Tại sao người chết ở Mỹ cũng nhận được tiền hỗ trợ trong dịch COVID-19?

Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) đang gửi tiền hỗ trợ COVID-19 cho cả người đã chết và điều này không hề khó hiểu hay gây ngạc nhiên trong thời điểm hiện nay.

Theo tờ Politico (Mỹ), khi phải tìm cách gửi tiền cho trên 150 triệu người Mỹ hưởng lợi từ gói kích thích của chính phủ, IRS đang chịu áp lực hoàn thành công việc càng nhanh càng tốt, ngay cả trong khi COVID-19 đang khiến hàng chục nghìn người chết.

Chú thích ảnh
Trụ sở IRS. Ảnh: Getty Images

IRS có nhiệm vụ kiểm tra danh sách người tử vong trước khi gửi tiền nhưng họ không có thông tin cập nhật theo thời gian thực về những người mới chết. Dữ liệu đó do các bang gửi lên và có độ trễ trong báo cáo. Theo ông Jack Smalligan, cựu quan chức văn phòng ngân sách của Nhà Trắng nói: “Đó là điều không thể tránh khỏi”.

Khi một số người lên mạng xã hội nói về việc bạn bè, người thân đã mất cũng được gửi tiền hỗ trợ, dù là khoản tiền nhỏ nhưng thông tin này cũng đã gây nhiều chú ý. Một số người cho rằng đây là bằng chứng cho thấy vấn đề quản lý yếu kém của chính phủ.

Hạ nghị sĩ Thomas Massie ở bang Kentucky viết trên Twitter: “Điều này thật điên rồ nhưng chỉ là phần nổi của tảng băng”. Ông cho biết bạn ông đã nhận được 1.200 USD tiền dành cho người cha đã mất.

Văn phòng Trách nhiệm giải trình Chính phủ (GAO), cơ quan điều tra của Quốc hội, đã bắt đầu xem xét vấn đề. IRS chắc chắn sẽ lâm vào tình hình khó khăn. GAO chưa nói sẽ tiếp cận vấn đề thế nào dù Tổng thống Donald Trump ngày 17/4 cho biết ông muốn số tiền này phải được trả lại. 

Một quan chức cấp cao tại Bộ Tài chính cho biết IRS đã tìm cách chặn các khoản tiền gửi cho người chết nhưng vẫn lọt một số trường hợp. Điều này thường xảy ra khi gửi tiền cho rất nhiều người cùng lúc.

Lần gần đây nhất mà Quốc hội Mỹ phải điều tra vấn đề này là vào năm 2009, khi đó theo gói kích thích của Tổng thống Barack Obama, khoản tiền 250 USD được gửi cho hàng triệu người cao tuổi và cựu binh, trong đó 71.000 người đã qua đời. Con số đó chiếm 0,1% trong tổng số 52 triệu khoản thanh toán.

Cơ quan An sinh Xã hội (SSA) chịu trách nhiệm theo dõi thời điểm qua đời của người dân. Vì cơ quan này phải gửi séc an sinh xã hội hàng tháng cho hàng chục triệu người nên cần phải biết người nhận còn sống hay chết.

Ông Smalligan, hiện là thành viên chính sách cấp cao tại Viện Urban, nói: “SSA có trách nhiệm đảm bảo phúc lợi đến với người còn sống. Người ta mặc định rằng SSA có trách nhiệm chung trong theo dõi người chết vì nếu nhiều cơ quan liên bang cùng tổng hợp thông tin về người chết thì không hợp lý”.

SSA có hồ sơ của trên 124 triệu người chết từ tận năm 1936. SSA nhận được 2,5 triệu giấy báo tử mỗi năm. Số giấy báo tử này do các chính quyền bang gửi, mặc dù SSA cũng nhận thông báo từ nhà tang lễ, gia đình người đã mất và các thể chế tài chính.

