Thủ tướng Đức Angela Merkel (ảnh, giữa). Ảnh: AFP/TTXVN |
Không những dư luận trong nước mà cả châu Âu cũng đang dõi theo mọi diễn biến mới trên chính trường Đức sau khi FDP tuyên bố rút khỏi cuộc đàm phán do "không thể vượt qua những khác biệt" với các đảng tham gia đàm phán thành lập liên minh cầm quyền.
Chủ tịch FDP Christian Lindner nêu rõ các bên đàm phán không thể đạt được tiếng nói chung cũng như không có niềm tin với nhau, và với thực tế như vậy, việc "không thành lập liên minh còn tốt hơn là cầm quyền một cách tệ hại". Quyết định này như một "gáo nước lạnh" đối với Chủ tịch CDU, nữ Thủ tướng Angela Merkel, người cầm quyền nước Đức liên tục trong suốt 12 năm qua.
Nhìn lại chiều dài lịch sử từ năm 1949 đến nay, FDP được xem là đối tác truyền thống và hầu như đều tham gia liên minh cầm quyền trong chính phủ do CDU đứng đầu. Ngay trước cuộc tổng tuyển cử năm 2017, giới phân tích cũng chưa từng coi FDP là một đối tác "khó", mà nhìn nhận đảng này nghiễm nhiên sẽ là một bên trong nội các nhiệm kỳ 2017-2021.
Thế nhưng, những bất đồng không thể khỏa lấp trong nhiều vấn đề như bãi bỏ thuế đoàn kết, nới lỏng quy định hợp tác giữa cấp liên bang và các bang, cải cách hệ thống giáo dục và linh hoạt thời gian làm việc, đặc biệt trong lĩnh vực chính sách nhập cư, đã khiến FDP quyết định rút khỏi đàm phán. Thực tế, trong suốt thời gian đàm phán kéo dài gần một tháng qua, các bên đã có sự nhượng bộ lẫn nhau, song cũng kiên quyết giữ lại các điều khoản được coi là “không thể đàm phán”.
Cũng cần nhìn nhận công bằng về sự thất bại trong đàm phán để thấy rõ trách nhiệm của các bên, thay vì coi đây là quyết định “phá ngang” của FDP, một đảng theo đuổi nền kinh tế tự do và xã hội, với mục tiêu trung tâm là kiến tạo việc làm thông qua cải thiện môi trường đầu tư. Sự khác biệt giữa một bên ủng hộ các doanh nghiệp (FDP) và một bên ủng hộ các biện pháp bảo vệ môi trường (đảng Xanh) là rất lớn.
Đây cũng là lý do khiến đề xuất hạn chế các loại xe động cơ diesel gây ô nhiễm và đóng cửa 20 nhà máy điện chạy bằng than đá ở Đức vấp phải sự phản đối của FDP (và cả CDU/CSU) vì lo ngại điều này sẽ dẫn tới tình trạng mất việc làm cũng như phá hoại ngành năng lượng và ô tô hùng mạnh của Đức. Sau động thái của FDP, Thủ tướng Merkel chỉ bày tỏ “lấy làm tiếc”, song tôn trọng quyết định của đảng này, đồng thời cho biết bà đã làm hết cách để có thể tìm được tiếng nói thống nhất giữa các bên đàm phán hướng tới thành lập chính phủ.
Theo kết quả một cuộc thăm dò do báo Tiêu điểm (Focus) tiến hành, trên 33,4% số người được hỏi cho rằng đàm phán sụp đổ trước tiên gây tổn hại cho FDP, trong khi có tới 41% nhận định việc không thể đạt kết quả đàm phán là do lỗi từ phía đảng Xanh, tỷ lệ này với FDP chỉ là 31%.
Đứng trước thực tế hiện nay, CDU/CSU - liên đảng giành nhiều phiếu nhất trong cuộc tổng tuyển cử hôm 24/9 vừa qua - đang phải đứng trước những sự lựa chọn, hoặc tìm cách đàm phán lại, tìm đối tác mới, cầm quyền với chính phủ thiểu số hoặc khả năng cuối cùng là tiến hành bầu cử lại.
Thủ tướng Merkel, nhà lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm vốn đã quá quen thuộc với các cuộc đàm phán kéo dài, hiểu rõ những rủi ro khi không thể thành lập một chính phủ hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, các bất đồng cơ bản giữa 4 chính đảng trong vấn đề nhập cư, bảo vệ môi trường và châu Âu sẽ không dễ dàng được hóa giải.
Việc kéo dài các cuộc đàm phán thậm chí càng có nguy cơ khiến các đảng này củng cố lập trường và tỏ ra cứng rắn hơn. Về lý thuyết, bà Merkel có thể tìm kiếm sự hậu thuẫn từ đảng Dân chủ Xã hội (SPD), vốn là đối tác liên minh với CDU/CSU suốt 4 năm qua.
Đây có thể xem là sự lựa chọn bền vững nhất bởi “đại liên minh” này có thể chiếm được đa số trong Quốc hội Đức. Tuy nhiên, khả năng này hầu như không có khi lãnh đạo SPD nhiều lần khẳng định họ sẽ ở phía đối lập. Thậm chí, Chủ tịch SPD Martin Schulz còn tuyên bố đảng trung tả này đã sẵn sàng cho các cuộc bầu cử mới.
Khả năng cầm quyền với một chính phủ thiểu số cũng được cân nhắc, bởi với lựa chọn này, bà Merkel vẫn có thể tiếp tục giữ cương vị Thủ tướng Đức, song sẽ lãnh đạo một chính phủ thiểu số với tư cách ứng cử viên được các nhà lập pháp bầu chọn - điều chưa từng xảy ra ở Đức kể từ sau chiến tranh. Bản thân nhà lãnh đạo kỳ cựu của Đức là một người rất chắc chắn và hiểu rất rõ rằng cầm quyền với một chính phủ thiểu số là một quyết định đầy rủi ro.
cũng nhiều lần tuyên bố muốn một chính phủ ổn định, đồng thời bày tỏ hoài nghi về việc dẫn dắt một chính phủ thiểu số nếu như không thành lập được liên minh để điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu này.
Tân Tổng thống Đức Frank Walter Steinmeier phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức ở Berlin ngày 22/3. Ảnh: EPA/TTXVN |
Kịch bản cuối cùng được dư luận đồn đoán nhiều khả năng xảy ra nhất là nước Đức sẽ tiến hành bầu cử lại vào cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Theo quy định, Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmer sẽ yêu cầu quốc hội tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chính phủ của Thủ tướng Merkel. Nếu chính phủ vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm, Tổng thống Steinmeier sẽ quyết định phê chuẩn bà Merkel tiếp tục cương vị của mình hoặc sẽ giải tán quốc hội để tiến hành bầu cử trước thời hạn trong vòng 60 ngày sau đó. Theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận mới nhất, có tới 45% số cử tri Đức được hỏi ủng hộ tiến hành một cuộc bầu cử mới để bầu lại cơ quan lập pháp nước này, trong khi 24% ủng hộ một chính phủ thiểu số điều hành đất nước.
Lãnh đạo SPD cho biết sẽ gặp Tổng thống Steinmeier trong ngày 22/11 để thảo luận về cuộc khủng hoảng hiện nay, trong khi phía CDU/CSU chưa công bố kế hoạch cụ thể. Ông Steinmeier nêu rõ nước Đức đang lâm vào tình trạng rối ren chưa từng có khi đàm phán thành lập chính phủ sụp đổ.
Cho tới lúc này, khả năng tiến hành một cuộc bầu cử mới là rất cao, bởi đại diện các đảng đều đã đề cập tới khả năng bầu cử lại. Thủ tướng Merkel tuyên bố sẵn sàng là ứng cử viên thủ tướng của liên đảng bảo thủ trong cuộc bầu cử mới, đồng thời khẳng định CDU/CSU đang đoàn kết hơn bao giờ hết. Trong khi đó, Chủ tịch SPD Martin Schulz cũng cho biết sẵn sàng lãnh đạo đảng trung tả tham gia bầu cử, song chưa cho biết ông có làm ứng cử viên thủ tướng của SPD hay không.
Dù diễn tiến theo kịch bản nào đi chăng nữa, thực tế cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang phải đối mặt với những tháng ngày khó khăn. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, một đồng minh rất gần gũi của Berlin, đã lên tiếng bày tỏ mong muốn một nước Đức hùng mạnh và ổn định để thúc đẩy châu Âu.
Giới phân tích cảnh báo cuộc khủng hoảng chính trị ở Đức đe dọa làm tê liệt châu Âu trong bối cảnh khu vực này đang phải đối mặt với một loạt vấn đề và thách thức, từ các cuộc đàm phán đưa Anh ra khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) cho tới các kế hoạch tham vọng thúc đẩy hội nhập châu Âu. Nếu tiến trình thành lập chính phủ Đức tiếp tục lâm vào bế tắc, quyết định sẽ nằm trong tay Tổng thống Steinmeier, kể cả trường hợp thuyết phục SPD tiếp tục tham gia liên minh cầm quyền.