Sức ép đòi Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từ chức lớn hơn bao giờ hết

Sức ép đòi Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma từ chức đang lớn hơn bao giờ hết sau khi Quốc hội Nam Phi vừa bất ngờ hoãn lễ trình bày Thông điệp quốc gia năm 2018 của nhà lãnh đạo 75 tuổi này.

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma tại phiên chất vấn của Quốc hội ở Cape Town ngày 2/11/2017. Ảnh: AFP/TTXVN

Việc ông Zuma nhất quyết không từ chức đang đẩy đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC) cầm quyền vào sự chia rẽ sâu sắc nhất kể từ năm 1994 khi ANC lên nắm quyền lãnh đạo đất nước Nam Phi.
       
Theo thông lệ hàng năm, Tổng thống Zuma sẽ phải trình bày Thông điệp quốc gia trước toàn thể thành viên Quốc hội tại thành phố Cape Town vào ngày 8/2 tới. Đây là một trong những sự kiện chính trị quan trọng và được dư luận Nam Phi quan tâm bậc nhất trong năm vì nó sẽ đề cập đến các chương trình hành động của chính phủ trong năm 2018 thông qua các mục tiêu đối nội và đối ngoại cụ thể. Tuy nhiên, việc các nhà lãnh đạo hàng đầu của ANC sẽ có cuộc họp khẩn cấp trong ngày hôm nay (7/2) để bàn về khả năng phế truất ông Zuma khiến cho mọi kế hoạch có thể bị đảo lộn vào phút chót.
        
Vị trí của ông Zuma thực tế đã bị lung lay kể từ hồi tháng 12 năm ngoái khi ông phải nhường vai trò lãnh đạo đảng ANC cho Phó Tổng thống Cyril Ramaphosa sau khi vướng phải một loạt cáo buộc tham nhũng và lãng phí tài sản công. Cả nước Nam Phi dậy sóng kể từ tháng 4 năm ngoái với làn sóng biểu tình phản đối lan khắp đất nước. Tại Johannesburg, hàng trăm cảnh sát và lực lượng vũ trang trung thành với ông Zuma đã triển khai vòng vây bảo vệ bên ngoài tòa nhà Luthuli House, nơi đặt trụ sở ANC. Sau khi cảnh sát và lực lượng vũ trang dùng lưu đạn cay và súng bắn đạn cao su giải tán, đám đông chuyển sang bao vây khu dinh thự của gia đình tỉ phú Guptas, vốn có quan hệ gần gũi với Tổng thống Zuma.
        
Trước đó, hồi tháng 11/2016, Chánh Thanh tra Nhà nước Thuli Madonsela đã công bố báo cáo theo lệnh của Tòa án Tối cao Nam Phi, trong đó đưa ra những nghi ngờ về sự thông đồng giữa cơ quan hành pháp, Tổng thống Zuma và một số bộ trưởng với gia tộc giàu có và nổi tiếng gốc Ấn Độ Guptas. Gia đình này bị nghi ngờ đã gây ảnh hưởng tới Tổng thống Zuma để ông bổ nhiệm một số bộ trưởng trong nội các phục vụ lợi ích của họ.
        
Tại các thành phố lớn khác như thủ đô Pretoria, thành phố Durban dòng người biểu tình giương cao biểu ngữ đòi ông Zuma từ chức, phản đối tình hình kinh tế đang xuống dốc, đặc biệt sau khi các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đồng loại hạ mức tín nhiệm của Nam Phi. Những tranh cãi giằng co trong nội bộ giới cầm quyền Nam Phi càng trở nên nóng hơn khi Tòa án Hiến pháp Nam Phi ra phán quyết mang tính đối đầu với Tổng thống Zuma. Theo đó, nhà lãnh đạo của Nam Phi bị buộc phải trả lại “trong vòng 45 ngày” số tiền công quỹ mà ông đã dùng để sửa sang biệt thự riêng. Dù Chính phủ Nam Phi cố gắng giải thích rằng việc nâng cấp khu biệt thự là biện pháp an ninh dành cho tổng thống, nhưng sự bào chữa này càng khiến người dân phẫn nộ. Nhiều thành viên trong nội các Nam Phi đã lên tiếng đòi ông Zuma này từ chức. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến ông Zuma tiến hành cuộc cải tổ nội các và sa thải hàng chục người "quay lưng lại" với ông. Trong số những người bị mất chức có Bộ trưởng Tài chính Gordhan, một nhân vật rất có uy tín và được đánh giá cao về năng lực. Việc ông Gordhan mất chức đã khiến cho không chỉ phe đối lập mà ngay cả những đồng minh ủng hộ Tổng thống Zuma cũng quay ra phản đối, từ đó dẫn đến sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ ANC.  Bản thân hai đối tác liên minh với ANC gồm Liên hiệp Công đoàn Nam Phi (COSATU) và Đảng Cộng sản Nam Phi (SACP) cũng nhiều lần phải yêu cầu ông Zuma từ chức.
         
Sở dĩ ông Zuma vẫn tiếp tục nắm quyền và vượt qua nhiều sóng gió chính trị trong thời gian qua là do ông vẫn được một nhóm trong ANC ủng hộ. Họ là những thành viên đến từ các vùng nông thôn và trong cộng đồng người sắc tộc Zulu của ông Zuma. Cũng nhờ vậy, ông Zuma đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm hồi năm ngoái nhờ những lá phiếu trung thành từ các nghị sĩ của ANC trong Quốc hội. Tuy nhiên, hiện tại sự ủng hộ dành cho ông đang sụt giảm ghê gớm.
        
Trong quá khứ, ông Zuma cũng từng bị mất chức Phó Tổng thống Nam Phi hồi năm 2006 do vướng phải một vụ bê bối tình dục. Tuy nhiên, tòa án đã xứ trắng án, giúp ông Zuma dần dần quay lại quyền lực và lên nắm quyền vào năm 2008 sau khi "hạ bệ" Tổng thống Thabo Mbeki khi đó.
        
Dù sao các vụ bê bối liên tiếp của ông Zuma đang làm ảnh hưởng đến thanh danh ANC. Trong vòng 1 năm qua, ANC chưa bao giờ khủng hoảng nghiêm trọng như thế kể từ khi giành lấy chính quyền từ chế độ Apartheid cách đây hơn 1/4 thế kỷ. Lần đầu tiên, ANC bị mất phiếu ủng hộ, bị giảm tỉ lệ ủng hộ trong dân chúng Nam Phi vốn xem đảng này như "vị cứu tinh" của người da màu, chiếm hơn 90% dân số Nam Phi. Nếu không sớm giải quyết vấn đề lớn nhất đối với ông Zuma, Ban lãnh đạo ANC lo rằng sẽ có một ngày đảng này sẽ mất trí lãnh đạo về tay đảng đối lập.

Trần Thanh Bình (TTXVN)
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Hàn Quốc dự khai mạc Thế vận hội Mùa đông
Em gái nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Hàn Quốc dự khai mạc Thế vận hội Mùa đông

Kim Yo-jong, người em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, sẽ tới Hàn Quốc dự lễ khai mạc Thế vận hội Mùa đông PyeongChang diễn ra vào ngày 9/2 tới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN