Theo bình luận của hãng thông tấn Anadolu (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 23/8, việc huy động hàng nghìn binh sĩ và tiến hành các cuộc tập trận quân sự gần biên giới chung giữa Ba Lan và Belarus đang làm gia tăng căng thẳng ở Đông Âu, đồng thời đặt ra câu hỏi về những mối nguy hiểm có thể xảy ra ở phía trước.
Với Belarus, các cuộc tập trận được thực hiện trong tháng này tại khu vực gần biên giới với Ba Lan và Litva. Chính xác hơn, chúng diễn ra ở vùng Grodno, gần hành lang Suwalki – một dải đất dài 96 km dọc theo biên giới Ba Lan - Litva, cũng nằm cạnh vùng Kaliningrad của Nga.
Tại Ba Lan, Chính phủ nước này đã thành lập lực lượng quân sự đặc biệt thường trực gồm 4.000 binh sĩ gần biên giới với Belarus. Lực lượng đặc biệt này là một phần của Chiến dịch Gryf, được Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak công bố vào tuần trước, về lâu dài nhằm triển khai 10.000 binh sĩ đến khu vực biên giới.
Ông Blaszczak nói: “Không còn nghi ngờ gì nữa” rằng biên giới Ba Lan đang bị đe dọa và nhấn mạnh các kế hoạch của Warsaw chỉ có mục đích duy nhất là “răn đe”.
Đầu tháng này, Ba Lan cáo buộc lực lượng Belarus vi phạm không phận của họ. Trong khi Minsk phủ nhận các cáo buộc, Warsaw đã nhận được sự ủng hộ từ các quốc gia trong đó có Mỹ, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với người đồng cấp Blaszczak rằng Washington sẽ ủng hộ “phản ứng của Ba Lan đối với vụ xâm nhập ngày 1/8”.
Ba Lan cũng lo ngại về sự hiện diện của hàng nghìn binh sĩ thuộc Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner ở Belarus, những người đã chuyển đến đó sau cuộc binh biến bị thất bại vào tháng 6 vừa qua ở Nga.
Tuy nhiên, cùng với các yếu tố bên ngoài và chính trị, một số chuyên gia cho rằng những lo ngại trong nước của Ba Lan cũng là một yếu tố khiến căng thẳng biên giới với Belarus ngày càng gia tăng.
“Không còn nghi ngờ gì nữa, cả hai bên đều có những lo ngại thực sự về an ninh biên giới và việc cơ động lực lượng Wagner sang Belarus là một yếu tố cực kỳ phức tạp. Nhưng tôi nghĩ yếu tố chính đằng sau sự gia tăng căng thẳng gần đây là chính trị nội bộ của Ba Lan”, Geoffrey Roberts, Giáo sư lịch sử tại Đại học Cork, cho biết.
Tất cả vì phiếu bầu?
Theo Giáo sư Roberts, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cuộc bầu cử quốc hội vào ngày 15/10 tới ở Ba Lan “sẽ là một cuộc cạnh tranh sít sao”. Ông nói với hãng thông tấn Anadolu: “Chính phủ Ba Lan đang gây căng thẳng nhằm huy động các phiếu bầu theo chủ nghĩa dân tộc cho đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền cũng như sự ủng hộ cứng rắn của đảng này đối với Ukraine trong cuộc xung đột với Nga”.
PiS, nắm quyền từ năm 2015, đang chuẩn bị cho nhiệm kỳ thứ 3 và muốn được coi là có lập trường cứng rắn về quốc phòng và an ninh. Tuy nhiên, với tỷ lệ thăm dò trước bầu cử chỉ ở mức khoảng 35% so với 29% của phe đối lập chính, PiS khó có thể thành lập chính phủ nếu không tham gia liên minh.
Giáo sư Roberts nêu rõ: “Điều này cũng giúp làm phân tán những tranh cãi giữa Warsaw và Kiev về việc Ba Lan cấm nông sản/ngũ cốc giá rẻ từ Ukraine - một biện pháp bảo hộ nhằm bảo vệ nông dân Ba Lan, những người ủng hộ chính của PiS”.
Trong bối cảnh Ukraine phản công rơi vào bế tắc, ông Roberts cho rằng đã có một “sự thù địch nhất định” trong thái độ của Ba Lan đối với Belarus, đặc biệt là với sự ủng hộ mạnh mẽ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko dành cho Nga.
Tuy nhiên, Giáo sư Roberts cho biết ông không thấy những căng thẳng hiện tại dẫn đến bất kỳ “kết quả thảm khốc” nào trừ khi Ba Lan hoặc Belarus trực tiếp can dự vào cuộc xung đột ở Ukraine.