Cuộc xung đột ở Ukraine đã thúc đẩy các nước châu Âu tăng chi tiêu quân sự và tăng cường phòng thủ, trong khi họ đang nỗ lực đảo ngược tình trạng giảm quân số đã xảy ra hơn một thập kỷ qua.
Nhưng những nỗ lực của các nước châu Âu đã gặp phải một thách thức lớn: thiếu tân binh sẵn sàng gia nhập lực lượng quân sự của họ.
Bất chấp khoản đầu tư mới và nỗ lực tuyển dụng gần đây, Đức thông báo rằng số lượng binh sĩ của họ đã giảm nhẹ vào năm ngoái. Bộ Quốc phòng nước này hồi đầu tháng 2 cho biết quân đội Đức (Bundeswehr) đã giảm khoảng 1.500 quân vào năm 2023. Kế hoạch của Bundeswehr là tăng quân số lên 203.000 quân vào năm 2031.
Anh gần đây cũng thừa nhận họ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tân binh. Bộ Quốc phòng nước này cho biết số người rời quân đội nhiều hơn 5.800 người so với số người gia nhập vào năm 2023. Tạp chí Quốc phòng Anh viết rằng quân đội đã không đạt được mục tiêu tuyển dụng hàng năm kể từ năm 2010.
Vincenzo Bove, Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Warwick ở Anh, nói với Euronews: “Đây là vấn đề của tất cả các nước châu Âu - bao gồm cả Pháp, Italy, Tây Ban Nha”.
Điều chắc chắn là cuộc xung đột Nga – Ukraine đã gây thêm áp lực lên các nước châu Âu trong việc giải quyết vấn đề. Nhưng tại sao các nước châu Âu lại chật vật trong việc tuyển quân? Dưới đây là một số nguyên nhân:
Những lý do chính
Thứ nhất, giá trị với giới trẻ đã thay đổi. Theo Giáo sư Bove, khoảng cách về mặt ý thức hệ giữa xã hội nói chung và lực lượng quân sự đã ngày càng rộng hơn trong những năm gần đây.
Giáo sư Bove cho biết các cuộc khảo sát gần đây đã chỉ ra rằng dân thường trẻ tuổi cực kỳ phản đối chiến tranh, phản đối việc tăng chi tiêu cho quân sự và phản đối các hoạt động quân sự ở nước ngoài; họ cũng có tính cá nhân cao hơn và ít yêu nước hơn những người phục vụ trong lực lượng quân đội.
Đồng quan điểm trên, Tiến sĩ Sophy Antrobus, Nghiên cứu viên tại Viện Hàng không và Vũ trụ Freeman thuộc Đại học King London, cho rằng lực lượng vũ trang càng nhỏ thì dân thường càng ít nhìn thấy họ: "Ở hầu hết các vùng của Anh, bạn hầu như không nhìn thấy bất kỳ người nào mặc quân phục, không có nhận thức về quân đội như một nghề nghiệp sẵn có".
Thứ hai, mức lương không hấp dẫn. Một lý do khác là làm việc trong quân đội đã trở thành một công việc giống như bất kỳ ngành nghề nào khác, theo Giáo sư Bov, và các lực lượng vũ trang đang cạnh tranh với khu vực tư nhân để tuyển dụng nhân sự - nhưng họ đang gặp bất lợi.
Giáo Bove nêu rõ: “Vì những thách thức trong lĩnh vực quân sự, chất lượng cuộc sống, nhiệm vụ quốc tế, sự không chắc chắn và nguy cơ thương vong, bạn cần phải trả mức lương rất cao để thuyết phục mọi người nộp đơn và gia nhập lực lượng vũ trang. Nếu không thì những người trẻ châu Âu thà chấp nhận một công việc trong lĩnh vực dân sự còn hơn”.
Nói riêng về Anh, Tiến sĩ Antrobus - người đã phục vụ trong Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh trong 20 năm, bao gồm cả ở Iraq và Afghanistan - nói thêm rằng không có nhiều đầu tư vào quân đội và tình trạng chỗ ở cho lực lượng vũ trang “khá tệ”.
“Thời gian nộp đơn đăng ký vào lực lượng vũ trang cũng khá dài và thế hệ trẻ - đặc biệt là bây giờ - mong đợi mọi việc sẽ diễn ra nhanh chóng. Nếu có một công việc xuất hiện trong khu vực công trong thời gian chờ đợi, đó là một lựa chọn hấp dẫn hơn là chờ đợi gia nhập quân đội”, bà Antrobus giải thích.
Thứ ba, thay đổi về nhân khẩu học. Các lực lượng vũ trang châu Âu cũng đang chật vật tìm kiếm ứng viên tiềm năng khi dân số của lục địa này đang già đi và thu hẹp lại. Giáo sư Bove lập luận rằng quy mô của các lực lượng vũ trang đã giảm xuống để thích ứng với sự thay đổi này, chẳng hạn như quân đội Anh, Italy và Pháp, hiện “chỉ bằng một nửa quy mô so với 10 năm hoặc 20 năm trước”.
Việc số lượng tuyển chọn thấp đồng nghĩa với việc chất lượng của những tân binh được nhận có thể không đạt được những tiêu chuẩn nghiêm ngặt mà các lực lượng vũ trang đã áp đặt trong nhiều thập kỷ.
Theo Tiến sĩ Antrobus, còn có vấn đề về “sức khỏe và thể lực” với giới trẻ. Bà cho biết ở Mỹ, ngày càng có nhiều người trong độ tuổi từ 17 đến 24 không có thân hình cân đối, trong đó béo phì là một vấn đề lớn. Nếu xu hướng này tiếp tục, quân đội sẽ không còn người để tuyển mộ vào năm 2035-2040.
Giải pháp nào cho quân đội châu Âu?
Giáo sư Bove lưu ý, quân đội châu Âu đang hơi “hoảng loạn” khi họ nỗ lực tìm kiếm tân binh trước mối đe dọa ngày càng tăng từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Theo vị chuyên gia trên, nhập cư có thể là câu trả lời, đồng thời trích dẫn rằng các quốc gia như Tây Ban Nha, Pháp và Bồ Đào Nha đang xem xét các cách để người nhập cư gia nhập quân đội và nhận quốc tịch sau một vài năm tham gia lực lượng.
“Đó có lẽ là cách tốt nhất trước mắt. Bởi vì bạn không thể buộc mọi người chiến đấu vì người khác và mọi người sẽ không chấp nhận quay lại nghĩa vụ quân sự”, Giáo sư Bove nhấn mạnh.
Về phần mình, Tiến sĩ Antrobus nêu quan điểm: “Thành thật mà nói, đó là một vấn đề khó giải quyết. Tất cả đều bắt đầu từ chính trị, ý chí chính trị và lợi ích”. Lưu ý thêm rằng một giải pháp cho quy trình tuyển quân của quân đội châu Âu sẽ liên quan đến những thứ như “làm cho dịch vụ trở nên hấp dẫn hơn, trả lương cao hơn để cải thiện mức sống và phải được ưu tiên trong chương trình nghị sự chính trị so với chi phí sinh hoạt và nền kinh tế".