Có thể nói, cuộc gặp cấp cao lần thứ 9 giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Australia tại Nhà Trắng phản ánh những nỗ lực của họ hướng tới mối quan hệ chặt chẽ hơn. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Albanese kỳ vọng vào các chủ đề như đẩy mạnh hành động để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng sạch theo Hiệp ước Chuyển đổi năng lượng sạch; xem xét các cách thức để mối quan hệ kinh tế song phương phát triển sao cho phù hợp với những cơ hội trong tương lai nhằm mang lại lợi ích cho người lao động và doanh nghiệp ở cả hai nước; thảo luận về sự ổn định và an ninh khu vực, cơ chế hợp tác quốc phòng ba bên AUKUS với Anh, tăng cường hợp tác về khoa học và công nghệ cũng như tầm quan trọng của việc cùng nhau định hình một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cởi mở, ổn định và thịnh vượng.
Đúng như mong đợi, trong tuyên bố chung sau cuộc hội đàm tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden và Thủ tướng Albanese đã nhất trí tăng cường và tập trung hợp tác trong một số lĩnh vực quan trọng gồm thúc đẩy hợp tác công nghệ tiên tiến và không gian; xây dựng chuỗi cung ứng năng lượng sạch và giải quyết khủng hoảng khí hậu; góp phần vào sự thịnh vượng và khả năng phục hồi ở Thái Bình Dương và Đông Nam Á; tăng cường kết nối kỹ thuật số; tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh; thúc đẩy quyền của cộng đồng LGBTQI+; thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền của người khuyết tật; tăng cường giao lưu nhân dân…
Hai nhà lãnh đạo cũng đã thảo luận về tiến độ trong hợp tác AUKUS; nhất trí mở rộng hợp tác quốc phòng với Nhật Bản trong nhiều lĩnh vực như phát triển hệ thống máy bay không người lái, đồng thời hoan nghênh việc Australia bắt đầu tham gia vào các cuộc tập trận thường niên Mỹ - Nhật từ năm nay.
Chuyên gia Charles Edel, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington (Mỹ), nhận định rằng các chuyến thăm cấp nhà nước luôn đóng vai trò rất quan trọng và ý nghĩa bởi đó là cơ hội để hai bên thiết lập và củng cố các mối quan hệ then chốt, đồng thời thúc đẩy các mối quan hệ đó tiến xa hơn. Và điều đó hoàn toàn đúng với mối quan hệ Australia - Mỹ.
Trên thực tế, với chuyến thăm Mỹ, nhà lãnh đạo Australia không còn bận lòng với cuộc trưng cầu dân ý trong nước về tiếng nói người bản địa. Nhà báo kỳ cựu David Crowe chuyên viết về mảng chính trị của tờ “The Sydney Morning Herald” cho rằng chuyến thăm đầu tiên tới Washington trên cương vị thủ tướng chứng tỏ cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Albanese cho đến nay vẫn có hiệu quả. Và chính Tổng thống Biden đã góp phần làm cho chuyến thăm của Thủ tướng Albanese trở nên ấn tượng.
Tuy nhiên, không hẳn con đường tới Mỹ của Thủ tướng Albanese trải toàn hoa hồng. Do tình trạng rối ren trên chính trường nước Mỹ, nhà lãnh đạo Australia đã không thể có bài phát biểu tại một phiên họp chung của Quốc hội Mỹ - cơ hội từng được trao cho các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Ấn Độ và Israel hồi đầu năm nay. Phát biểu trước Quốc hội Mỹ là cơ hội để trao đổi trực tiếp với các nhà lập pháp của Mỹ - những người sẽ có tiếng nói phản biện về thỏa thuận AUKUS, một trong những vấn đề cấp bách nhất của quan hệ song phương.
Chuyên gia John Lee, thành viên cấp cao của Viện Hudson, cho rằng cả Mỹ và Australia đều đang rất nỗ lực để đạt được tiến bộ trong các kế hoạch liên quan đến AUKUS. Tuy nhiên, với thực trạng chính trị nước Mỹ, Thủ tướng Albanese khó có cơ hội gặp được những người mà ông cần gặp để thuyết phục về một vấn đề vốn được ông rất coi trọng và là một trong những mục tiêu trong chuyến thăm Mỹ lần này. Mặc dù cả Tổng thống Biden lẫn Thủ tướng Albanese đều bày tỏ tin tưởng rằng mọi việc sẽ được hoàn thành vào cuối năm nay, song không ai có thể đưa ra bất kỳ sự đảm bảo nào. Tổng thống Biden đang đề nghị bổ sung thêm 3,4 tỷ USD để tăng năng lực sản xuất tàu ngầm của Mỹ nếu quốc hội đồng ý. Trong khi đó, Australia cũng cam kết chi 3 tỷ USD cho mục tiêu này. Tuy nhiên, không rõ điều đó có đủ để mang lại đảm bảo cho thỏa thuận AUKUS hay không.
Bình luận về quan hệ đối tác quốc phòng của hai nước, cả chuyên gia John Lee và nhà báo David Crowe đều cho rằng có dấu hiệu chững lại, bằng chứng là hầu như không có bước tiến đáng kể nào cho kế hoạch AUKUS. Tuy nhiên, Tiến sĩ Emma Shortis - nhà nghiên cứu cấp cao trong Chương trình An ninh và Quốc tế của Viện Australia - cho rằng dù thế nào đi chăng nữa, Tổng thống Biden cũng đã tận dụng được chuyến thăm của một đồng minh có cùng mục tiêu để củng cố thông điệp về “vai trò trung tâm” và “gắn kết” của Mỹ. Về phần mình, Thủ tướng Australia cũng đã công khai ủng hộ vai trò đó của Mỹ.
Theo Tiến sĩ Shortis, trong một thế giới đã thay đổi đáng kể, với rất nhiều bối cảnh, lịch sử và chuyển động quyền lực khác nhau đang diễn ra, Mỹ đóng những vai trò nhất định trong mỗi bối cảnh đó. Là những chính trị gia kỳ cựu, Tổng thống Biden và Thủ tướng Albanese có khả năng xử lý những vấn đề phức tạp và các cuộc khủng hoảng cùng một lúc. Như Thủ tướng Albanese đã nhấn mạnh khi ông khai trương Đại sứ quán Australia mới ở Washington D.C ngày 24/10, liên minh Australia - Mỹ ra đời trong Chiến tranh Thế giới thứ hai và đã "thắp sáng" con đường của hai nước kể từ đó với một tình bạn thực sự có thể thu hẹp mọi khoảng cách bằng ngoại giao.
Chuyên gia Victoria Cooper, làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Mỹ thuộc trường Đại học Sydney, kết luận rằng chính “mối liên kết sắt đá” giữa Australia và Mỹ đã khiến chuyến thăm của Thủ tướng Albanese trở nên quan trọng đối với cả hai nước, bởi đó là một cơ hội để họ tiếp tục giải quyết các ưu tiên chung nhằm đảm bảo một tương lai an toàn và thịnh vượng cho mỗi nước.