Sau chuyến thăm ngoại giao của Thủ tướng Italy Matteo Renzi tới Moskva mới đây, câu hỏi đầu tiên nổi lên đó là: Tại sao Italy lại tìm cách khôi phục mối quan hệ với Điện Kremlin?
Chuyến thăm của Thủ tướng Italy Matteo Renzi tới Moskva đã thể hiện tầm quan trọng trong mối quan hệ với Nga của chính phủ Italy. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một nhà lãnh đạo châu Âu tới Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra.
Theo truyền thông Nga, trong thời gian gần đây, “chỉ có chuyến thăm duy nhất khác tới Nga là Tổng thống Pháp Francois Hollande, trong hành trình ông này trở lại Astana, nhưng sau đó ông Hollande đã không rời khỏi toà nhà ở sân bay Vnukovo và chỉ ở Nga có vài giờ đồng hồ”. Điện Kremlin cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Putin, Tổng thống Pháp Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel trước đó không được cho là một chuyến thăm chính thức cấp nhà nước. Đây chỉ là một hoạt động ngoại giao con thoi hướng tới cuộc gặp của “Bộ tứ Normandy” ở Minsk.
Tổng thống Nga Putin (phải) và Thủ tướng Italy Renzi đưa ra tuyên bố chung tại cuộc họp báo sau cuộc hội đàm ngày 5/3/2015. Ảnh: RIA Novosti |
Trong bối cảnh này, chuyến thăm của ông Renzi cho thấy rằng một số nhà lãnh đạo châu Âu đang tiến hành các bước nhằm phá thế cô lập Nga từ phương Tây.
Con đường hướng tới quyền lực của ông Renzi
Có một điều cần lưu ý rằng chuyến thăm trên của ông Renzi được thực hiện chỉ vài tuần sau khi Italy tổ chức lễ kỷ niệm lần đầu tiên nội các của ông Renzi được thành lập. Trong suốt 1 năm qua, vị thủ tướng 40 tuổi đầy tham vọng của Italy đã tiến hành một loạt các cải cách nội bộ, đặc biệt là tổ chức lại vai trò và phương pháp bầu cử ở Hạ viện, Thượng viện trong quốc hội Italy.
Cùng với những cải cách chính trị sâu rộng, chính phủ Italy còn tiến hành tái cấu trúc thị trường lao động quốc gia nhằm tăng tính cạnh tranh và, bên cạnh đó, đơn giản hóa thủ tục trong kinh doanh. Những thay đổi khác cũng được thực hiện trong các lĩnh vưc hành chính, tư pháp và giáo dục.
Vẫn còn quá sớm để nói về tính hiệu quả trong những cải cách của ông Renzi. Nhưng người đứng đầu chính phủ Italy đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ công chúng Italy, bằng chứng là sự thành công của Đảng Dân chủ (DP) trung tả của ông Renzi trong cuộc bầu cử vào tháng 5 năm ngoái tại Nghị viện châu Âu và chiến thắng trong các cuộc bầu cử địa phương được tổ chức vào năm 2014.
Rõ ràng, giờ đây ông Renzi cảm thấy tự tin hơn nhiều trên cương vị thủ tướng so với thời điểm tháng 2/2014, khi ông tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Italy.
Chính sách đối ngoại của Rome
Mười hai tháng kể từ khi ông Renzi trở thành thủ tướng Italy cũng đã đánh dấu về lập trường tích cực hơn của Rome trong chính sách đối ngoại. Italy đã bắt đầu khẳng định mình nhiều hơn trong Liên minh châu Âu (EU). Ông Renzi đã cùng với Tổng thống Pháp Francois Hollande kêu gọi thay thế "chính sách thắt lưng buộc bụng" của EU bằng một chính sách tăng trưởng kinh tế. Một vấn đề khác cũng được coi là chiến thắng của ông Renzi khi người đồng nghiệp trong DP của ông là Federica Mogherini được bổ nhiệm làm đại diện cấp cao mới về chính sách đối ngoại và an ninh của EU.
Ông Renzi (giữa) ủng hộ EU làm việc với Nga để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine. |
Trong khi đó, mối quan hệ giữa Italy và Mỹ cũng đang phát triển. Một số nhà quan sát cho rằng có một thực tế là quan điểm chính trị của ông Renzi và Tổng thống Mỹ Barack Obama là khá tương đồng nhau. Đảng Dân chủ của Italy có mối quan hệ chặt chẽ với đảng Dân chủ của Mỹ, và cả hai bên đều đóng một vai trò quan trọng trong “Liên minh Tiến bộ” (Progressive Alliance), một hiệp hội trung tả quốc tế.
2014 cũng là năm cho thấy rằng Italy muốn phát triển quan hệ kinh tế có hiệu quả với các cường quốc ở châu Á, chủ yếu là Trung Quốc và Nhật Bản. Quan hệ Italy-Thổ Nhĩ Kỳ cũng có tiềm năng phát triển to lớn, nhất là khi ông Renzi công khai ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU.
Hơn nữa, các chính trị gia của Italy đang được báo động cao bởi tình hình ở khu vực "Đại Trung Đông”. Rome đã ủng hộ các vụ đánh bom gần đây của Không quân Ai Cập nhằm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Libya. Các nhà ngoại giao Italy cũng ủng hộ việc tham gia nhiều nhất có thể trong cuộc chiến chống IS ở Trung Đông, nhưng mối quan tâm đặc biệt đối với Rome là sự hỗn loạn ngày càng tăng xung quanh tình hình ở Libya, nơi mà hàng ngàn người nhập cư bất hợp pháp được đưa đến Apennines mỗi tháng.
Mối quan hệ của Italy với Nga
Tất nhiên, mối quan hệ của Italy với Nga đã lạnh nhạt đi nhiều dưới sự lãnh đạo của Đảng Bảo thủ của ông Silvio Berlusconi. Tuy nhiên, chính phủ của ông Renzi lại cho rằng Nga vẫn là một "đối tác chiến lược", cho dù trước đó, Italy đã không công nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea. Ngoài ra, Italy ủng hộ việc loại Nga ra khỏi nhóm G8, và sẵn sàng tham gia các biện pháp trừng phạt chống Nga.
Nhưng hiện nay ngày càng có nhiều chính trị gia cấp cao của Italy, bao gồm cả các thành viên của chính phủ, hiểu rằng đó chỉ đơn giản là không có lựa chọn nào khác ngoài việc khôi phục lại quan hệ song phương cấp cao nhất giữa Italy và Nga.
Xét cho cùng, kể từ khi ông Renzi lên nắm quyền, Nga là đối tác thương mại nước ngoài lớn thứ sáu của Italy, cung cấp 6% tất cả các mặt hàng nhập khẩu. Quy mô thương mại chung giữa hai nước vẫn rất cao: 48 tỷ euro (khoảng 52 tỷ USD) mỗi năm. Italy nói chung được coi là nhà tiêu dùng lớn thứ hai trong lĩnh vực xuất khẩu của Nga.
Italy còn là đối tác thương mại nước ngoài lớn thứ 5 của Nga. Nga cung cấp năng lượng (15% dầu mỏ và 30% khí đốt), kim loại màu và gỗ cho Italy, trong khi Italy cung cấp hàng hóa, máy móc, sản phẩm hóa chất, đồ tiêu dùng và các loại vải dệt sang Nga.
Nga vẫn là nhà cung cấp khí đốt đáng kể cho Italy. Cả hai đều bị tổn thương từ các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và phương Tây. |
Có nhiều ví dụ khác về sự hợp tác kinh tế thành công giữa Nga và Italy. Khoảng 500 công ty của Italy có văn phòng đại diện tại Nga. Những “gã khổng lồ” kinh tế của Italy như ENF, ENEL và Saipem hoạt động rất năng động ở Nga. Công ty Sukhoi của Nga và công ty Alenia của Italy đang cùng nhau phát triển máy bay Superjet 100 mới, ngân hàng lớn UniCredit của Italy mới đây cũng đã gia nhập thị trường Nga, và các nhà máy sản xuất máy giặt tại Lipetsk và gạch men gần Moscow cũng đang hợp tác với các đối tác của Italy.
Hợp tác bình thường giữa Nga và Italy cũng có thể đạt được những thành công trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ cao. Tất cả những ví dụ trên minh họa rõ tiềm năng to lớn của mối quan hệ song phương giữa hai nước, đánh dấu một điểm sáng trong quan hệ quốc tế hiện nay.
Những lựa chọn của ông Renzi nhằm phục hồi mối quan hệ với Nga
Nhu cầu mới của Italy trong việc hợp tác với Moskva là chống lại các mối đe dọa thánh chiến ở Trung Đông, đặc biệt là ở Libya, nguyên là thuộc địa cũ của Italy. Theo nhật báo kinh doanh Vedomosti, sự hỗn loạn thời hậu Gaddafi và cuộc khủng hoảng quân sự đang diễn ra đã làm tổn thương nguồn cung cấp dầu mỏ (20%) và khí (10%) tới Italy, tạo ra các vấn đề xấu đối với “gã khổng lồ” khí đốt Eni của Italy, công ty có một số dự án lớn ở Libya.
Một thách thức khác là dòng người tị nạn từ Libya đổ về Italy: Rome sợ rằng những tên khủng bố của IS có thể vào Italy dưới chiêu bài này. Vì vậy, hợp tác với Nga trong lĩnh vực an ninh và chống khủng bố là một ưu tiên của chính phủ Italy.
Rõ ràng, cả Nga và Italy đều đang bị tổn thương trực tiếp từ các biện pháp trừng phạt chống Moskva của phương Tây. Cả Moskva và Rome đều có lợi trong việc khôi phục thương mại song phương. Tuy nhiên, giới truyền thông Nga lưu ý rằng điều đó chỉ có thể xảy ra nếu Điện Kremlin giúp bảo đảm ngừng leo thang xung đột ở Ukraine và sau đó Roma có thể sẽ ủng hộ việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Moskva. Italy có nhiều lợi ích để thực hiện điều này khi mà lĩnh vực nông nghiệp của họ đang bị tổn thương nặng do các biện pháp trừng phạt trả đũa của Moskva.
Công Thuận (Theo R.D)