoản nói trên có thể diễn ra như thế nào, khi đây có thể là lần đầu tiên trong hơn một thế kỷ qua, Mục 3 được thảo luận tại Quốc hội, sau khi cơ quan này từ bỏ việc thực thi điều khoản này đối với các quan chức Liên minh miền Nam (thời Nội chiến Mỹ) và một số thành viên KKK (hội kín thù ghét người da đen) nhằm thúc đẩy đoàn kết dân tộc trong thời kỳ Tái thiết.

Chú thích ảnh
Nhóm bạo loạn xông vào Toà nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2021. Ảnh: Getty Images

Tuy nhiên, các học giả lập hiến lúc này đang chia rẽ về cách thức thực thi điều khoản nói trên. Một nhóm lập luận rằng, một cuộc bỏ phiếu với đa số tương đối (trên 50%) ở cả hai viện của Quốc hội kết luận ông Trump có tội kích động cuộc nổi dậy sẽ đủ để cấm ông nắm giữ các chức vụ công trong tương lai.

Những người khác, bao gồm chuyên gia Tribe, nói rằng cần phải có một cơ quan "trung lập" xác định xem ông Trump có thật sự tham gia vào một "cuộc nổi dậy" hay "nổi loạn". Cơ quan này có thể là một ban của Quốc hội hoặc tòa án liên bang.

Một đạo luật độc lập riêng biệt được đề xuất vào năm ngoái bởi Hạ nghị sĩ Dân chủ Steve Cohen đề xuất trao quyền cho Bộ trưởng Tư pháp Mỹ được tranh luận về trường hợp tương tự trước hội đồng 3 thẩm phán. Tuy nhiên, dự luật này đến nay chỉ nhận được rất ít sự ủng hộ.

Các nhóm bầu cử tự do, như "Tự do Ngôn luận cho mọi người," thậm chí còn đưa ra tình huống trong đó các quan chức bầu cử cấp tiểu bang có thể sử dụng Mục 3 Tu chính án thứ 14 để loại bỏ ông Trump khỏi lá phiếu ở bang của họ nếu ông tái tranh cử vào năm 2024.

Tuy nhiên, tất cả những việc triển khai này sẽ gặp phải trở ngại lớn tại Tòa án Tối cao Mỹ, nơi phe bảo thủ đang duy trì đa số nhờ việc ông Trump bổ nhiệm tới ba thẩm phán của đảng Cộng hoà trong 4 năm cầm quyền.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Salon)
Công dân Mỹ bị bắt vì âm mưu giết ông Trump
Công dân Mỹ bị bắt vì âm mưu giết ông Trump

Một công dân Mỹ 71 tuổi bị cáo buộc đe dọa bắt cóc và giết cựu Tổng thống Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2020

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN