Thách thức trong chính sách Đại Á-Âu của Nga trước áp lực phương Tây

Khu vực Đại Á-Âu (Greater Eurasia) đang chứng kiến sự cạnh tranh đáng chú ý nhất giữa hai mô hình quan hệ quốc tế cơ bản: hợp tác - được thể hiện qua các thể chế và nền tảng khu vực, và cạnh tranh - xuất phát từ nền kinh tế và chính trị toàn cầu vẫn đang bị chi phối bởi phương Tây.

Chú thích ảnh
Nguyên thủ các quốc gia thành viên SCO tại Hội nghị lần thứ 24 ở Astana, Kazakhstan ngày 4/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Đây chính là động lực định hình cơ hội và thách thức đối với chính sách của Nga tại khu vực này trong giai đoạn hướng tới năm 2025.

Trong những năm tới, khu vực Đại Á-Âu sẽ tiếp tục tìm cách cân bằng giữa khát vọng phát triển chung và những tác động tiêu cực từ quá trình phân tách toàn cầu. Hai yếu tố then chốt ảnh hưởng đến sự cân bằng này: thứ nhất, các quốc gia trong khu vực tập trung đạt được mục tiêu phát triển quốc gia; thứ hai, vị trí trung tâm của Đại Á-Âu trong chính trị và kinh tế toàn cầu khiến sự phát triển của khu vực này không thể tách rời khỏi các xu hướng lớn trên thế giới.

Dù trật tự quốc tế đang tiến tới trạng thái cân bằng tương đối, các quốc gia trong khu vực sẽ không tránh khỏi những thách thức và phép thử. Tuy nhiên, tác động dài hạn của quá trình này có thể tích cực, tạo điều kiện để hợp tác trở thành xu hướng chủ đạo trong quan hệ quốc tế. Dù hiện tại vẫn còn nhiều khó khăn, triển vọng dài hạn cho khu vực này mang lại sự lạc quan thận trọng.

Hợp tác trong khu vực Đại Á-Âu

Trong Đại Á-Âu, hợp tác được thể hiện qua các sáng kiến và tổ chức vốn được thiết kế để tránh sự thống trị của một cường quốc hoặc một nhóm quốc gia nhỏ. Trong những thập kỷ qua, sự xuất hiện của những thể chế như vậy đã trở thành thành tựu rõ nét, phản ánh cam kết chung về an ninh và ổn định thông qua hợp tác khu vực.

Không giống các khu vực khác trên thế giới, Đại Á-Âu không có các đường ranh giới rõ ràng giữa các khối kinh tế hay quân sự-chính trị. Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), do Trung Quốc và Nga dẫn dắt, nổi lên như một nền tảng đầy tham vọng và bao trùm, đặt nền tảng cho việc xây dựng một trật tự khu vực tương đối bình đẳng trong dài hạn.

Tuy nhiên, thực tế của sự cạnh tranh toàn cầu lại làm phức tạp những kỳ vọng hợp tác này. Phần lớn các quốc gia trong khu vực Đại Á-Âu đã gắn kết sâu sắc vào hệ thống kinh tế toàn cầu hiện tại. Sự kết nối này hỗ trợ phát triển nhưng cũng khiến các nước dễ bị tổn thương trước các bất bình đẳng kinh tế, chính trị hóa các quy trình kinh tế, và sự cạnh tranh ngày càng tăng về các nguồn lực toàn cầu ngày càng khan hiếm.

Điều này tạo ra một nghịch lý. Khi các quốc gia trong Đại Á-Âu cố gắng hợp tác với nhau, họ cũng phải cạnh tranh trong một hệ thống toàn cầu bị chi phối bởi phương Tây. Sự căng thẳng này ảnh hưởng đến cả các quốc gia nhỏ và các cường quốc lớn như Trung Quốc và Ấn Độ, làm nổi bật sự đối đầu giữa hai mô hình quan hệ quốc tế: hợp tác trong khu vực và cạnh tranh trên trường toàn cầu.

Chú thích ảnh
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ 24 của Hội đồng Nguyên thủ quốc gia SCO ở Astana, Kazakhstan, ngày 4/7/2024. Ảnh: ANI/TTXVN

Thách thức đối với hội nhập khu vực

Sự hợp tác thực tiễn giữa các quốc gia Đại Á-Âu đang bị cản trở bởi việc thiếu vắng một lãnh đạo hoặc thể chế thống nhất.

Khác với phương Tây, nơi Mỹ giữ vai trò dẫn đầu, Đại Á-Âu không có một trung tâm quyền lực tương tự. Dù Trung Quốc được coi là ứng viên cho vai trò này, nước này thiếu ý chí chính trị và nguồn lực để thống trị khu vực. Tham vọng của Trung Quốc cũng được cân bằng bởi Nga, Ấn Độ và các quốc gia nhỏ hơn với chính sách đối ngoại độc lập.

Do đó, Đại Á-Âu không thể xây dựng một trật tự khu vực xung quanh một thể chế hoặc khuôn khổ duy nhất có tính ràng buộc. Tuy nhiên, đáng chú ý là không có quốc gia lớn nào trong khu vực hy sinh hợp tác với láng giềng để theo đuổi các liên minh ngoài khu vực. Ngay cả Ấn Độ, dù có quan hệ đối tác ngày càng tăng với Washington, vẫn duy trì hệ thống quan hệ với các nước láng giềng ở Á-Âu.

Các sự kiện gần đây tại vùng ngoại vi Đại Á-Âu đã làm phức tạp thêm sự phát triển của khu vực. Ở Trung Đông, sự thay đổi cân bằng quyền lực, đặc biệt là do áp lực quân sự và ngoại giao của Israel lên các quốc gia Arab và Iran dưới sự hậu thuẫn toàn diện của phương Tây, đang đe dọa sự ổn định của các cường quốc khu vực như Iran và có thể lan sang Đại Á-Âu.

Triển vọng tương lai

Chú thích ảnh
Từ trái sang: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong khuôn khổ hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 16 tại Kazan. Ảnh:  Sputnik 

Những thách thức mà Đại Á-Âu đang đối mặt nhấn mạnh sự khó khăn trong việc theo đuổi một chiến lược khu vực thống nhất. Tuy nhiên, các quốc gia trong khu vực vẫn duy trì được sự hợp tác mà không đánh đổi lợi ích với nhau. Điều này phản ánh sự kiên cường của các thể chế như SCO và cam kết của các quốc gia Á-Âu trong việc bảo vệ ổn định khu vực.

Đối với Nga, khi hướng tới năm 2025, nước này cần xem xét cách củng cố vai trò của mình tại Đại Á-Âu, đồng thời giải quyết các tác động của bất ổn toàn cầu và ngoại vi. Tương lai của khu vực rộng lớn này phụ thuộc vào khả năng cân bằng giữa hợp tác và cạnh tranh trong bối cảnh thế giới đang chuyển mình sâu sắc.

Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo RT)
Vì sao một đồng minh của Mỹ muốn gia nhập BRICS?
Vì sao một đồng minh của Mỹ muốn gia nhập BRICS?

Kenya, một đồng minh quan trọng của Mỹ ở châu Phi, đang thể hiện mong muốn gia nhập BRICS, một khối các nền kinh tế mới nổi được dẫn dắt bởi Nga và Trung Quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN