Theo tác giả Shawn W Crispin của tờ "Thời báo châu Á", thất bại của Thái Lan trong bảo vệ đồng baht vốn được ấn định tỷ giá với đồng USD, đã tạo tiền đề đẩy châu Á vào cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ năm 1997-1998. Giờ đây, khi luồng vốn đầu tư không ngớt đổ vào thay vì rút ra khỏi khu vực, liệu Thái Lan có đi đầu kỷ nguyên mới về kiểm soát vốn để bảo vệ tiền tệ?
Giống như các nền kinh tế khác trong khu vực, Thái Lan đã chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng nguồn vốn đầu tư nước ngoài đổ vào thị trường tài chính, tập trung chủ yếu vào trái phiếu chính phủ và các tài sản mang lại lợi nhuận cố định khác. Một phần nguyên nhân là do các luồng vốn đầu tư đã được chuyển ra khỏi những nước có tỷ lệ lãi suất thấp hoặc kinh tế tăng trưởng thấp như Mỹ, khu vực đồng euro và Nhật Bản (G-3) để tìm đến những nơi có lãi suất và mức tăng trưởng cao hơn ở các nền kinh tế đang phát triển. Năm 2010 cũng là năm đầu tiên đánh dấu các nhà đầu tư nước ngoài tập trung vốn đầu tư hơn vào trái phiếu thay vì cổ phiếu tại châu Á và luồng vốn đầu tư chuyển dịch từ Tây sang Đông có dấu hiệu sẽ kéo dài và liên tục, thay vì chỉ trung chuyển ngắn hoặc trung hạn như trước đây. Xu hướng này xuất hiện là do giới đầu tư ngày càng lo ngại đà phục hồi kinh tế mong manh cũng như thiếu khả năng duy trì các biện pháp tài chính kích thích kinh tế ở các nước G-3.
Trái phiếu chính phủ 10 năm của Thái Lan hiện đang hấp dẫn các nhà đầu tư. Tính đến cuối tháng 8, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 5 tỷ USD trái phiếu và luồng đầu tư này lớn gấp 3 lần lượng vốn đổ vào thị trường chứng khoán. Luồng vốn lớn đổ vào thị trường tài chính đã làm đồng baht mạnh lên 11% so với đầu năm. Tuần qua, giá trị đồng baht đã xác lập thêm một kỷ lục mới kể từ sau khủng hoảng tài chính 1997-1998 đến nay với giá trị quy đổi 30 baht/1 USD. Việc đồng baht mạnh lên nhanh chóng đã khiến chính phủ và khu vực tư nhân lo ngại cạnh tranh xuất khẩu trong tương lai và các nguồn vốn đầu cơ đổ vào có thể làm bùng nổ những bong bóng kinh tế mới tương tự như trước thời điểm bùng nổ cuộc khủng hoảng năm 1997. Đồng baht mạnh cũng có tác động lớn tới xuất khẩu, vốn chiếm 70% GDP của Thái Lan, đe dọa việc thực hiện mục tiêu đạt tăng trưởng xuất khẩu cả năm là 20% và tăng trưởng kinh tế 7,5% năm 2010.
Đồng baht tăng mạnh đã đặt chính phủ Thái Lan trước những lựa chọn chính sách mới và các chính sách đó có thể tác động tới toàn bộ khu vực. Việc vận dụng các biện pháp kiểm soát vốn, như một số nhà phân tích dự báo, sẽ giảm áp lực đối với các nhà xuất khẩu Thái Lan, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vốn thiếu điều kiện tiếp cận các công cụ giảm tác động từ đồng nội tệ mạnh. Thị trường chứng khoán Thái Lan (SET) đầu tuần trước đã sụt giảm nhẹ khi xuất hiện tin đồn Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) dự định sẽ công bố các biện pháp kiểm soát mới. Các nhà phân tích khẳng định sự can thiệp của BOT xuất phát từ lo ngại đồng baht mạnh sẽ phá sản các ngành xuất khẩu sử dụng nhiều nhân công, như dệt, may mặc và đe dọa nạn thất nghiệp gia tăng.
Để ngăn chặn đồng baht tăng giá, BOT đã tháo gỡ những trở ngại đối với việc rút vốn ra khỏi thị trường Thái Lan, khuyến khích doanh nhân Thái Lan đầu tư ra nước ngoài và cho phép các nhà nhập khẩu được giữ lợi nhuận bằng ngoại tệ thay vì đồng nội tệ trong tài khoản. Các biện pháp này đã tỏ ra không có tác dụng và giới phân tích cho rằng BOT sẽ sớm chọn giải pháp áp dụng các biện pháp can thiệp ngăn chặn luồng vốn đổ vào nếu đồng baht mạnh ở mức 29 baht/1USD.
Một số nhà phân tích cho rằng BOT sẽ sai lầm nếu áp dụng giống như Ấn Độ hoặc Inđônêxia vì phần lớn vốn đổ vào Thái Lan tập trung vào trái phiếu dài hạn, thay vì ngắn hạn. Trong khi đó nhiều nhà phân tích cho rằng BOT không nên can thiệp mà nên để thị trường quyết định giá trị đồng baht.
Chính trị cũng là một nhân tố tác động tới khả năng BOT sẽ ban hành thêm các biện pháp kiểm soát. Chính phủ hiện chịu nhiều áp lực từ phía các nhà xuất khẩu vừa và nhỏ. Bên cạnh đó ngành du lịch, chiếm 6% GDP của Thái Lan đã trở nên đắt đỏ hơn đối với du khách châu Âu. Thái Lan có lẽ sẽ là nước áp dụng các biện pháp kiểm soát toàn diện để hãm tốc độ mạnh lên của đồng baht. Khi ngày càng có nhiều luồng vốn rời khỏi phương Tây để đến phương Đông, không loại trừ sẽ xuất hiện một kỷ nguyên mới về kiểm soát luồng vốn để bảo vệ tiền tệ và có thể Thái Lan sẽ đi đầu trong kỷ nguyên này.