SSA chia sẻ thông tin đó với IRS nhưng sẽ mất một thời gian thì tên người đã mất mới xuất hiện trong tài liệu thống kê tổng thể, trong đó có những trường hợp không bao giờ được thống kê. Trái lại, hàng nghìn người bị liệt nhầm vào danh sách người đã chết mỗi năm.

Hiện chưa rõ khi nào nạn nhân COVID-19 sẽ xuất hiện trong hồ sơ của SSA. Cơ quan này cho biết cập nhật thống kê hàng tuần.

Trong khi đó, số người chết vì COVID-19 tăng nhanh chóng và phần lớn trong số trên 40.000 nạn nhân chết trong tháng 3. Trên 10.000 người đã chết trong tuần trước.

Dù như vậy, các nghị sĩ đã hối thúc IRS gửi tiền khẩn trương cho người dân và IRS cho biết đã gửi cho 80 triệu người. Bộ Tài chính hy vọng có thể chuyển tiền tới khoảng 170 triệu người.

Để đẩy nhanh việc thanh toán tiền hỗ trợ, các nghị sĩ đã yêu cầu IRS dựa chủ yếu vào thông tin thuế đã có, dù trong đó nhiều thông tin chưa được cập nhật cả năm liền. Họ yêu cầu IRS trước tiên xem tờ khai thuế năm nay để xem người khai có đủ điều kiện nhận tiền hỗ trợ không.

Nếu họ chưa điền tờ khai (khoảng 1/3 người nộp thuế chưa điền), thì IRS sẽ xem tờ khai từ năm ngoái. Khi đó, một số người chắc chắn đã chết.

Chú thích ảnh
Tổng thống Mỹ Donad Trump ký phê chuẩn dự luật kích thích kinh tế trị giá 2000 tỷ USD tại Nhà Trắng ngày 27/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ông John Dalrymple, cựu phó ủy viên IRS, có thể ít nhất một số người đã mất thực sự đủ điều kiện để nhận khoản tiền. Ông nói: “Nếu người đó còn sống vào ngày luật được thông qua, tôi cho rằng dù người đó có chết sau đó hay không thì họ vẫn có quyền hưởng phúc lợi”.

Một số người còn cho rằng ngay cả nếu người đã chết trước khi luật có hiệu lực thì họ cũng nên nhận được khoản tiền này nếu họ có đủ tiêu chí về thu nhập. Cần lưu ý rằng luật không có điều khoản nào cụ thể cấm chi tiền hỗ trợ cho số người này.

Trong một số phần của gói kích thích hỗ trợ trong dịch COVID-19 được ký thành luật tháng 3, Quốc hội có vẻ như muốn IRS “lỏng tay” với những người nhận tiền hỗ trợ.

Các nghị sĩ cho biết ngay cả nếu thu nhập của ai đó thay đổi, đủ điều kiện năm này nhưng không đủ điều kiện năm sau, thì họ vẫn được nhận tiền. Ví dụ, nếu một người kiếm được 70.000 USD năm 2018, dưới ngưỡng 75.000 USD – đủ điều kiện để nhận 1.200 USD tiền hỗ trợ, mà họ chưa nộp tờ khai thuế năm nay, họ vẫn có thể nhận tiền hỗ trợ cho dù năm 2019 họ có kiếm được 1 triệu USD đi chăng nữa.

Do đó, sẽ không ngạc nhiên nếu IRS không tìm cách thu lại tiền hỗ trợ đã gửi cho người chết.

Trong năm 2009, người chết vẫn được nhận tiền phần lớn là do SSA không biết rằng lúc đó người nhận đã chết. Năm đó, khoảng 41.000 khoản thanh toán đã được trả lại chính phủ.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế cao kỷ lục 
Nhật Bản thông qua gói kích thích kinh tế cao kỷ lục 

Ngày 7/4, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp có tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ yen (tương đương 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của dịch bệnh COVID-19. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN