Trong tuần qua ở Sudan, vốn đã bất ổn về chính trị trong nhiều năm, hai vị tướng quyền lực nhất cùng các lực lượng của họ đã xung đột trực tiếp để tranh giành quyền lực.
Theo các chuyên gia, bạo lực bùng phát giữa các lực lượng trung thành với người đứng đầu quân đội Sudan Abdel Fattah al-Burhan và Tướng Mohamed Hamdan Daglo, được biết đến với cái tên Hemedti, chỉ huy nhóm RSF bán quân sự, chỉ làm tăng mất ổn định khu vực.
Marina Peter, người sáng lập Diễn đàn Sudan và Nam Sudan, nhận định với tờ Deutsche Welle (Đức) ngày 23/4 rằng: "Sudan là trung tâm của các cuộc khủng hoảng và xung đột liên tục kéo dài. Khi một cuộc xung đột nổ ra ở quốc gia này, các nước trong khu vực như Ai Cập, Libya, Chad, CH Trung Phi, Nam Sudan, Ethiopia, Eritrea, thậm chí ở bên kia Biển Đỏ là Saudi Arabia, luôn bị ảnh hưởng".
Theo vị chuyên gia trên, tất cả các quốc gia này đều phụ thuộc vào mối quan hệ tốt đẹp với Sudan, nhưng đặc biệt là Nam Sudan, quốc gia đã tuyên bố độc lập năm 2011. Đồng quan điểm trên, Gerrit Kurtz từ nhóm nghiên cứu châu Phi và Trung Đông tại Viện Các vấn đề An ninh và Quốc tế của Đức ở Berlin cho rằng Nam Sudan phụ thuộc vào ngoại tệ từ việc bán dầu thô, chiếm khoảng 95% doanh thu trong lĩnh vực công. Sudan rất quan trọng đối với những mặt hàng xuất khẩu này, vì có đường ống dẫn dầu chạy qua Sudan đến Biển Đỏ. Chính phủ Nam Sudan do đó rất quan tâm đến việc đảm bảo rằng mối liên hệ này được duy trì.
Với Chad, nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng tăng do xung đột ở Sudan. Quân đội Chad mới đây báo cáo rằng họ đã tước vũ khí của 320 chiến binh bán quân sự từ Sudan vượt qua biên giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Truyền thông Chad Aziz Mahamat Saleh lưu ý những người tị nạn từ các khu vực giao tranh ở phía Tây Sudan đã đến Chad, bất chấp thực tế là biên giới dài 1.500 km với Sudan đã bị đóng cửa.
Ông Saleh nói: "Chad có văn hóa hiếu khách và không thể đóng kín biên giới của mình. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi các đối tác quốc tế hỗ trợ chúng tôi trong cuộc khủng hoảng nhân đạo đang cận kề này”.
Theo ông Saleh, Chad đã đón hơn 500.000 người tị nạn và nước này lo ngại cuộc chiến đang diễn ra có thể tác động lâu dài đến toàn bộ khu vực Sahel, bao gồm cả thương mại giữa hai nước.
Về phần mình, Ai Cập cũng có mối quan hệ lịch sử lâu dài với Sudan, không chỉ với tư cách là một đối tác thương mại. Quay trở lại thời kỳ Pharaon, Sudan là một phần của Ai Cập và sau đó cả hai quốc gia đều nằm dưới sự thống trị của thực dân Anh.
Chuyên gia Kurtz nói: "Ai Cập và Sudan có nền văn hóa tương đồng và một số giới thượng lưu Sudan có mối quan hệ gần gũi với Ai Cập: Nhiều người Sudan đã học ở Ai Cập và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Sudan đã được huấn luyện ở ở Ai Cập. Khi cuộc xung đột nổ ra, các thành viên của Lực lượng Không quân Ai Cập đang ở Sudan để hỗ trợ huấn luyện".
Với mối quan hệ gần gũi, đặc biệt là về phía lực lượng vũ trang và quân đội, ông Kurtz cho rằng chính quyền quân sự ở Ai Cập có xu hướng coi chính phủ quân sự của Sudan là đồng minh.
Một yếu tố khác là những tranh chấp về nguồn nước sông Nile, trở nên gay gắt hơn kể từ khi Ethiopia xây đập ở thượng nguồn để cung cấp năng lượng cho nhà máy thủy điện GERD khổng lồ của nước này. Chuyên gia Kurtz nêu rõ Ai Cập muốn "đưa Sudan vào phe của mình trong cuộc tranh chấp này".
Do những tác động trên, ngay khi xung đột nổ ra ở Sudan, cả Ai Cập và Nam Sudan đều đề nghị làm trung gian hòa giải và đây chỉ là bằng chứng nữa cho thấy các nước láng giềng của Sudan có lợi ích chung đối với sự ổn định của nước này.