Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Gettyimages
|
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng “niềm vui ngắn chẳng tày gang” bởi để khôi phục quan hệ Nga - Mỹ, vốn đang ở mức xấu nhất từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, hai bên cần phải nỗ lực vượt qua chặng đường đầy rẫy những chông gai phía trước.
Trong phiên họp được truyền trực tiếp trên kênh RT ngày 9/11, các nghị sĩ Đuma quốc gia Nga (Hạ viện) đã đồng loạt đứng dậy vỗ tay hoan nghênh việc ông Trump chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Thậm chí, ngay sau khi phiên họp kết thúc các nghị sĩ Nga còn mở “tiệc champagne ăn mừng” sự kiện được kỳ vọng sẽ góp phần làm “tan băng” quan hệ Moskva và Washington. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng có bài phát biểu trịnh trọng chúc mừng ông Trump, đồng thời bày tỏ hy vọng “sẽ hợp tác để đưa mối quan hệ Nga-Mỹ ra khỏi tình trạng khủng hoảng, cũng như giải quyết những vấn đề cấp bách của thế giới và tìm kiếm giải pháp hiệu quả cho những thách thức liên quan đến an ninh toàn cầu”.
Nguyên nhân chính khiến mối quan hệ giữa Moskva và Washington bị “đóng băng” dưới thời Tổng thống Barack Obama do phương Tây tiếp tục đẩy mạnh chính sách bành trướng về hướng Đông. Mỹ và đồng minh không ngừng tìm mọi cách lôi kéo các nước thuộc Liên Xô gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Mục đích chính sách hướng Đông của phương Tây nhằm đánh bật Nga ra khỏi không gian hậu Xô Viết, nơi Moskva coi là khu vực đặc quyền của mình.
Do “nóng lòng” giành phần thắng trong cuộc cạnh tranh ảnh hưởng địa-chính trị nên phương Tây không từ bất cứ thủ đoạn nào kể cả hỗ trợ phe đối lập tạo ra cái gọi là “cuộc các mạng đường phố” lật đổ những chế độ hợp pháp trong khu vực không chịu “nghe lời” Washington, mà đỉnh điểm là Ukraine, quốc gia bị cuốn vào vòng xoáy nội chiến kéo dài trong suốt hơn hai năm qua khiến hàng chục nghìn người thương vong. Mối quan hệ Nga và Mỹ chính thức rơi vào thế đối đầu vào tháng 3/2014 sau khi Moskva sáp nhập bán đảo Crimea và bị Washington cùng đồng minh áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt. Căng thẳng giữa Moskva và Washington tiếp tục leo thang tại chiến trường Syria. Theo đề nghị của chính quyền Damascus, Nga đưa lực lượng không quân đến hỗ trợ Chính phủ Syria đẩy lùi các cuộc tấn công của lực lượng khủng bố, qua đó giúp củng cố chế độ hợp pháp ở quốc gia Trung Đông này, đồng thời làm thất bại âm mưu của Mỹ lật đổ Tổng thống Basar al-Assad bằng con đường bạo lực đường phố.
So sánh lập trường của bà Clinton và ông Trump về những nguyên nhân khiến quan hệ Moskva - Washington rơi vào thế đối đầu nguy hiểm thì rõ ràng sự kỳ vọng của giới tinh hoa chính trị Nga hoàn toàn có cơ sở. Trong chiến dịch tranh cử, bà Hillary luôn thể hiện quan điểm chống Nga “điên cuồng”. Theo bà Clinton, Tổng thống Nga là "người chuyên đi bắt nạt" và Mỹ "cần ngăn chặn những hành động thù địch của ông Putin". Vì thế, bà Clinton ủng hộ mạnh mẽ chủ trương cung cấp vũ khí cho chính phủ Ukraine, hỗ trợ quân sự cho lực lượng nổi dậy “ôn hòa” ở Syria để lật đổ chế độ Tổng thống Assad và cam kết giúp đỡ NATO trong cuộc chiến chống lại "mối đe dọa Nga".
Với lập trường cứng rắn như vậy, nếu bà Clinton đắc cử Tổng thống Mỹ, nguy cơ đối đầu quân sự giữa hai cường quốc hạt nhân hàng đầu thế giới càng trở nên hiện hữu. Trái ngược với cựu Ngoại trưởng Mỹ, ông Trump đưa ra nhiều cam kết nhằm “hạ nhiệt” căng thẳng quan hệ với Moskva. Theo đó, ông Trump hứa sẽ hợp tác với Nga để đánh bại chủ nghĩa khủng bố quốc tế, giải quyết vấn đề hòa bình Trung Đông, trong đó có cuộc chiến tại Syria, đồng thời xem xét vấn đề công nhận Crimea là phần lãnh thổ của Nga cũng như dỡ bỏ lệnh trừng phạt… Những lời hứa này làm cho người Nga cảm thấy "nức lòng" khi ông Trump trở thành chủ nhân Nhà Trắng. Thế nhưng giới phân tích cảnh báo rằng không nên quá kỳ vọng mối quan hệ Nga - Mỹ sẽ có "cú đảo chiều" ngoạn mục trong thời gian tới bởi vì không phải lời hứa nào trong chiến dịch tranh cử đều trở thành chính sách nhà nước Mỹ. Bên cạnh đó, về cơ bản, chính sách đối ngoại của Mỹ luôn ổn định và có tính kế thừa cao, ít có khả năng ông chủ Nhà Trắng sẽ đảo lộn hết chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm.
Hơn nữa, cho dù ông Trump thực sự muốn hiện thực hóa những cam kết của mình thì cũng sẽ bị ngăn chặn bởi cơ chế “kiểm soát và cân bằng” trong hệ thống chính trị của Mỹ. Theo Hiến pháp Mỹ, Tổng thống chia sẻ quyền lực về chính sách đối ngoại với Quốc hội do đó ông Trump không thể toàn quyền hành động. Ngoài ra, Tổng thống đắc cử này cũng khó có thể đi ngược lại cương lĩnh của Đảng Cộng Hòa, vốn ủng hộ tiếp tục trừng phạt Nga và ủng hộ bảo vệ các quốc gia thành viên NATO.
Trao đổi với chúng tôi, chuyên gia Nga Aleksey Fenenko cũng bày tỏ hoài nghi về triển vọng phát triển quan hệ tốt đẹp giữa Nga và Mỹ. Ông Fenenko lưu ý rằng cách đây 8 năm, khi ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ, người Nga cũng đã rất hy vọng mối quan hệ song phương sẽ đi vào quĩ đạo phát triển tích cực. Sự hy vọng càng tăng lên khi ông Obama đưa ra ý tưởng "tái khởi động" quan hệ Nga - Mỹ. Hai bên rất nỗ lực tăng cường đối thoại và hợp tác trong những lĩnh vực có cùng lợi ích. Nhờ đó, mối quan hệ giữa Washinton và Moskva không ngừng được củng cố và phát triển. Thế nhưng, giờ đây khi ông Obama sắp rời nhiệm sở, mối quan hệ Nga - Mỹ lại rơi vào tình trạng căng thẳng nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Điều đáng nói là các người tiền nhiệm của ông Obama đều có kịch bản tương tự trong phát triển quan hệ với Nga. Vì vậy, ông Fenenko dự báo rằng dưới thời Tổng thống Trump mối quan hệ Nga - Mỹ trong khoảng 2 năm đầu sẽ phát triển tích cực thông qua đối thoại và tăng cường hợp tác trong những lĩnh vực có cùng lợi ích, nhưng sau đó lại có nguy cơ quay trở lại điểm xuất phát.
Mặc dù rất thận trọng trong việc đưa ra nhận định về tương lai quan hệ Nga - Mỹ, song phần lớn chuyên gia đều cho rằng việc ông Trump trở thành Tổng thống Mỹ giúp ngăn chặn căng thẳng giữa Moskva và Washington tiếp tục lún sâu vào vòng xoáy khủng hoảng. Sự hợp tác cùng phát triển giữa Nga và Mỹ luôn được cộng đồng quốc tế hoan nghênh, bởi vì nó góp phần quan trọng củng cố hòa bình, an ninh thế giới và mang lại thịnh vượng cho toàn nhân loại.