Tác động chiến lược sau khủng bố tại Pháp

Các vụ khủng bố do tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng thực hiện trong những ngày qua - từ vụ đánh bom máy bay của Nga, cho tới vụ việc tại Beirut và một loạt vụ tấn công tại Pháp - đã khiến thế giới bàng hoàng và cho thấy mức độ gắn kết chặt chẽ giữa cuộc khủng hoảng tại Syria, khủng hoảng nhập cư tại châu Âu và chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Những tác động ban đầu đã rõ. Tuy nhiên, về mặt chiến lược và dài hạn, những tác động sẽ còn sâu rộng hơn nhiều.


Thứ nhất, các vụ khủng bố của IS nhằm vào Pháp sẽ tạo ra những thách thức với sự tồn tại của Hiệp ước Schengen. Hiệp ước Schengen đã bị đình chỉ thực hiện tại một loạt quốc gia như Pháp, Thụy Điển, Đức và Slovenia. Hungary cũng đã xây dựng hàng rào bảo vệ đường biên của mình với Serbia, quốc gia không phải là thành viên của hiệp ước. Cho tới nay, các hành động này vẫn nằm trong khuôn khổ của hiệp ước, theo đó cho phép việc đóng cửa tạm thời đường biên giới trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là liệu Hiệp ước Schengen có chính thức bị xóa bỏ, hay liệu có thành viên nào sẽ rời bỏ hay không?

Lực lượng an ninh Pháp được triển khai tại hiện trường khu vực truy quét khủng bố ở Saint-Denis ngày 18/11. Ảnh: THX/TTXVN

Phản ứng đầu tiên là các chính phủ châu Âu có thể sẽ triển khai các biện pháp tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và gia tăng hợp tác giữa các lực lượng an ninh tại châu Âu trong khi nỗ lực duy trì Hiệp ước Schengen. Tuy nhiên, tương lai của hiệp ước này sẽ nằm trong tay cử tri châu Âu. Nếu dư luận công chúng quay lưng lại với Hiệp ước Schengen, các chính phủ trung dung, hoặc sau các kỳ bầu cử tới là các chính phủ theo đường lối chủ nghĩa quốc gia, có thể rút khỏi hiệp ước này. Việc đóng cửa các đường biên giới bao bọc châu Âu với bên ngoài có thể dẫn tới leo thang căng thẳng cuộc khủng hoảng di cư tại Balkans.

Thứ hai, các cuộc tấn công khủng bố tại Paris có thể thúc đẩy sự trỗi dậy mạnh mẽ hơn của các đảng phái theo chủ nghĩa dân tộc cũng như sự nổi lên của chủ nghĩa hoài nghi châu Âu cả ở Pháp và khắp châu Âu. Sau khi tình hình tại Paris lắng dịu, cử tri Pháp có thể sẽ cho rằng Chính quyền của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã không thể bảo vệ được họ. Trong các cuộc bầu cử địa phương sắp tới (dự kiến vào tháng 12/2015), đảng Mặt trận Quốc gia (FN) cực hữu và các đảng phái trung hữu có thể sẽ có sự hiện diện lớn hơn, mở đường cho màn trình diễn tốt hơn trong bầu cử tổng thống vào năm 2017. Các đảng này chỉ trích các chính sách nhập cư của châu Âu, tất nhiên ở các mức độ khác nhau, và thậm chí FN còn phản đối tư cách thành viên của Pháp trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Tất nhiên, khả năng thắng cử trong bầu cử Tổng thống 2017 của FN tới thời điểm này vẫn bị đánh giá thấp.

Thứ ba, kế hoạch phân bổ người tị nạn của châu Âu sẽ gặp nhiều thách thức. Ủy ban châu Âu (EC) sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc bảo vệ kế hoạch phân bổ người tị nạn của mình ở khắp châu lục. Kế hoạch này trước đó cũng đã gặp khó khăn lớn khi chỉ có vài trăm trong tổng số 120.000 người tị nạn chính thức được sắp xếp nơi ăn chốn ở. Ba Lan đã tuyên bố họ sẽ không tham gia vào chương trình này và có thể một số quốc gia khác tại Trung và Tây Âu sẽ làm như vậy. Thực tế, EC sẽ không thể áp đặt các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia quyết định không tham gia kế hoạch định cư cho người tị nạn.

Thứ tư, các vụ tấn công khủng bố của IS nhằm vào Pháp có thể buộc các thành viên Liên minh châu Âu (EU) phải gia tăng hợp tác với Nga nhằm chấm dứt cuộc nội chiến tại Syria. Những quốc gia EU từng yêu cầu Tổng thống Syria Bashar al-Assad từ bỏ quyền lực sẽ phải thay đổi quan điểm của mình nhằm tìm cách ngăn chặn dòng người tị nạn từ nước này. Cụ thể, Pháp đã phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình, và tăng cường hợp tác nhiều hơn với Nga để đối phó với IS. Thực tế này sẽ mở ra những cơ hội hợp tác giữa Nga với các quốc gia đầu tàu của EU nói riêng cũng như với EU nói chung trong nhiều lĩnh vực khác, trong đó đáng nói nhất là vấn đề Ukraine.
Lê Dương (P/v TTXVN tại Mỹ)
Kẻ chủ mưu vụ khủng bố tại Pháp đã bị tiêu diệt
Kẻ chủ mưu vụ khủng bố tại Pháp đã bị tiêu diệt

Kẻ bị tiêu diệt trong vụ vây ráp ở Saint-Denis hôm 18/11 chính là Abdelhamid Abaaoud, nghi can chủ mưu của loạt vụ tấn công khủng bố đẫm máu vừa qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN