Theo Politico.eu ngày 24/2, khi Nga điều quân vào lãnh thổ Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden phản ứng bằng các đòn trừng phạt kinh tế và nỗ lực kêu gọi các đồng minh của Washington đứng lên đối phó với Moskva.
Nhưng một lựa chọn mà ông Biden vẫn không muốn sử dụng là điều quân đội Mỹ để đối đầu với lực lượng Nga ở Ukraine.
Tổng thống Mỹ Joe Biden đã rất lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc đụng độ quân sự giữa Mỹ và Nga, đến mức Washington đã rút nhiều binh sĩ Mỹ đang huấn luyện cho các lực lượng Ukraine ra khỏi quốc gia Đông Âu này.
Gần đây, người lãnh đạo Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng ông sẽ không gửi quân đội Mỹ đến sơ tán những người Mỹ mắc kẹt ở Ukraine, với lý do có nguy cơ xảy ra đụng độ. "Đó là một cuộc chiến tranh thế giới khi Mỹ và Nga trực tiếp đối đầu với nhau", ông Biden giải thích trong một cuộc phỏng vấn kênh NBC News.
Hôm 23/2, khi ông Biden công bố đợt trừng phạt lớn đầu tiên của Mỹ đối với Điện Kremlin, Tổng thống Mỹ một lần nữa nhấn mạnh: “Về phía chúng tôi, đây hoàn toàn là những động thái phòng thủ. Chúng tôi không có ý định chống lại Nga”.
Các cuộc thăm dò ý kiến tại Mỹ cũng cho thấy tỷ lệ ủng hộ việc nước này tham gia vào một cuộc chiến tranh ở châu Âu là rất thấp. Nga và Mỹ đều là cường quốc hạt nhân, làm tăng thêm lo ngại về sự leo thang.
Kori Schake, Giám đốc nghiên cứu chính sách đối ngoại và quốc phòng tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định: “Thông điệp mà chúng tôi đang gửi cho Nga khi rút quân đội Mỹ ra khỏi [Ukraine và] đóng cửa Đại sứ quán là chúng tôi sợ xung đột với bất kỳ người Nga nào".
Chính quyền Mỹ cũng biết về những lời phê bình như vậy. Nhưng khi được hỏi liệu động thái của Nga có làm dấy lên suy nghĩ lại trong chính quyền Mỹ về lập trường của Tổng thống Biden hay không, các quan chức Mỹ khẳng định: “Không. Hoàn toàn không. Không ai muốn mạo hiểm gây ra một cuộc chiến tranh hạt nhân với Nga về Ukraine”.
Có lẽ quan điểm của ông Biden về sự can thiệp của Mỹ đã phát triển theo hướng thận trọng hơn trong nhiều thập kỷ. Trong những năm 1990, với tư cách là Thượng nghị sĩ, ông ủng hộ việc sử dụng vũ lực của Mỹ để dập tắt các cuộc giao tranh giữa các sắc tộc ở Balkan.
Tuy nhiên, với các cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan và Iraq, ông Biden đã trở nên cảnh giác hơn rất nhiều trong việc triển khai sức mạnh quân sự của Mỹ.
Ví dụ, với tư cách là Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Chính quyền Obama, ông Biden phản đối sự can thiệp vào Libya, nói rằng Washington không có lợi ích chiến lược lớn ở đó. Trong những năm sau đó, ông Biden khẳng định mình đã đúng vì sự hỗn loạn ở đó.
Ông Biden cũng phản đối mạnh mẽ việc Tổng thống Obama tăng cường binh lính Mỹ ở Afghanistan, ủng hộ việc thu hẹp phạm vi hoạt động chống khủng bố. Trong cuộc xung đột kéo dài 20 năm này, ông Biden vừa có vai trò là người ra quyết định cuối cùng, ra lệnh cho các lực lượng Mỹ rời khỏi Afghanistan vào năm ngoái.
Các quan chức Chính quyền Mỹ lưu ý khi bảo vệ quan điểm của mình rằng, những gì ông Biden đã làm cho đến nay đó là gửi hoặc bố trí lại hàng nghìn binh sĩ bổ sung tới các nước NATO gần Ukraine. Những đợt triển khai quân này được thiết kế để ngăn ngừa Nga có thể tiến hành cuộc chiến vượt ra ngoài Ukraine và lan sang các nước NATO, mà Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ theo hiệp ước.
Ông Biden cũng đã tăng cường viện trợ kinh tế và quân sự của Mỹ cho Ukraine, gửi tên lửa, đạn dược và trang thiết bị, với hy vọng tăng cường khả năng chiến đấu của binh sĩ Ukraine trước sức mạnh vượt trội của quân đội Nga.