Là người đồng sáng lập và lãnh đạo Facebook, đế chế với 2 tỷ người dùng và được ví là một quốc gia hơn là một công ty, với quyền lực của người đứng đầu, tỷ phú Zuckerberg vẫn im lặng trong vụ khủng hoảng lớn nhất mà Facebook từng gặp phải.
Thượng nghị sĩ John Kennedy của bang Louisiana cùng Thượng nghị sĩ Amy Klobuchar bang Minnesota muốn ông chủ Facebook phải điều trần trước Quốc hội Mỹ về hành vi sử dụng sai trái dữ liệu người dùng. Những dữ liệu này vốn bị nghi ngờ được phe Cộng hòa sử dụng để phục vụ chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump.
Zuckerberg vẫn chưa lên tiếng giữa bê bối của Facebook. Ảnh: CNN |
Theo tạp chí Forbes, mặc dù Facebook có thể chưa làm gì bất hợp pháp nhưng họ lại chậm phản ứng khi dư luận có một loạt thắc mắc về dữ liệu và quyền riêng tư.
Giám đốc an ninh dữ liệu của Facebook là Alex Stamos sẽ rời công ty vì bất mãn với cách công ty xử lý vụ bê bối.
Giám đốc pháp lý của Facebook, Paul Grewal, phát biểu với tờ New York Times: “Đây là một âm mưu và một vụ gian lận. Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để xem những dữ liệu bị nghi vấn đã được xóa vĩnh viễn chưa và sẽ có hành động chống lại những bên vi phạm”.
Đó là bình luận ngắn ngủi và chậm trễ từ phía Facebook nhưng lại không phải từ người đứng đầu Zuckerberg.
Nguyên nhân khiến các lãnh đạo cấp cao Facebook như Zuckerberg và Giám đốc Tài chính Sheryl Sandberg im lặng được kênh CNBC lý giải là do họ muốn đợi kết thúc cuộc điều tra nội bộ. Dù vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, sự im lặng này không hề tốt cho Facebook.
Zuckerberg vốn nổi tiếng với những công việc từ thiện và tầm ảnh hưởng, nhưng tầm ảnh hưởng đó đang bị đe dọa khi ông thất bại trong xử lý vấn đề ngay “ngưỡng cửa” Facebook. Thậm chí đang có cả một hashtag (chuỗi ký tự) lan truyền trên Twitter kêu gọi người dùng xóa tài khoản Facebook: #DeleteFacebook.
Ông Tavis Mcginn, một cựu giám đốc của Facebook giờ làm việc tại công ty Honest Data, nhận định với New York Times: “Facebook quan tâm quá nhiều tới hình ảnh đến mức các lãnh đạo không muốn xuất hiện và nói toàn bộ sự thật khi mọi thứ đang vỡ lở. Nhưng nếu họ không xuất hiện, điều đó làm tổn hại hình ảnh của chính họ”. Theo ông, các giám đốc công ty sẽ không có lợi gì khi im lặng giữa bê bối.
Theo các chuyên gia PR, một lãnh đạo được đánh giá dựa trên cách anh ta xử lý khủng hoảng. Khi mọi việc suôn sẻ, các giám đốc có thể đảm bảo hoạt động bình thường công ty. Khi mọi thứ xấu đi hoặc có sự cố xuất hiện, lãnh đạo phải là người bước ra để huy động ủng hộ và tìm giải pháp, không chỉ để giữ thương hiệu mà còn để giúp đỡ những người làm việc cho công ty. Theo họ, việc im lặng chính là sự phản bội trách nhiệm cung cấp dịch vụ, sản phẩm cho người dùng.
Trước đó, ông Zuckerberg đều phản ứng nhanh chóng khi đưa ra tuyên bố trong các vụ bê bối của Facebook. Sự im lặng còn khiến cộng đồng Twitter lập hashtag #WheresZuck (Zuck ở đâu). Rõ ràng, có nhiều người thắc mắc về việc Zuckerberg im hơi lặng tiếng.
Facebook đã tổ chức họp khẩn ngày 21/3 nhưng cả Zuckerberg và Sandberg đều không xuất hiện. Chỉ có luật sư Paul Grewal trả lời câu hỏi của nhân viên. Facebook ra tuyên bố xác nhận hai lãnh đạo không có mặt tại cuộc họp và nói họ đang làm việc khẩn trương để thu thập thông tin về vụ việc.
Về bê bối liên quan tới Cambridge Analytica, ông Zuckerberg đã không cập nhật Facebook của mình từ ngày 2/3.
Một nhà phân tích nhận định: Sự im lặng của Zuckerberg và Sandberg chỉ làm cho mọi việc khó khăn hơn với Facebook và nhà đầu tư. Ông Daniel Ives thuộc công ty GBH Insights nói: “Điều đó làm cho tình hình xấu thêm và khiến Phố Wall khó chịu. Điều này càng kéo dài thì mọi người càng bàn tán nhiều”.
Theo ông Heath Terry, nhà phân tích Internet hàng đầu của Ngân hàng Goldman Sachs, tương lai lâu dài của Facebook phụ thuộc vào cách công ty này xử lý vụ khủng hoảng. Trước đây, các công ty khác trong lĩnh vực này cũng sống sót qua các bê bối tương tự. Ví dụ như Google, công ty từng vướng vào bê bối gian lận quảng cáo trực tuyến, nhưng đã vượt qua nhờ cách xử lý khủng hoảng tốt.
Ông Terry phân tích: "Cho dù sẽ chỉ có một lượng người dùng rất nhỏ phản ứng với vụ bê bối bằng cách xóa tài khoản vì Facebook là tiện ích họ quen dùng, nhưng điều đó không có nghĩa là Facebook không cần giải quyết khủng hoảng".
Trái lại, nhà phân tích James Cakmak thuộc công ty Monness, Crespi, Hardt & Co lại nói rằng việc im lặng của ông Zuckerberg là có thể hiểu được vì ông này có nói gì đi chăng nữa cũng khó làm dịu được lời chỉ trích.
Trong khi ông Zuckerberg vẫn im lặng thì giá trị cổ phiếu của Facebook tiếp tục giảm không phanh. Từ khi xuất hiện thông tin công ty Cambridge Analytica thu thập dữ liệu 50 triệu người dùng Facebook ngày 16/3, cá nhân tỷ phú Zuckerberg đã mất 6 tỷ USD khi cổ phiếu Facebook giảm, dẫn tới làn sóng bán tháo ồ ạt các cổ phiếu ngành công nghệ trên Phố Wall. Tổng giá trị tài sản của Facebook cũng sụt giảm khoảng 60 tỷ USD.