Liên minh châu Âu là một “dự án” đang được triển khai và chưa đạt được mục tiêu cuối cùng. |
Trên mạng euractiv.com, Giáo sư Žiga Turk, Trường Đại học Ljubljana (Slovenia), đã có bài phân tích về tương lai của Liên minh châu Âu (EU):“Thách thức lớn nhất của EU hiện nay là chưa xác định được bản chất của liên minh: một khu vực tự do thương mại, một tổ chức NGO khổng lồ có trụ sở tại Brussles hay một quốc gia đang trong quá trình hình thành?".
Câu trả lời phổ biến hiện nay là Liên minh châu Âu là một “dự án” đang được triển khai và chưa đạt được mục tiêu cuối cùng. Khi nào EU còn là một dự án thì còn tranh luận về tương lai của Liên minh này. EU có thể được ví như một chiếc xe đạp đang tiến về phía trước. Khủng hoảng nhập cư, khủng hoảng đồng euro hay Brexit làm chậm quá trình tiến về phía trước hoặc thậm chí có thể đổi hướng nhưng không thể buộc “chiếc xe” này đi lùi lại. Tại hội nghị thượng đỉnh Bratislava ngày 16/9, lãnh đạo các nước EU tập trung giải quyết vấn đề làm thế nào để EU tiếp tục tiến về phía trước.
Cũng giống như nhiều hội nghị trước đó, tại hội nghị này lãnh đạo EU thảo luận về tương lai của châu Âu mà cụ thể hơn là của Liên minh châu Âu. Vấn đề hiện nay là nếu EU muốn phát triển, không chỉ đơn thuần là một khu vực tự do thương mại hay tổ chức phi chính phủ mà mang “tính chất quốc gia” hơn thì cần phải xây dựng được một nền tảng vững chắc. Đa số nhất trí rằng EU cần phát triển theo hướng hình thành một liên minh chặt chẽ hơn.
Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi là bản chất thực sự của liên minh này là gì. Ngoài ra, còn có sự khác biệt quan điểm giữa các lực lượng chính trị cánh tả và cánh hữu trên chính trường EU. Các lực lượng cánh hữu cho rằng EU cần phát triển dựa trên nền tảng thị trường chung, trong khi lực lượng cánh tả thì lại coi công bằng và sự gắn kết về mặt xã hội là nền tảng chung. Ngoài các yếu tố trên các mâu thuẫn khác đang tác động đến tương lai của EU: mâu thuẫn giữa hệ tư tưởng và tình cảm, yếu tố địa chính trị và văn minh, giữa giới trí thức và đa số người dân bình thường trong xã hội.
Thứ nhất, hệ tư tưởng - một hệ thống bao gồm nhiều quan niệm - là sản phẩm sáng tạo của trí tuệ con người. Các ví dụ về hệ tư tưởng như chủ nghĩa xã hội, thị trường tự do, pháp quyền, chủ nghĩa đa văn hóa… Ngoài hệ tư tưởng còn có các yếu tố cảm xúc, văn hóa, bản năng. Đây là những yếu tố mang tính vốn có, bẩm sinh. Các nền tảng đạo đức này là cơ sở cho sự gắn kết nhóm và do đó cũng chính là cơ sở cho sự hình thành nhà nước; bao gồm các yếu tố huyết thống, tôn giáo, ngôn ngữ, lịch sử và dân tộc.
Thứ hai, trong thế kỷ XXI các quan niệm về bộ tộc hay dân tộc khó có thể giành ưu thế so với các thành tựu chung của nhân loại như thị trường tự do, đồng tiền chung hay công bằng xã hội. Nhiều người cố gắng tìm hiểu xem tại sao việc hình thành một cộng đồng rộng lớn nhất lại có lợi cho việc đảm bảo công bằng xã hội hoặc xây dựng thị trường tự do. Cả hệ tư tưởng trung tả và trung hữu đều gặp phải vấn đề chung này.
Đa số con người đều hành động theo bản năng. Bản năng mách bảo người Đức rằng họ không nên chi tiền nhằm đảm bảo công bằng xã hội ở Hy Lạp trong khi sẵn sàng chấp nhận việc nộp thuế để đảm bảo vấn đề này ở Đức. Bản năng cũng mách bảo rằng cần phải đánh thuế hàng hóa nhập khẩu nếu điều này giúp duy trì công văn việc làm của người dân trong nước. Việc giới trí thức giải thích về lợi ích của thị trường mở hay công bằng xã hội sẽ không có tác dụng nhiều trong việc thay đổi các quan điểm trên.
Tương tự, giới lãnh đạo chính trị các nước cũng gặp khó trong việc thay đổi yếu tố này. Mâu thuẫn giữa quan điểm của giới tinh hoa trong xã hội và bản năng của người dân bình thường giúp giải thích các vấn đề như Brexit, Bernie Sanders và Donald Trump ở Mỹ hay sự nổi lên của những lực lượng theo chủ nghĩa dân túy ở các nước thành viên EU. Mặc dù việc xây dựng EU trong tương lai dựa vào các yếu tố thị trường chung, nhân quyền, công bằng và gắn kết xã hội dường như rất hấp dẫn nhưng điều này khó phát huy hiệu quả trong thực tế.
Thứ ba, một châu Âu đa dạng, mở rộng là cần thiết để bảo vệ biên giới bên ngoài, duy trì an ninh, hỗ trợ thị trường tự do và pháp quyền. Tuy nhiên, nền tảng của việc xây dựng một châu Âu như vậy cần phải là “bản sắc châu Âu”, trong đó có các yếu tố tôn giáo, văn minh và văn hóa. Một liên minh chặt chẽ hơn có thể được người dân châu Âu chấp nhận nếu liên minh này bảo vệ các giá trị về văn hóa và văn minh châu Âu. Hoặc nói theo các chính trị gia là các “giá trị” của châu Âu.
Một châu Âu đa văn hóa dường như là một ý tưởng tốt cho những người không không thuộc về nền văn hóa châu Âu và các nhóm thiểu số với hy vọng rằng điều này sẽ giúp chiến thắng bản năng của con người. Tuy nhiên, trong thực tế một châu Âu đang phát triển dựa trên yếu tố ý thức hệ hiện nay nhiều khả năng sẽ thất bại”.