Theo nhận định của Victor Anatolyevich Nadein-Raevsky, nghiên cứu viên cao cấp tại Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế (IMEMO) ở Moskva với tờ Nezavisimaya Gazeta (Nga) ngày 6/9, quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ, vốn gặp khó khăn trong thời gian gần đây, bất ngờ có bước phát triển mới với cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan hôm 4/9 vừa qua.
Đây là cuộc gặp gỡ cá nhân đầu tiên của họ sau gần một năm không có tiếp xúc riêng. Điểm nhấn chính trong nhiều bình luận của cả phương tiện truyền thông trong và ngoài nước là về việc khôi phục sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, vốn cho phép xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine và các điều kiện liên quan mà Nga đặt ra để thực hiện thỏa thuận này.
Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thỏa thuận ngũ cốc được đặc biệt quan tâm. Nước này trong 20 năm qua đã trở thành một trong số các cường quốc nông nghiệp và bản thân Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ sản xuất ngũ cốc mà còn định kỳ xuất khẩu ra thị trường quốc tế khi có mùa màng bội thu. Đồng thời, đây là khách hàng lớn mua ngũ cốc của Nga.
Liên quan đến xuất khẩu ngũ cốc từ Nga, Tổng thống Putin đã đề xuất cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ 1 triệu tấn ngũ cốc “với giá ưu đãi” để chế biến tại các nhà máy của Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó là “vận chuyển miễn phí đến các nước nghèo nhất”, với sự tham gia của Qatar, quốc gia sẵn sàng tài trợ cho việc vận chuyển như vậy.
Về phần mình, ông Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã chuẩn bị một "gói đề xuất mới" để nối lại thỏa thuận ngũ cốc và hy vọng "đạt được kết quả tích cực" cũng như việc thực hiện nhanh chóng các sáng kiến của mình. Như vậy, sự bi quan của các nhà quan sát dường như không hoàn toàn có cơ sở: quan hệ giữa hai nước vẫn đang phát triển và không chỉ giới hạn ở một thỏa thuận ngũ cốc.
Cụ thể, ngoài vấn đề ngũ cốc, cuộc đàm phán lần này đã đạt được kết quả tích cực về lĩnh vực năng lượng trong quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài việc triển khai thành công dự án nhà máy điện hạt nhân Akkuyu, ông Erdogan đã thảo luận với Tổng thống Putin về việc xây dựng một nhà máy điện hạt nhân mới ở Sinop, trên bờ Biển Đen.
Theo ông Putin, điều quan trọng nữa là tập đoàn năng lượng Nga Gazprom đã chuyển cho công ty khí đốt Botas (Thổ Nhĩ Kỳ) “lộ trình” về một dự án trung tâm khí đốt quan trọng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga lưu ý rằng Moskva "đã và sẽ" là nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy và đang tiến tới thành lập một nhóm làm việc chung, thống nhất về khuôn khổ pháp lý cho hoạt động của trung tâm khí đốt mới cũng như các kế hoạch mua bán và chuyển giao khí đốt.
Về vấn đề Syria, trong cuộc hội đàm, Tổng thống Nga lưu ý rằng Moskva và Ankara đã làm rất nhiều để giải quyết tình hình ở quốc gia Trung Đông này. Sau cuộc gặp với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, ông Putin nói rằng Nga xuất phát từ thực tế là tương lai của Syria nên do chính người Syria quyết định mà không chịu áp lực từ bên ngoài.
Năm 2011 cuộc nội chiến ở Syria bắt đầu nổ ra. Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia duy trì mối quan hệ chặt chẽ với Damascus trước cuộc xung đột, đứng về phía những người phản đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Kể từ đó, mối quan hệ của Thổ Nhĩ Kỳ với Syria rơi vào bế tắc.
Tuy nhiên trong thời gian gần đây cả hai bên cũng như giới truyền thông đưa tin về quan hệ hai nước đã bắt đầu nói đến khả năng bình thường hóa dần dần mối quan hệ này. Tháng 12 năm ngoái, Nga đã chủ trì cuộc đàm phán đầu tiên sau 11 năm giữa Bộ trưởng quốc phòng hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ rút quân khỏi Syria là điều kiện cần thiết để bình thường hóa quan hệ giữa Damascus và Ankara.